UNESCO từng cảnh báo sân vận động bóng đá mới của Everton được dự kiến xây trên bến tàu lịch sử Bramley-Moore là không thể chấp nhận được. TP thương cảng lịch sử Liverpool có thể loại ra khỏi danh sách “Di sản Thế giới” (Ảnh:thetimes.co.uk)
Trong một tuyên bố hôm 18-6, UNESCO cho hay, thành phố cảng Liverpool ở trung tâm TP Liverpool (Anh) là một “khu vực được đề xuất xóa khỏi danh sách “Di sản Thế giới" do lo ngại các dự án quy hoạch đô thị quá mức đang gây ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của di sản này”.
Ngay khi nhận thông tin xấu này, Thị trưởng thành phố Liverpool - ông Steve Rotheram, đã bày tỏ thất vọng về quyết định của UNESCO. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội, Thị trưởng Liverpool nói: "Chúng tôi tự hào về lịch sử của mình nhưng di sản là một phần quan trọng trong quá trình tái tạo của chúng tôi".
Năm 2004, UNESCO đã công nhận khu thương cảng với những tòa nhà, kho hàng ở hai bên bờ sông ở trung tâm thành phố Liverpool là Di sản Thế giới bởi đây là "nhân chứng cho sự phát triển của một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới vào thế kỷ 18 và 19”.
Năm 2012, di sản này đã bị UNESCO đưa vào danh sách “Di sản thế giới bị đe dọa” do chính quyền thành phố đề xuất dự án xây dựng phát triển có tên gọi “Liverpool Waters”. Đây là một trong hai “Di sản Thế giới bị đe dọa” ở châu Âu (cùng với Các đài kỷ niệm thời trung cổ ở Kosovo).
Việc đưa vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa” là một lời cảnh báo của UNESCO, song cho đến nay dự án vẫn được tiếp tục.
Ngoài thương cảng lịch sử ở Liverpool, Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Selous ở Tanzania cũng được UNESCO khuyến nghị đưa ra khỏi danh sách Di sản Thế giới.
Trong động thái gây tranh cãi, Ủy ban Di sản thế giới cũng đề xuất rằng các địa điểm bao gồm Rạn san hô Great Barrier tại Australia, "thành phố của những cây cầu" Venice, Italy và thành phố "trái tim của châu Âu" Budapest, Hungary cùng một số địa danh khác vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa” do đứng trước nguy cơ biến mất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những di sản này có nguy cơ bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi danh sách “Di sản Thế giới” nếu không có sự bảo tồn đúng đắn.
Australia ngày 22-6 tuyên bố rằng họ sẽ phản đối mạnh mẽ khuyến nghị của UNESCO đưa Rạn san hô Great Barrier vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa” do sự bào mòn vì biến đổi khí hậu.
Ở “thành phố của những cây cầu” Venice, tác động từ các hoạt động du lịch quá mức là một trong những tiêu chí khiến UNESCO yêu cầu đưa thành phố vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa”.
Đáp lại cảnh báo của UNESCO, Bộ trưởng Văn hóa Ý Dario Franceschini nói: “Đây sẽ là một điều rất nghiêm trọng đối với đất nước chúng tôi” nếu Venice bị loại bỏ (khỏi danh sách Di sản Thế giới). Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề du lịch tàu biển tại Venice.
Tại Budapest, việc phá dỡ “không phù hợp” và xây dựng lại trên diện rộng, đặc biệt là các tòa nhà quá cao tầng làm biến dạng hai di tích lịch sử bờ sông Danube và cung điện Buda.
Thung lũng Kathmandu ở Nepal, khu vực chung quanh hồ Ohrid nằm giữa hai quốc gia Albania và Macedonia cũng được đề xuất đưa vào danh sách “Di sản Thế giới bị đe dọa”. UNESCO cũng đưa ra khuyến nghị này với các ngọn núi lửa tại khu vực Kamchatka của Nga.
Hiện, số phận của các di sản nói trên sẽ phải chờ tới quyết định cuối cùng tại cuộc họp của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại thành phố Phúc Châu (Fuzhou), Trung Quốc, từ ngày 16 đến 31-7.