Rác thải nhựa tại làng Sukaraja, thành phố Bandar Lampung, Indonesia. Ảnh: Getty Images.
Dự án trên sẽ được triển khai trong 5 năm trên khắp khu vực Đông Nam Á với mục đích giảm tiêu thụ nhựa, tăng cường tái chế và giảm thiểu rò rỉ nhằm ngăn chặn ô nhiễm nhựa trên biển.
Dự án sẽ cung cấp hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển và hài hòa hóa các chính sách khu vực, cũng như tạo ra các nền tảng đổi mới, đầu tư, tri thức và quan hệ đối tác.
Các hoạt động của dự án sẽ góp phần vào việc thực hiện Kế hoạch hành động chống rác biển tại khu vực ASEAN và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về kinh tế xanh. Cũng như thực hiện cam kết của ASEAN về sử dụng, bảo tồn và quản lý các đại dương, các nguồn lợi cũng như các hệ sinh thái biển và ven biển.
Với sự hỗ trợ của WB và UNOPS, ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác ở cả cấp khu vực và quốc gia nhằm tăng cường các chính sách và khuôn khổ pháp lý trong việc quản lý các hoạt động sản xuất và sử dụng nhựa ở Đông Nam Á.
Phát biểu tại buổi lễ ký thỏa thuận ngày 15/9, Phó Tổng Thư ký phụ trách cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN Ekkaphab Phanthavong nhấn mạnh, chương trình trên sẽ bổ sung cho các nỗ lực không ngừng của ASEAN trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa biển và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Giám đốc UNOPS tại Thái Lan, Indonesia và Thái Bình Dương Samina Kadwani thì khẳng định, việc ký kết hợp tác giữa ASEAN và UNOPS giúp "hướng tới các giải pháp khu vực quan trọng, được dẫn dắt bởi các lợi ích chung trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái biển và ven biển trên khắp Đông Nam Á".
SEA-MaP sẽ được Ban Thư ký ASEAN thực hiện với sự hỗ trợ của UNOPS, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các đối tác, phù hợp với Tuyên bố Bangkok năm 2019 về chống rác thải biển trong khu vực ASEAN và Kế hoạch hành động khu vực ASEAN năm 2021 về chống rác thải biển.