Bảo Lâm là một huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh Cao Bằng với 99,46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 50% tổng dân số toàn huyện.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bảo Lâm được giao vốn thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) với tổng kinh phí 571,8 tỷ đồng triệu đồng. Năm 2023, tổng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ thực hiện 3 Chương trình MTQG của huyện Bảo Lâm giai đoạn 2021 - 2025 là 339,3 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) là 203,14 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719, căn cứ các văn bản chỉ đạo và triển khai từ các cấp, Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành Kế hoạch số 98-KH/HU ngày 25/7/2022 trong đó phân công trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc Huyện ủy, các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TU.
Người dân huyện Bảo Lâm chủ yếu tập trung chăn nuôi trâu, bò. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN
Để khắc phục những khó khăn về việc phân bổ vốn và các dự án đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, huyện đã chủ động lồng ghép các hợp phần, nguồn vốn dự án để tránh chồng chéo nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đối với những công trình phục vụ phát triển sản xuất và các hợp phần tạo sinh kế cho người dân.
Nhờ chủ động kịp thời giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, đồng thời huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, việc thực hiện các chương trình MTQG tại huyện Bảo Lâm đã đạt được nhiều thành quả.
Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân cư nông thôn. 100% các xã của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai sâu rộng, ngày càng phát triển toàn diện.
Giai đoạn 2021 - 2023, huyện hỗ trợ trên 26,2 tỷ đồng cho 703 hộ nghèo, gia đình khó khăn xây mới và sửa chữa nhà ở. Đến nay, 59% đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 125 xóm có đường ô tô, đạt 82%; 100% xã có điện lưới quốc gia với 52% hộ sử dụng điện lưới quốc gia.
Toàn huyện có 9 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 147/153 xóm có nhà văn hóa… Năm 2022, huyện giảm 6,82% hộ nghèo, vượt 36,4% kế hoạch. Người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,9 triệu đồng/người/năm...
Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng Bảo Lâm vẫn là một trong những huyện có số xã đặc biệt khó khăn nhiều nhất nước. Trong những năm tiếp theo, huyện Bảo Lâm tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719 đúng theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đồng bào DTTS về ổn định chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.