Việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị, đặc biệt là hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị sẽ làm cơ sở phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc đặc trưng vùng miền. Ảnh minh họa
Nhằm tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được UBND thành phố ban hành, khu vực đô thị Hà Nội phát triển kiến trúc hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô mang tính lịch sử.
Đối với khu vực đô thị, một số giải pháp cụ thể được đưa ra là nghiên cứu ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm đạt được tiêu chí "kiến trúc xanh", từng bước tạo dựng không gian cảnh quan thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên.
Bên cạnh đó, bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả; thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc phù hợp với định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Theo KTS Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia, để xây dựng bản sắc kiến trúc Thủ đô Hà Nội cần thực hiện song hành 5 nội dung trụ cột, bao gồm phát triển Thủ đô Hà Nội với kiến trúc hiện đại trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, vật liệu, hình thức kiến trúc mới nhưng có bản sắc và tính nhận diện riêng trên cơ sở kế thừa các giá trị kiến trúc, văn hóa bản địa.
Theo KTS Phạm Hoàng Phương, kiến trúc trong quá trình quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý không gian công trình kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại.
Ngoài ra, các khu vực đô thị hiện hữu cần được xây dựng đồng bộ và tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhưng có sự hài hòa và thống nhất với các điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, đồng thời thiết lập được tính nhận diện theo vùng miền đặc trưng trên cơ sở kế thừa các giá trị kiến trúc - cảnh quan đô thị truyền thống.
Việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị, đặc biệt là hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị sẽ làm cơ sở phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc đặc trưng vùng miền.
KTS. Phạm Hoàng Phương lưu ý, các nội dung trên sau khi xây dựng thành các kế hoạch cần tiếp tục được cụ thể hóa trong các nội dung quy định, quy chế quản lý kiến trúc theo quy định của Luật Kiến trúc 2019 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.
KTS. Phạm Hoàng Phương nhấn mạnh, Hà Nội - đô thị đặc biệt 1.000 năm văn hiến, việc xác lập bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô lịch sử nói riêng và toàn đô thị nói chung sẽ góp phần xây dựng thương hiệu của đô thị. Đồng thời, định hướng này cũng trở thành tiền đề để phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của Thủ đô cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng quan điểm với KTS. Phạm Hoàng Phương, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hà Nội cùng cả nước đã và đang đứng trước vận hội phát triển mới của thời kỳ công nghiệp lần thứ 4, với số hóa, công nghệ số, internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo. Vì thế, thành phố cần phải đưa công nghệ mới vào quản lý Quỹ Di sản kiến trúc đô thị.
Bên cạnh đó, để Hà Nội là thành phố văn hóa - văn minh, hiện đại, thông minh và giàu bản sắc, cần phải đặc biệt nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản, cảnh quan thiên nhiên cho cộng đồng dân cư, cho xã hội.