Mực nước biển toàn cầu đang dâng cao và trong vòng 100-200 năm tới, thế giới sẽ không thể tránh khỏi đối mặt với tình trạng nước biển tăng thêm tới 1m. Điều này đồng nghĩa với một số khu vực địa hình thấp như thủ đô Singapore sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Singapore đang tăng cường các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu với khoản đầu tư trị giá 400 triệu SGD (294 triệu USD) để bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống thoát nước trong 2 năm tới và 10 triệu SGD (7 triệu USD) cho Chương trình nghiên cứu mực nước biển quốc gia trong 5 năm, qua đó thúc đẩy phát triển các dự án nhằm ngăn chặn mực nước biển dâng.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều biện pháp của Chính phủ Singapore nhằm chống lại nguy cơ đảo quốc này có thể bị nhấn chìm dưới biển nước.
Kể từ năm 2011, Singapore đã đầu tư khoảng 1,8 tỷ SGD (1,3 tỷ USD) vào việc nâng cấp hệ thống thoát nước, đặc biệt ưu tiên cho các khu vực hay bị ngập úng, trong đó 254 điểm ngập úng đã được xử lý kể từ năm 2014 đến cuối năm 2018.
Trung tâm nghiên cứu khí hậu thuộc Cơ quan khí tượng thủy văn Singapore (CCRS) dự báo trong trường hợp hiếm gặp là mực nước biển trung bình dâng cao, thủy triều cao và sóng cao xảy ra đồng thời, mực nước biển có thể dâng gần 4m so với mức trung bình hiện nay và nhấn chìm toàn bộ các khu vực duyên hải nằm dưới thấp.
Trả lời báo giới ngày 26/8 liên quan tới những dữ liệu vệ tinh mới nhất về biến đổi khí hậu, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết dựa trên các tính toán về mức độ ấm lên toàn cầu, các chuyên gia tin rằng mức tăng tối thiểu 1m đối với các đại dương trên toàn cầu là không thể tránh khỏi xét đến thời điểm này. Theo Steve Narem, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về mực nước biển dâng của NASA, nhiều khả năng tình hình sẽ diễn biến xấu trong tương lai.
Michael Freilich, chủ nhiệm Khoa Khoa học Trái Đất của NASA, nhận định mực nước biển dâng cao sẽ “tác động sâu sắc” tới toàn thế giới. Theo dự báo, hiện có khoảng 150 triệu người, phần lớn tại châu Á, hiện đang sống trong khu vực có nguy cơ nước biển dâng cao thêm 1m.
Cảnh báo của NASA dựa trên dữ liệu gửi về từ nhiều dụng cụ đo độ cao mặt nước biển trên không gian. Cụ thể, nước tại các đại dương trên thế giới đã dâng trung bình gần 7,6 cm từ năm 1992, một số nơi thậm chí tăng 23 cm. Nguyên nhân chủ yếu do là băng tan – một yếu tố mà các nhà khoa học cho rằng rất khó để dự đoán.
Băng tại Greenland và Nam Cực đang tan nhanh hơn bao giờ hết, trong đó các nhà khoa học đặc biệt quan ngại về tình trạng băng tại Greenland. Hiện băng tại khu vực này đang tan chảy với tốc độ trung bình 303 gigaton băng/năm (1 gigaton = 1 tỷ tấn) trong thập kỷ qua. Trong khi đó, băng tại Nam Cực đang biến mất với tốc độ trung bình 118 gigaton/năm.
Phân tích dữ liệu thời tiết trong lịch sử cho thấy mực nước biển có thể dâng cao tối đa tới 3 m trong 1-2 thế kỷ nếu băng tan đạt tốc độ cao. Các nhà khoa học cảnh báo con người cần sớm có chuẩn bị trong bối cảnh băng đang tan nhanh hơn các tính toán của giới chuyên gia.
Nước biển dâng sẽ nhấn chìm tất cả mọi thứ. Ảnh minh họa
Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, Singapore đã phát động một chương trình trồng cây rộng khắp, đưa ra phương án bảo vệ nguồn cung nước trong trường hợp xảy ra sự gián đoạn đột ngột và quyết định xây dựng các dự án mới như nhà ga T5 của sân bay Changi với mức nền cao hơn.
Cùng với việc kêu gọi người dân thay đổi thói quen hàng ngày để có cuộc sống xanh, Bộ Môi trường và Nguồn nước Singapore sẽ triệu tập một nhóm làm việc để nghiên cứu cải thiện cách thức tái chế nguyên vật liệu, đồng thời sẽ thành lập một văn phòng trực thuộc CCRS để điều phối nỗ lực nhằm đưa ra một kế hoạch tổng thể nghiên cứu khoa học về tình trạng biến đổi khí hậu cấp quốc gia và tăng cường năng lực của các địa phương.
Tuy nhiên, theo lời Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt, chính phủ không thể hành động một mình mà cần cộng tác với các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức để cùng tìm ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.