Qatar xây dựng các công trình phục vụ World Cup 2022

Nhằm chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2022) sắp diễn ra trong tháng 11/2022, nước chủ nhà Qatar đã chi tiêu một số tiền khổng lồ trong việc xây dựng các sân vận động cũng như các cơ sở hạ tầng đi kèm.

Với dân số chỉ khoảng 2,6 triệu người, Qatar là một quốc gia nhỏ nằm ở mũi phía đông của Bán đảo Ả Rập nhô ra Vịnh Ba Tư. Nhờ các mỏ tài nguyên năng lượng với trữ lượng lớn, đặc biệt là mỏ khí đốt North Field lớn nhất thế giới, Qatar trở thành một quốc gia rất giàu có.

Chính dầu khí đã giúp cho đất nước 50 tuổi này nhanh chóng trở nên giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Chỉ trong vài thập kỷ, khoảng 300.000 công dân Qatar đã rời bỏ được công việc mưu sinh vất vả truyền thống của mình là đánh cá và lặn tìm ngọc trai.

Trong khi phần lớn thế giới vật lộn với suy thoái và lạm phát trong năm 2022, Qatar và các nhà sản xuất năng lượng Ả Rập tại vùng Vịnh khác đang thu được nhiều lợi ích từ giá năng lượng cao. Vì vậy bất chấp việc phải chi tiêu ồ ạt để chuẩn bị cho World Cup, quốc gia này vẫn kiếm được nhiều hơn số tiền phải chi ra trong năm 2021.

Theo các ước tính trước đây, tổng chi phí bao gồm sân vận động, khách sạn, đường xá, công trình công cộng, phương tiện giao thông, cũng như các khu đô thị phục vụ World Cup 2022 rơi vào khoảng 220 tỷ USD. Tuy nhiên, theo hãng tin Tass của Nga trích dẫn lời của đại sứ Qatar hồi tháng 10, con số thực tế rơi vào khoảng 200 tỷ USD.

Dù con số thực sự là bao nhiêu, số tiền này cũng cao gấp nhiều lần so với số tiền được chi bởi bất kỳ quốc gia nào cho bất kỳ sự kiện thể thao quy mô lớn tương tự như World Cup hay Olympic.

Nhiều chục tỷ USD trong khoản chi tiêu khổng lồ này được chính phủ Qatar sử dụng cho việc xây dựng một tuyến tàu điện ngầm, sân bay mới, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trước các trận đấu và sau khi World Cup kết thúc.

Cụ thể theo hãng tin Sky News, chính phủ Qatar sẽ chi khoảng 45 tỷ USD cho việc xây dựng nhiều khu phức hợp khách sạn, sân golf, công viên trò chơi và các bến cảng tại thành phố Lusail. Tại khu The Pearl ở thành phố Doha, chính phủ sẽ xây dựng các hòn đảo tư nhân nhân tạo, khu nghĩ dưỡng, khách sạn và căn hộ với chi phí hơn 15 tỷ USD. Trong khi đó, tuyến tàu điện ngầm Doha với 37 điểm dừng sẽ được xây dựng với chi phí được ước tính vào khoảng 36 tỷ USD.

Là một phần của khoảng chi tiêu khổng lồ này, khoảng 6,5 tỷ USD khác cũng đã được nước chủ nhà sử dụng để xây dựng 8 sân vận động cho giải đấu, bao gồm cả sân vận động Al Janoub được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng quá cố Zaha Hadid.

Nhằm đảm bảo điều kiện thi đấu cho các cầu thủ trong điều kiện nắng nóng, các sân vận động sẽ được thiết kế để tạo ra đủ bóng râm. Đối với sân vận động Lusail nơi diễn ra trận chung kết, nơi này còn được lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ.

Các sân vận động chính của FIFA World Cup 2022

Sân vận động Al Bayt tại Al Khor.

Sân vận động Al Bayt

Nằm tại thành phố Al Khor, sân vận động Al Bayt có sức chứa 60.000 khán giả. Với cấu trúc lều khổng lồ bao phủ toàn bộ sân vận động độc đáo, thiết kế cho công trình này được lấy cảm hứng từ bayt al sha’ar - những chiếc lều được sử dụng bởi các dân tộc du mục ở Qatar và vùng Vịnh. Sau khi World Cup kết thúc, sân vận động này sẽ được thu gọn xuống còn 32.000 chỗ ngồi.

Sân vận động Ahmad Bin Ali vào ban đêm.

Sân vận động Ahmad Bin Ali

Nằm ở Umm Al Afaei, phía tây của trung tâm Doha, Sân vận động Ahmad bin Ali sẽ đón 40.000 khán giả trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Sau khi giải đấu này kết thúc, nó sẽ được giảm quy mô xuống gần 20.000 chỗ ngồi.

Thiết kế của sân vận động và các tòa nhà xung quanh phản ánh môi trường Qatar. Về mặt tiền bên ngoài, nó có dạng gợn sóng của cồn cát, trong khi các hình dạng hình học đặc biệt mô tả vẻ đẹp của sa mạc và hệ động thực vật địa phương.

Sân vận động Al Janoub với sức chứa 40.000 người.

Sân vận động Al Janoub

Sân vận động Al Janoub nằm ở phía nam thành phố Al Wakrah và có sức chứa 40.000. Thiết kế của sân vận động phản ánh những cánh buồm no gió của những chiếc thuyền dhow truyền thống của Qatar nhằm tưởng nhớ quá khứ đánh cá và lặn ngọc trai của Al Wakrah.

Sau giải đấu, sức chứa của Al Janoub cũng sẽ được giảm xuống.

Sân vận động quốc tế Khalifa tại thành phố Doha.

Sân vận động quốc tế Khalifa

Sân vận động quốc tế Khalifa được thiết kế lại ban đầu được xây dựng vào năm 1976 và được cải tạo và mở rộng vào năm 2005 để trở thành trung tâm của Asian Games 2006 do Qatar đăng cai.

Sân vận động, bao gồm các vòng cung bao quát và khán đài có mái che một phần, là trung tâm của Khu Aspire - một khu phức hợp thể thao nằm tại Doha bao gồm Học viện Thể thao Xuất sắc Aspire, Trung tâm Thủy sinh Hamad (Limitless), Bệnh viện Y học Thể thao ASPETAR và nhiều địa điểm thể thao khác.

Sân vận động Thành phố Giáo dục nằm tại thành phố Al Rayyan.

Sân vận động Thành phố Giáo dục

Sân vận động Thành phố Giáo dục mới nằm giữa một số khuôn viên trường đại học đẳng cấp thế giới tại trung tâm xuất sắc toàn cầu của Qatar là Al Rayyan - Thành phố Giáo dục.

Sân vận động có sức chứa tới 40.000 khán giả và nó có hình dạng như một viên kim cương lấp lánh khi mặt trời di chuyển trên bầu trời. Sau FIFA World Cup, sân vận động sẽ giữ lại gần một nửa số chỗ ngồi cho các đội thể thao của các trường đại học.

Sân vận động Lusail là nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2022.

Sân vận động Lusail

Nằm ở thành phố Lusail, đây là một trong những sân vận động chính của Qatar’s World Cup và sẽ tổ chức trận chung kết cho giải đấu năm 2022 với chức chứa lên tới 80.000 người.

Sau giải đấu, sân vận động Lusail sẽ được chuyển đổi thành một trung tâm cộng đồng với trường học, cửa hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao và phòng khám sức khỏe như một phần trong cam kết phát triển bền vững của Qatar.

Sân vận động 974 được làm từ 974 chiếc container.

Sân vận động 974

Dự án sân vận động 974 là dự án tiên phong trong lĩnh vực xây dựng sân vận động thể thao trên thế giới tại thành phố Doha của Qatar. Được xây dựng từ các container, sân vận động này sẽ được tháo dỡ hoàn toàn và các vật liệu được sử dụng trong quá trình xây dựng sẽ được tái sử dụng.

Ngoài ra, cái tên 974 vừa là mã quay số quốc tế của Qatar vừa là số lượng container được sử dụng để xây dựng nó. Sức chứa của sân vận động này sẽ rơi vào khoảng 40.000 người.

Sân vận động Al Thumama được lấy cảm hứng từ chiếc mũ truyền thống của người dân Qatar.

Sân vận động Al Thumama

Nằm tại thành phố Doha với tổng sức chứa 40.000 người, sân vận động Al Thumama là một biểu tượng kiến trúc riêng biệt của Ả Rập vì nó được lấy cảm hứng từ qahfiya truyền thống (chiếc mũ đội dưới thời Ghutra và Egal). Sau khi World Cup kết thúc, sân vận động này cũng sẽ được thu hẹp phạm vi xuống còn 20.000 chỗ.

Thiết kế này được chọn vì nó là một nét văn hóa chung, thể hiện bề dày nền văn minh Ả Rập và di sản lịch sử - văn hóa đan xen của các quốc gia trong khu vực này.

(Nguồn:mekongasean.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website