Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến cây xanh đô thị

Một nghiên cứu khoa học mới đây cho biết, ô nhiễm ánh sáng đang ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh học của cây cối và thực vật ở các thành phố.

Ô nhiễm ánh sáng đang ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh học của cây xanh tại các đô thị. (Ảnh minh họa: Trung Hiếu)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích sự tăng trưởng, phát triển của cây cối và bụi rậm tại khoảng 3.000 địa điểm trên khắp các thành phố ở nước Mỹ, trong khoảng thời gian 5 năm để tìm hiểu cách thực vật đô thị phản ứng với các điều kiện ánh sáng khác nhau như thế nào.

Họ nhận thấy rằng, ánh sáng nhân tạo đã đẩy nhanh thời điểm cây cối đâm chồi vào mùa Xuân lên sớm hơn khoảng 9 ngày so với cây cối ở các địa điểm không có đèn điện.

Thông thường, thực vật dựa vào chu kỳ ngày đêm tự nhiên cũng như nhiệt độ, để từ đó chúng thay đổi màu lá theo mùa.

Nghiên cứu cũng cho thấy, thời gian chuyển màu của lá vào mùa Thu hiện nay chậm hơn khoảng 6 ngày trên toàn nước Mỹ.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, nếu ánh sáng có cường độ cao hơn, sự khác biệt cũng lớn hơn nhiều.

Ảnh hưởng của sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng đối với các lĩnh vực như kinh tế, khí hậu, chăm sóc sức khỏe và sinh thái.

Mặt tích cực của điều này là mùa sinh trưởng của thực vật trở nên dài hơn, có thể cho phép các trang trại trong đô thị hoạt động trong thời gian dài, cây cối cũng có thể cung cấp bóng mát cho các khu dân cư trong thời gian dài hơn, từ đầu mùa Xuân cũng như trong mùa Thu.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực là khi cây ra lá sớm thì lá dễ bị tổn thương do sương giá mùa Xuân, đồng thời chu kỳ tăng trưởng dài không phù hợp với thời gian thụ phấn của một số loài cây, điều này vốn rất quan trọng đối với một số loại cây trồng ở đô thị.

Hơn nữa, thời gian phát triển kéo dài hơn của các loài thực vật đô thị có thể dẫn đến một mùa phấn hoa dài hơn, có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và các bệnh khác liên quan đến đường hô hấp.

Do tác động của đèn điện, sự gia tăng nhiệt độ ở môi trường đô thị vào ban đêm cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ thực vật. Ngoài ra, hệ thực vật đô thị cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như carbon dioxide và độ ẩm của đất.

Nhóm nghiên cứu dự đoán rằng, sự chậm trễ của thời điểm lá cây thay đổi màu do khí hậu ấm lên có thể dừng lại vào giữa thế kỷ này và thậm chí có thể đảo ngược do ánh sáng nhân tạo. Tuy nhiên, vẫn cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định điều này.

(Nguồn:baoquocte.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website