Thách thức từ đô thị hóa

Thế kỷ 21 được cho là thế kỷ tăng trưởng của châu Á.

Ảnh minh họa/INT

Trung Quốc đã trở thành động lực tăng trưởng chính còn Ấn Độ đang dần đạt được những bước tiến như một cường quốc kinh tế. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam, cũng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Vào năm 2021, châu Á chiếm 39% GDP toàn cầu, trở thành châu lục có tiềm lực kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện nay, châu Á chiếm 3/4 tổng mức tăng trưởng GDP toàn cầu, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm một nửa. Đến năm 2050, GDP của châu Á có thể đạt 148.000 tỷ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu.

Góp phần vào thành công của châu Á là quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, chính sự đô thị hóa ồ ạt đang khiến các quốc gia vật lộn với bài toán mất cân bằng di cư.

Trong vài thập kỷ qua, hàng triệu người đã di cư từ các vùng nông thôn đến thành phố với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Vào năm 2020, ước tính 51% dân số châu Á sống tại khu vực thành thị, tăng từ mức dưới 20% vào năm 1950.

Một mặt, đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư. Mặt khác, nhiều người dân nông thôn chuyển lên thành phố nhưng không thể tìm được công việc ổn định và gần như không thể vươn lên tầng lớp trung lưu.

Dần dần, dòng người đổ xô lên thành phố phải sống trong những khu ổ chuột do vấn đề di cư vượt quá khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cần thiết.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 55% dân số đô thị sống trong các khu ổ chuột ở Campuchia. Con số này ở các quốc gia Mông Cổ, Myanmar và Philippines lần lượt là 43%, 41% và 38%. Điều kiện nhà ở của khoảng 500 triệu người dân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn nằm trong mức tồi tệ, khó khăn.

Những thách thức về kinh tế - xã hội và môi trường đô thị làm chậm quá trình hình thành tầng lớp trung lưu trên diện rộng. Ngoài ra, các khu ổ chuột mở rộng có thể kéo theo tệ nạn và bất ổn xã hội. Như vậy, sự tồn tại dai dẳng của các khu ở chuột ở châu Á sẽ đe dọa sự trỗi dậy của châu lục trong thế kỷ này.

Châu Á phải tìm cách khắc phục nhược điểm từ chính sự thành công của mình. Khi nhìn sâu vào vấn đề, có thể thấy việc hình thành các khu ổ chuột xuất phát từ khó khăn ở nông thôn.

Vì sống tại vùng nông thôn thiếu cơ hội phát triển, nhiều người dân có thu nhập không ổn định, điều kiện việc làm hạn chế nên họ buộc phải di cư đến thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình di cư, người dân chưa được trang bị đầy đủ về học vấn, kiến thức, kỹ năng... nên sau khi ra đô thị, họ khó tìm được việc làm ổn định.

Nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore đã giải quyết được bài toán trên. Tại Nhật Bản, đô thị hóa phát triển ra các vùng ven đô, thậm chí vẫn mở rộng bất chấp tình trạng già hóa dân số, nên nước này đã biến các vùng nông thôn thành thành phố bằng cách xây dựng nhà ở giá rẻ, bệnh viện, trường học, đường cao tốc... Từ đó, đảo ngược sức hút từ các vùng thành thị và mở ra cơ hội phát triển quốc tế cho các vùng nông thôn.

Nếu các quốc gia đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở châu Á không khắc phục được vấn đề chênh lệch giữa nông thôn - thành thị, họ sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán đô thị hóa. Về lâu dài, khó khăn ở nông thôn sẽ khiến các thành phố quá tải, thanh niên thất nghiệp và tăng tỷ lệ nghèo đói ở thành thị.

(Nguồn:giaoducthoidai.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website