Nhật Bản thiết kế sân bay vũ trụ dành cho du khách

Hiệp hội Cảng vũ trụ Nhật Bản viết trong một thông cáo: “Du lịch vũ trụ vốn từng bị đóng cửa để hạn chế con người sẽ được mở cửa trở lại cho tất cả mọi người”, đủ để nói lên tham vọng của họ với công trình sân bay vũ trụ mới này.

Toàn cảnh thiết kế sân bay vũ trụ của SPJ - Ảnh: BI

Một nhóm các kiến trúc sư thuộc Hiệp hội Cảng vũ trụ Nhật Bản (SPJ) đã thiết kế một công trình ngoạn mục: Một sân bay vũ trụ 4 tầng nổi trên bờ vịnh Tokyo.

Sân bay vũ trụ Spaceport City được sắp xếp không khác một sân bay truyền thống, ngoại trừ việc các máy bay vũ trụ đỗ ở các cửa thay vì các máy bay thương mại. Thậm chí, còn có các làn đường đón trả khách thông qua các con đường nối sân bay vũ trụ với đất liền.

Sân bay được chia thành các khu vực khác nhau, dựa trên yêu cầu an ninh và được kết nối với nhau bằng cầu vượt.

Công trình sẽ bao gồm 2 tòa tháp lớn: Một để khởi hành và một tòa dùng để đón khách. Theo các nhà thiết kế, 2 toàn tháp lớn nổi bật để giúp cho chúng được nhận ra từ rất xa từ không gian.

Theo đề xuất, Spaceport City sẽ vận hành 2 tàu con thoi thương mại đưa hành khách tới độ cao gần 100 km trước khi trở lại Trái đất. Tàu con thoi sẽ cất cánh như máy bay thông thường, thay vì phóng thẳng đứng như tên lửa. Hành khách phải đến trước để kiểm tra thể chất và tập huấn trong 3 ngày. Các nhân viên sẽ đón họ vào ngày khởi hành bằng xe limousine và đưa họ tới cửa lên tàu.

Theo các nhà thiết kế, Spaceport City sẽ hoạt động như một cơ sở nghiên cứu và kinh doanh liên quan đến vũ trụ, bao gồm một học viện giáo dục để tìm hiểu về không gian. Nơi này cũng sẽ được dùng để tổ chức các sự kiện như trình diễn thời trang vũ trụ và hội nghị quốc tế. Ngoài ra, còn có dịch vụ khách sạn, rạp chiếu phim 4D, hồ bơi, bảo tàng nghệ thuật, phòng tập thể dục, thủy cung và vũ trường. Đặc biệt, sẽ có một nhà hàng và cửa hàng nông sản để bán đồ ăn cho phi hành gia như côn trùng, tảo và thịt chay làm từ rau củ.

Khi các chuyến bay thương mại lên vũ trụ được thực hiện, hành khác có thể khởi hành từ các sân bay vũ trụ giống như thế này. Sân bay vũ trụ của Nhật Bản hướng tới mục tiêu trở thành một loại hình trung tâm giao thông mới, kết hợp du hành vũ trụ với ô tô tự lái, nghiên cứu, giải trí và kiến trúc tương lai.

SPJ hy vọng sân bay vũ trụ sẽ hoạt động trong 10 năm tới, biến giấc mơ này trở thành hiện thực càng sớm càng tốt để thúc đẩy ngành công nghiệp không gian Nhật Bản. Để làm được điều này, SPJ đang hợp tác với hơn 20 công ty, bao gồm Mitsubishi, Airbus Japan và các hãng hàng không Nhật Bản.

Các chuyến bay thương mại lên vũ trụ vẫn đang được định hình là một ngành kinh doanh bùng nổ, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngân hàng Bank of America cho biết vào năm 2030, ngành kinh doanh này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi giá trị, lên khoảng 1.000 tỷ USD trên toàn cầu.

Hiện các công ty như Virgin Galactic, Blue Origin và SpaceX đang chạy đua trong thị trường bay vũ trụ thương mại. Đặc biệt, SpaceX đang hợp tác với công ty Space Adventures ở Mỹ để đưa một nhóm nhỏ du khách vào không gian đầu năm 2021.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website