10 điểm nhấn tiêu biểu ngành Xây dựng năm 2023

Năm 2023, được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với sự cố gắng, quyết tâm của lãnh đạo, tập thể cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC), người lao động toàn ngành, Bộ Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xác định đúng, tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, trọng tâm và đã đạt kết quả tích cực. Ngành Xây dựng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ đề ra trong năm 2023. Cùng nhìn lại 10 điểm nhấn tiêu biểu của ngành Xây dựng trong năm 2023.

Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 tại Kỳ họp thứ 6.

1. Quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ, kịp thời 22 Chương trình hành động, kế hoạch, 04 Chỉ thị để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Với trách nhiệm Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cùng Chính phủ thực hiện giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm và các vấn đề “nóng” trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng; theo phân công của Chính phủ làm việc với 03 tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 04 địa phương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Bằng nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, Bộ Xây dựng đã vượt và đạt 10/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó hoàn thành 05/05 chỉ tiêu được Chính phủ giao. Cụ thể một số chỉ tiêu chính như: Tăng trưởng ngành Xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm trong GDP chung, tuy mức độ thấp hơn các năm trước nhưng vẫn là mức đóng góp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26m2 sàn/người; Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 96%; Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đạt 16%; Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt 17%.

2. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đồng thời thông qua 2 dự án Luật quan trọng do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo gồm: Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023.

2 Luật tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; Sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Đặc biệt, Luật Nhà ở có các quy định mới về chính sách nhà ở xã hội, phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo nhà ở cho người dân.

3. Triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ (ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW), ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một trong những điểm nổi bật để thực hiện Nghị quyết là việc đề xuất “luật hóa” việc quản lý và phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý cấp, thoát nước.

Bộ Xây dựng đang tích cực xây dựng, hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, dự kiến trình Quốc hội XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước trình Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2025.

Việc xây dựng đồng bộ 03 Luật này sẽ giúp hệ thống hóa, gắn kết các quy định pháp luật liên quan trong các chính sách hiện nay về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp, thoát nước.

4. Chính sách phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Đến nay, trong giai đoạn 2021 - 2025, cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và đang triển khai đầu tư xây dựng; đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ các quy định mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt…

5. Linh hoạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Với sự tham mưu của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thức đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” (tháng 2/2023) và “Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản” (tháng 8/2023).

Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều công điện, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản và các vấn đề về thể chế.

Bằng nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đã mang lại những kết quả nhất định, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023, trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt. Nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.

6. Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đạt nhiều kết quả tích cực; Lần đầu tiên tổ chức thành công Triển lãm quốc tế Expo Kiến trúc tại Việt Nam

Năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 02 Quy hoạch quốc gia, trong đó Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg; Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 14 nhiệm vụ và 15 đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; Tham gia ý kiến đối với 05 quy hoạch vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên và 55 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Có ý kiến đối với 135 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Triển lãm quốc tế EXPO Kiến trúc 2023 với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” (tháng 9/2023), nhằm tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các định hướng mới, giải pháp mới trên cả phương diện lý luận, sáng tác, đào tạo và quản lý cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam; Tận dụng cơ hội, giải quyết các thách thức thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, thể hiện khả năng thích ứng cao với công nghê, chuyển đổi số; Tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là lần đầu tiên Triển lãm quốc tế EXPO Kiến trúc được tổ chức tại Việt Nam.

7. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng

Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực nhà nước của Bộ Xây dựng, trọng tâm là: Tiếp tục phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; Quyết định các khu vực phát triển đô thị, khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở; Cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài; Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng…; Giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý mà có thể khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực; Bổ sung quy định về kiểm tra việc thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm cơ chế giám sát, kiểm tra khi phân cấp, ủy quyền.

Kết quả tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Xây dựng đạt 50%, vượt chỉ tiêu chung của Chính phủ là 10%.

8. Chuyển đổi số là điểm sáng

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thành triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) phục vụ công tác quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã có hơn 10 nghìn tài khoản đăng ký mới; hơn 13 nghìn hồ sơ đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 9 nghìn hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC được nộp trực tuyến, tăng gấp 3 lần so với năm 2022; hơn 7,5 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đang cung cấp 38 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 33 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đáp ứng 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng; Hoàn thành dự thảo và trình Chính phủ Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Hoạt động xây dựng; Vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng; Triển khai thí điểm ứng dụng nền tảng GIS trong công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; Hoàn thành nâng cấp Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Phối hợp với các địa phương số hóa và cập nhật thông tin 545 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Tổng số đồ án đã cập nhật hiện nay là 2.693 đồ án.

9. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ quản lý công trình chuyên ngành và các chủ đầu tư, góp phần hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia

Năm 2023, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức 105 đợt kiểm tra đối với 35 công trình quan trọng quốc gia, công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do Thủ tướng Chính phủ giao; Tổ chức nhiều đợt làm việc, nghiên cứu, góp ý hồ sơ thiết kế, xử lý và giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình triển khai các dự án; Hướng dẫn công tác quản lý chất lượng và chất lượng thi công xây dựng công trình...

Đặc biệt, đối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2021 - 2025 và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Hội đồng đã tổ chức nghiên cứu, trao đổi, góp ý trực tiếp với Bộ Giao thông vận tải, các chủ đầu tư về thiết kế, việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn; Đề nghị làm rõ, tổ chức khắc phục các vấn đề tồn tại trong thiết kế, thi công công trình và quy định của pháp luật có liên quan.

Hội đồng đã tổ chức kiểm tra và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng 06 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2012 - 2020, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Sông Hậu 1, các gói thầu liên quan đến công nghệ của Dự án Hóa dầu miền Nam...

Các công trình do Thủ tướng Chính phủ giao đã được Hội đồng kiểm tra và chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đểu được đưa vào vận hành an toàn, phát huy hiệu quả đầu tư.

Tập trung hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về quản lý chi phí, định mức đặc thù chuyên ngành các dự án trọng điểm như dự án cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, sân bay Long Thành, vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, cơ sở 2 của bệnh việt Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức...

10. Tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp được chú trọng, đạt được kết quả đáng ghi nhận

Nghiêm túc thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.

Kết quả, đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng, thu về ngân sách Nhà nước hơn 139 tỷ đồng, với giá bán thành công cao gấp gần 03 lần giá giao dịch trên sàn Upcom.

Cũng trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại và Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị HUD; Có ý kiến để người đại diện phần vốn Nhà nước thông qua Đại hội đồng cổ đông đối với Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Cơ khí Việt Nam và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam.

Hiện đang thẩm định Đề án tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam; Triển khai thẩm định giá xác định giá cổ phần để thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website