Mô hình nhà chống bão, giảm khí thải ở Mỹ

Khi bão Michael tấn công Florida Panhandle 5 năm trước, ngôi nhà có hình tròn giống như một con tàu của bà Bonny Paulson ở khu dân cư ven biển Mexico Beach, Florida, Mỹ đã chống chọi thành công với những cơn gió cấp 5.

 Nhà chống bão của bà Bonny Paulson ở Mexico Beach, Florida, Mỹ. Ảnh chụp màn hình

Bà Paulson cho biết, ngoài an tâm hơn, bà đang được hưởng chi phí năng lượng khoảng 32 USD mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 250 USD bà từng chi trả cho ngôi nhà trước đó.

Những ngôi nhà như của bà Paulson được các nhà phát triển xây dựng với khả năng chống chọi tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và thân thiện hơn với môi trường.

Nhà ở vốn là nơi các cá nhân có thể giảm lượng khí thải carbon. Hiện nay, các tòa nhà thải ra khoảng 38% tổng lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng mỗi năm.

Ô nhiễm carbon một phần đến từ việc cung cấp năng lượng cho những thứ như đèn và điều hòa không khí và một phần khác đến từ việc sản xuất những vật liệu xây dựng như bê tông và thép.

Deltec - công ty xây dựng nhà của bà Paulson - cho biết, trong số gần 1.400 ngôi nhà được xây dựng trong 3 thập kỷ qua, chỉ có 1 ngôi nhà bị hư hại trong bão.

Khi xây dựng mô hình nhà ở chống bão, giảm khí thải carbon, theo AP, các công ty thường tập trung vào xây dựng xanh, với vật liệu cách nhiệt chất lượng cao hơn để giảm nhu cầu dùng điều hòa không khí, dùng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và năng lượng mặt trời.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang phát triển toàn bộ khu dân cư có nhà ở xây theo mô hình chống bão, giảm khí thải đóng góp vào biến đổi khí hậu.

Khu dân cư Hunters Point của Pearl Homes ở Cortez, Florida, bao gồm 26 ngôi nhà đã hoàn thiện và 30 ngôi nhà sẽ được xây dựng vào cuối năm 2024. Tất cả nhà ở đây đều đạt chứng nhận bạch kim LEED - cấp độ cao nhất của một trong những hệ thống xếp hạng công trình xanh được sử dụng nhiều nhất.

Babcock Ranch là một khu dân cư bền vững, có khả năng chống bão khác ở Nam Florida. Khu dân cư này tự xưng là thị trấn sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên ở Mỹ, tạo ra 150 megawatt điện với 680.000 tấm pin đặt trên khu vực rộng 350 ha. Khu dân cư này cũng là một trong những cộng đồng đầu tiên tại Mỹ có hệ thống pin để lưu trữ năng lượng mặt trời cho sử dụng vào ban đêm hoặc khi mất điện.

Syd Kitson thành lập Babcock Ranch năm 2006. Những ngôi nhà ở đây có khả năng chống chịu gió bão tốt hơn vì mái nhà được kết nối vào hệ thống kết nối với nền móng. Đường dây điện được chôn dưới lòng đất nên không thể bị gió thổi bay.

Ở một số ngôi nhà tại đây, cửa xoay ra ngoài để khi áp lực gió tăng lên, cửa không bị bật mở trong khi các lỗ thông hơi giúp cân bằng sức ép trong các garage.

Năm 2022, bão Ian đổ bộ Babcock Ranch ở cấp độ bão cấp 4 nhưng Syd Kitson cho biết, khu dân cư này không bị hư hại nhiều.

(Nguồn:laodong.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website