Dự án về một đô thị nổi, với những tòa nhà được nâng lên theo mực nước biển, đang được thành hình ở một đầm phá tại Maldives, cách thủ đô Male 10 phút đi thuyền.
Được quy hoạch với kiến trúc giống loài san hô não, thành phố sẽ có 5.000 công trình nổi, bao gồm nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu và trường học, với những con kênh chảy dọc mỗi khu vực.
Các công trình đầu tiên sẽ được công bố trong tháng này, và cư dân có thể đến ở vào đầu năm 2024. Toàn bộ thành phố dự kiến hoàn thành trong năm 2027, với quy mô 20.000 dân.
Dự án là sự phối hợp giữa nhà phát triển bất động sản Dutch Docklands (Hà Lan) và chính phủ Maldives, và là giải pháp thiết thực ứng phó với tình hình nước biển dâng.
Phát thảo đồ họa "đô thị nổi" tại Maldives. Ảnh: Waterstudio.
Maldives có 80% diện tích đất liền cao hơn mực nước biển chưa tới một mét. Các quan chức nước này cảnh báo với việc mực nước biển được dự báo sẽ tăng lên một mét vào cuối thế kỷ này, gần như toàn bộ Maldives sẽ “biến mất”.
Do vậy, những “đô thị nổi” sẽ là niềm hy vọng mới cho hơn nửa triệu người dân Maldives, theo Koen Olthuis, nhà sáng lập Waterstudio - công ty kiến trúc đã thiết kế thành phố này.
“Điều này chứng minh những ngôi nhà với giá phải chăng, với những cộng đồng lớn sống ở trên mặt nước vẫn có thể an toàn. Người dân Maldives sẽ từ những người tị nạn khí hậu trở thành người tiên phong về ứng phó biến đổi khí hậu", ông Olthuis nói.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Sinh ra và lớn lên tại Hà Lan - nơi có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển - ông Olthuis có thời gian và kinh nghiệm về các giải pháp đối mặt với tình trạng nước biển dâng. Ông thành lập Waterstudio vào năm 2003, trở thành một công ty kiến trúc tập trung hoàn toàn vào các công trình trên mặt nước.
Vào thời điểm đó (2003), dấu hiệu của biến đổi khí hậu đã hiện hữu, nhưng chưa được xem là vấn đề lớn đến mức xây dựng một công ty chuyên biệt hóa, ông nói. Thách thức lớn nhất lúc đó là không gian sống, khi các đô thị được mở rộng, nhưng quỹ đất thích hợp để phát triển đô thị mới đã dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành “chất xúc tác”, biến việc xây dựng kiến trúc nổi thành xu hướng chủ đạo, ông Olthuis cho hay.
Trong hai thập niên, Waterstudio đã thiết kế hơn 300 ngôi nhà nổi, văn phòng, trường học, và trung tâm y tế trên toàn cầu.
Nhìn từ trên cao, kiến trúc đô thị nổi tại Maldives như loài san hô não (brain coral). Ảnh: CNN.
Do đặc thù về địa lý, Hà Lan trở thành trung tâm cho xu hướng công trình nổi, từ công viên, trang trại bò sữa hay các tòa văn phòng. Nổi bật là trụ sở Trung tâm Thích ứng Toàn cầu (GCA), tổ chức tập trung nghiên cứu các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, được xây thành một văn phòng nổi.
Patrick Verkooijen, CEO của GCA, coi kiến trúc nổi là giải pháp thông minh cả về tính thiết thực và hiệu quả kinh tế trong tình trạng nước biển dâng.
Năm 2021, ngập lụt đã gây thiệt hại toàn cầu hơn 82 tỷ USD, theo công ty tái bảo hiểm Swiss Re. Biến đổi khí hậu cũng khiến thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn, với tổn thất được dự báo có thể tăng mạnh. Một báo cáo từ Viện Tài nguyên Thế giới dự báo đến năm 2030, lũ lụt ven biển và ven sông sẽ ảnh hưởng đến 700 tỷ USD tài sản ở đô thị.
Mô hình tiên phong ở Maldives
Mặc dù có nhiều bước tiến trong những năm qua, kiến trúc nổi vẫn cần một chặng đường dài để phát triển về quy mô và tối ưu chi phí, theo ông Verkooijen. “Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô như thế nào, cũng như cách nào để tăng tốc. Điều cấp thiết lúc này là quy mô và tốc độ”.
Dự án nhà nổi ở Maldives hướng tới việc đạt được cả hai mục tiêu trên, với việc xây dựng thành phố cho hơn 20.000 người trong 5 năm. Những dự án nổi tương tự đã được triển khai, như đô thị Oceanix ở Hàn Quốc hay nhóm đảo nổi trên biển Baltic, nhưng không thể so về quy mô và tốc độ như ở Maldives.
Thành phố do Waterstudio thiết kế sẽ thu hút người dân địa phương với những ngôi nhà nhiều màu sắc, ban công rộng và hướng nhìn ra biển. Cư dân sẽ di chuyển giữa các khu vực bằng thuyền, hoặc có thể dạo chơi trên những con đường cát bằng xe đạp, xe máy điện hay đi bộ.
Thiết kế những ngôi nhà nhiều màu sắc tại đô thị nổi ở Maldives. Ảnh: Waterstudio.
Dự án cung cấp không gian rộng rãi, có thể giảm bớt gánh nặng cho thủ đô Male - một trong những thành phố có mật độ dân số đông nhất thế giới. Giá cả cũng được cho là cạnh tranh tại nước này, với 150.000 USD cho một căn hộ studio và 250.000 USD cho một căn nhà dành cho gia đình, theo ông Olthuis.
Với những tác động tiềm ẩn đến môi trường biển, ông Olthuis nói dự án đã được các chuyên gia về san hô đánh giá nghiêm ngặt, cũng như được chính quyền phê duyệt trước khi thi công.
Để hỗ trợ sinh vật biển, các bờ san hô nhân tạo làm từ bọt thủy tinh sẽ gắn với mặt dưới của thành phố, mà ông Olthuis nói rằng sẽ kích thích san hô phát triển tự nhiên.
Dự án đặt mục tiêu thành phố có thể tự cung tự cấp và có những chức năng như trên đất liền. Điện được cung cấp chủ yếu bằng năng lượng mặt trời, trong khi nước thải sẽ được xử lý cục bộ và tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Thành phố cũng sẽ dùng phương pháp làm mát bằng nước biển để thay thế cho điều hòa, giúp tiết kiệm năng lượng.
Bằng việc phát triển thành phố nổi hoạt động trơn tru tại Maldives, ông Olthuis hy vọng kiểu kiến trúc này sẽ được đẩy lên một tầm cao mới. Sẽ không còn là “kiến trúc quái đản” chỉ được tìm thấy ở những công trình cho giới siêu giàu, mà đây là giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và tình trạng đô thị hóa, đáp ứng được tính ứng dụng và giá thành, ông nói.