Thành phố thông minh phải mang lại hạnh phúc

Sau một năm tạm hoãn triển khai dự án xây dựng thành phố thông minh ở Đông Kalimantan vì đại dịch Covid-19, Chính phủ Indonesia vừa tuyên bố sẽ khởi công xây dựng vào năm nay, phục vụ kế hoạch chuyển thành thủ đô mới của nước này. Theo Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, chính phủ đang cố gắng hoàn thành dự án vào năm 2024, với ngân sách ban đầu ước tính hơn 32 tỷ USD.

Thành phố Jakarta của Indonesia

Phát biểu trong lễ kỷ niệm của ngành quy hoạch quốc gia mới đây, Tổng thống Joko Widodo cho biết, thủ đô mới ở Đông Kalimantan - một thành phố và khu vực thực sự thông minh, theo thiết kế sẽ trở thành một thành phố tiên phong để các thành phố trên thế giới tham khảo. Theo ông, khái niệm “thành phố thông minh” đang bị hiểu sai, vì cho rằng chỉ ưu tiên công nghệ, tức là một thành phố được kết nối kỹ thuật số, thực hiện nhiều tự động hóa bằng cách sử dụng internet vạn vật và các thiết bị kỹ thuật số khác.

Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về thành phố thông minh, nhưng nhiều quốc gia ở khắp các châu lục đã và đang áp dụng nhiều công nghệ hiện đại vào quản lý và cung cấp các dịch vụ công, coi đó như là xu hướng trong tương lai. Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, đừng để quy hoạch thành phố thông minh khiến người dân cảm thấy bị cô lập trong chính ngôi nhà của họ, gây ra tắc nghẽn và làm cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn. Quy hoạch không nên bị “lóa mắt” bởi những phát triển công nghệ không phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.

Thực tế, khái niệm “thành phố thông minh” không chỉ là một thành phố tích hợp kỹ thuật số, mà quy hoạch phát triển đô thị thông minh ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ hạnh phúc và khả năng sáng tạo của người dân. Vì vậy, cần phải xem xét những điều cơ bản như: văn hóa, cấu trúc xã hội, lịch sử và nền kinh tế của cộng đồng địa phương. Tổng thống Indonesia đã yêu cầu các nhà quy hoạch nước này phải có khả năng xây dựng các thành phố và khu vực hòa nhập, mở cửa cho mọi công dân. Bắt đầu từ việc làm thế nào để xây dựng những con đường an toàn và thoải mái cho người đi bộ, đi xe đạp, cho người sử dụng phương tiện giao thông khác, cách xây dựng những cửa hàng không chỉ dành riêng cho giới thượng lưu mà phục vụ cả cho tiêu dùng bình dân.

Cũng với tiêu chí đặt niềm hạnh phúc của công dân thành mục tiêu hàng đầu khi xây dựng thành phố thông minh, chính quyền Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) đã đưa ra dự án Happiness Meter Project - đo lường sự hài lòng của công chúng hàng ngày trong khi xây dựng thành phố. Chính quyền thành phố thiết lập hệ chỉ số hạnh phúc và cử các đại diện của mình làm việc với các cơ quan tổ chức nhà nước để đo lường các chỉ số đó. Thành phố này mong muốn nâng mức độ hạnh phúc của người dân và du khách một cách có hệ thống và bền vững, chủ động với các mục tiêu rõ ràng cho đến năm 2050. Một mạng trung tâm thu thập dữ liệu từ các website, ứng dụng của Chính phủ và từ các thiết bị điện tử được cài đặt tại nhiều địa điểm khác nhau, cho phép thành phố giám sát các dịch vụ và xác định các khu vực để cải thiện.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website