Thôn La Vuông thuộc vùng núi của xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn.
Thôn La Vuông thuộc vùng núi của xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, dân cư sống thưa thớt (dân số hiện trạng khoảng 175 người với 47 hộ, dự báo dân số đến năm 2035 khoảng 300 người); hệ thống hạ tầng xã hội còn sơ sài, chỉ có một nhà văn hóa với diện tích 1.000m2.
Khu vực thảo nguyên La Vuông nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, địa hình bằng phẳng xen kẽ triền đồi, triền dốc. Thảo nguyên với đồng cỏ trải dài mênh mông bên hồ nước rộng lớn và cánh rừng nguyên sinh, kết hợp tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, với nhiều địa danh như: Núi Chúa, vườn Cam, Cổng trời, suối Oan Hồn, bãi Bằng Lạc, dãy Trường Lũy; là nơi có tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình trang trại kết hợp du lịch thiên nhiên, du lịch sinh thái.
Nhằm lựa chọn ý tưởng thiết kế tối ưu đối với quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông và làm cơ sở hình thành quần thể khu du lịch khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hóa để khai thác các tiềm năng du lịch của khu vực thảo nguyên La Vuông, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế và Kế hoạch tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông.
Địa điểm, quy mô quy hoạch xây dựng là tại khu vực thảo nguyên La Vuông, núi Chúa, hồ Cẩn Hậu và Suối Vàng thuộc xã Hoài Sơn và Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn và vùng phụ cận ở phía Tây Bắc có dãy Trường Lũy thuộc xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Diện tích nghiên cứu thi tuyển ý tưởng là 500ha (trong đó diện tích thuộc huyện An Lão khoảng 50ha). Đây là khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông.
Yêu cầu về quy hoạch, phải đảm bảo việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản thiên nhiên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng vùng để phát triển sản phẩm du lịch.
Giảm thiểu các tác động tiêu cực do phát triển du lịch đến kinh tế – xã hội và môi trường. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng, giữa lợi ích của vùng và địa phương. Phải có tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Về du lịch: Phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dựa vào thiên nhiên, các loại hình du lịch khám phá núi rừng, du lịch thể thao mạo hiểm kết hợp du lịch trải nghiệm trang trại. Các khu vui chơi giải trí mạo hiểm (xe đạp địa hình, cưỡi ngựa, leo núi, hình thành tour du lịch khám phá núi Chúa dạng đường mòn), trên cơ sở ưu tiên tối đa việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị cảnh quan dạng thảo nguyên hiện có.
Về phát triển mô hình trang trại: Phát triển mô hình trang trại bán tự nhiên quy mô khoảng 100 - 120ha chuyển đổi từ đất rừng sản xuất (chăn thả tự nhiên kết hợp chuồng trại). Ưu tiên phát triển mô hình chăn nuôi gia súc lớn (ngựa, bò, dê, cừu), kết hợp trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây sim, các sản phẩm núi rừng khác phục vụ du lịch.
Về định hướng phát triển giao thông: Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ dự án đường Criem (Hoài Sơn – An Hưng) lên đỉnh La Vuông. Tổ chức các điểm đậu xe dành cho khách du lịch tại các khu vực điểm dịch vụ phía Tây và Đông, sử dụng các phương tiện di chuyển nội bộ thân thiện với môi trường: Xe điện, xe đạp, cưỡi ngựa, đi bộ. Hạn chế tối đa sự tác động đến cảnh quan hiện trạng nhất là rừng tự nhiên, các khu vực gắn với các địa danh núi Chúa, vườn Cam, Cổng trời, bãi Bằng Lạc, dãy Trường Lũy.
Yêu cầu kiến trúc, phải xác định các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán địa phương liên quan đến bản sắc trong kiến trúc. Cụ thể: Xác định các hình thái kiến trúc đặc trưng; kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương; lựa chọn phương án, định hướng kiến trúc đảm bảo bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Xác định cụ thể các khu vực trung tâm, dọc tuyến đường liên xã, trục đường chính, đường liên thôn, cảnh quan khu vực bảo tồn; các khu vực tập trung làng xóm, các khu vực phát triển dọc tuyến đường, tuyến sông, mặt nước.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về Khu du lịch sinh thái La Vuông, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho biết: Vừa qua, Đoàn công tác thị xã Hoài Nhơn đã đi kiểm tra, khảo sát và định hướng phát triển du lịch tại đỉnh núi La Vuông, xã Hoài Sơn. Qua khảo sát thực tế, thị xã Hoài Nhơn sẽ có cách làm đột phá, riêng biệt để đánh thức tiềm năng đặc biệt của khu vực này. Địa phương sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đường, điện, tạo cảnh quan thiên nhiên và có các hình thức quảng bá, chủ động mời gọi đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái cao nguyên La Vuông theo định hướng quy hoạch.
Cụ thể như: Phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng dựa vào thiên nhiên, khám phá núi rừng, thể thao mạo hiểm kết hợp du lịch trải nghiệm trang trại, cùng các khu vui chơi giải trí phù hợp ở La Vuông, trên cơ sở ưu tiên tối đa việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị cảnh quan dạng thảo nguyên hiện có.