Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ sập cầu cạn ở Genoa, Italy ngày 14/8. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Italy ngày 27/8, Bộ trưởng Giao thông và cơ sở hạ tầng Danilo Toninelli tuyên bố chính phủ nước này sẽ nỗ lực nhằm xem xét lại hệ thống cho phép các công ty tư nhân quản lý tài sản công như hiện nay.
Ông cho biết thêm chính phủ sẽ đánh giá “trên cơ sở từng trường hợp” để xem hình thức quốc hữu hóa hay đàm phán lại các hợp đồng đang thực hiện có đảm bảo tốt hơn lợi ích của người dân hay không.
Bộ trưởng Toninelli, thành viên của đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S), cũng thông báo sẽ yêu cầu “một chương trình chi tiết về các hoạt động quản lý bình thường và bất thường” khi triệu tập tất cả các bên được nhượng quyền quản lý cơ sở hạ tầng của Italy trong tháng 9 tới.
Tuy nhiên, mọi quyết định nhượng quyền quản lý sẽ cần nhận được sự tán thành của liên minh Liên đoàn phương Bắc và M5S cầm quyền kể từ tháng 6 vừa qua, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhân vật bảo thủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Chính phủ Italy cáo buộc công ty Autostrade per l'Italia thu về khoản lợi nhuận khổng lồ, song lại đầu tư quá ít vào công tác bảo trì đường cao tốc.
Công Autostrade quản lý gần 50% mạng lưới đường cao tốc của Italy, trong đó có tuyến cao tốc A10. Chính phủ cam kết hủy bỏ các hợp đồng làm lợi cho công ty Autostrade per l'Italia sau thảm họa trên.
Cầu Morandi dài 1,2km nằm trên tuyến đường cao tốc A10 nối thành phố cảng Genoa với miền Nam nước Pháp. Cầu hoàn thành xây dựng vào năm 1967.
Trưa 14/8 vừa qua, một đoạn cầu dài khoảng 200 mét rơi từ độ cao khoảng 100 mét đè xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới.
Thảm họa này khiến ít nhất 43 người thiệt mạng, hàng trăm người mất nhà ở, đồng thời gây gián đoạn giao thông nghiêm trọng tại Genoa - thành phố cảng quan trọng ở Tây Bắc Italy.
Nhà thầu vận hành chiếc cầu bị sập Autostrade per l'Italia tuyên bố chi 500 triệu euro (580 triệu USD) nhằm hỗ trợ thành phố và xây dựng lại cầu cạn này.
Vụ sập cầu cao tốc Morandi là vụ việc mới nhất cho thấy cơ sở hạ tầng cũ kỹ của nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề.
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), hiện có hơn 2 triệu ngôi nhà ở trên khắp cả nước đang trong tình trạng xuống cấp và không ổn định. Hơn 156 trần nhà tại các ngôi trường ở nước này đã bị sập trong vòng 5 năm qua.
Cây cầu Morandi, được coi là "vương miện" của ngành kỹ thuật xây dựng Italy khi được khánh thành năm 1967, là cây cầu thứ 12 bị sập kể từ năm 2004.
Có tới 5 trong số 12 cây cầu này bị sập trong vòng 5 năm qua. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do trong những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ bùng nổ về xây dựng ở Italy, nhiều cây cầu, đường sá, nhà cửa và trường học đã được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu rẻ tiền nhằm tăng lợi nhuận cho các nhà thầu.
Hầu hết các nhà thầu này đều có bóng dáng của nhiều tổ chức tội phạm và mafia đứng đằng sau.
Trong số 12 cây cầu bị sập những năm gần đây, có tới 4 cây cầu nằm ở Sicily và 2 trong số này là đối tượng điều tra của cơ quan công tố do chúng được xây bằng các loại ximăng, bêtông chất lượng thấp. Hàng chục cây cầu và đường hầm ở vùng Calabria, miền Nam Italy, hiện cũng đang được điều tra vì những lý do tương tự.
Nicola Gratteri, trưởng cơ quan công tố ở thành phố Catanzaro thuộc vùng Calabria cho biết trong quá trình lấy mẫu phân tích, các nhà chức năng đã phát hiện nhiều mẫu bêtông có chất lượng kém hơn gấp 3 lần so với tiêu chuẩn thông thường.
Giới chuyên gia ước tính hiện ở Italy có khoảng 300 cây cầu đang có nguy cơ bị sập và đòi hỏi phải đầu tư một khoản tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng./.