Lái xe tiến vào tiền sảnh của khách sạn, thứ đầu tiên bạn nhìn thấy là một khu nhà hai tầng hết sức bình thường với mái phủ cỏ xanh. Khung cảnh này hẳn không giống như những gì bạn tưởng tượng về một khách sạn hạng sang với 336 phòng. Đơn giản là bởi 16 trên tổng số 18 tầng của khách sạn này nằm ở…dưới lòng đất.
Đây là khách sạn ngầm đầu tiên trên thế giới, nằm trong vách đá hướng mặt ra một vùng hồ nhân tạo ở độ sâu khoảng 88m so với mặt đất, cách trung tâm thành phố Thượng Hải khoảng gần 50km. Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ khuôn viên khách sạn hiện lên thật hoành tráng nhưng vẫn vô cùng hài hòa. Bạn có thể thấy được sự cân bằng âm – dương trong kiến trúc tổng thể của công trình, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa cuộc sống thành thị và cuộc sống nơi thôn dã. Sẽ rất tuyệt nếu bạn đến đây bằng máy bay trực thăng, hoặc bạn có thể bỏ ra ít phút đi dạo dọc vách đá để thu vào tầm mắt trọn vẹn khung cảnh này.
Khách sạn InterContinental Shanghai Wonderland được xây dựng trên một mỏ đá cũ bị bỏ hoang đã lâu tại quận Tùng Giang, ngoại ô thành phố Thượng Hải. Trong một buổi họp báo, ông Martin Jochman, đại diện cho hãng kiến trúc JADE+QA cho biết: “Nó giống như một vết sẹo trên bề mặt Trái Đất vậy. Chúng tôi đã thành công trong việc hồi sinh một vùng đất hoang tàn, nơi không ai biết phải làm gì với nó, và biến nó thành một vùng đất hữu ích.”
Dự án thiết kế này có tổng chi phí lên tới 300 triệu USD và là công trình thứ 200 của tập đoàn Khách sạn InterContinental trên toàn cầu.
Jochman cho biết thêm: “Ngay từ đầu chúng tôi đã được cho phép thỏa sức sáng tạo trong thiết kế mà không bị hạn chế bởi bất kỳ điều gì. Yêu cầu ngắn gọn của chủ đầu tư là làm sao tạo ra được một resort khai thác được tối đa những gì có ở khu mỏ đá này.”
“Nguồn cảm hứng chủ yếu được chúng tôi lấy từ chính môi trường thiên nhiên nơi đây. Khu mỏ, vách đá, những ngọn đồi xanh mướt bao quanh và lòng hồ tĩnh lặng, tất cả tạo nên một khung cảnh thật nên thơ ngay giữa một vùng đất công nghiệp với đầy rẫy những tòa nhà khô cứng.”
Ông quyết định dùng chính những “mảnh ghép” thiên nhiên ấy để hoàn thành thiết kế của mình: vách đá trở thành một phần của khách sạn; chính giữa khách sạn là một vách kính trông như một thác nước, nơi đặt các khoang thang máy; một phần của những ngọn đồi được tái hiện qua phần mái phủ cỏ xanh của khách sạn, vừa như dấu gạch nối giữa công trình kiến trúc này với thiên nhiên xung quanh, vừa phát huy tác dụng điều nhiệt cho cả công trình.
“Tính bền vững là một phần được chúng tôi đặc biệt quan tâm trong cả quá trình thiết kế.” Jochman nói. Ông đã nghiên cứu rất tỉ mỉ để có thể lên một thiết kế tận dụng được tối đa những điều kiện tự nhiên trong khu mỏ đá này. Ví dụ, hướng của khách sạn được bố trí sao cho cả các phòng nghỉ của khách lẫn hệ thống pin năng lượng mặt trời đều nhận được nhiều ánh sáng nhất có thể. Khoảng không giữa vách đá và dãy tường của khách sạn cũng phát huy tác dụng tuyệt vời trong việc giữ ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè.
Mặc dù chủ đầu tư, tập đoàn Shimao không hề gây cản trở gì trong quá trình thiết kế và thi công khách sạn, nhóm thiết kế vẫn gặp rất nhiều trở ngại khác, đến từ chính mẹ Thiên Nhiên. Ví dụ, bê tông đã bị vỡ vụn trong quá trình được vận chuyển xuống đáy mỏ đá khiến sau đó cả nhóm đã phải sử dụng đến 41 phương án kỹ thuật khác nhau để triển khai phần xây dựng. Kết quả là phải mất đến 12 năm khách sạn này mới được hoàn thành và chính thức mở cửa đón khách vào tháng 11 năm 2018. Cho đến nay vẫn còn một số hạng mục phụ khác đang được thi công, dự kiến sẽ hoàn tất trong vài tháng tới.
Jochman nói: “Công trình này đã trở thành một điểm nhấn, không phải vì sự nổi bật, mà là vì chính sự hòa hợp của nó với môi trường xung quanh.”