Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt

Công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP Đà Lạt. Đây là những biện pháp nhằm đáp ứng nhanh chóng yêu cầu phát triển và chuyển mình của Đà Lạt nên thành phố yêu cầu các phòng, ban, đơn vị và địa phương tăng cường lãnh đạo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch và xây dựng.

Một góc Đà Lạt

• KHỐI LƯỢNG THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH CHI TIẾT TĂNG

Trong lĩnh vực quy hoạch, TP Đà Lạt đã xác định là một trong những nội dung quan trọng để quản lý đô thị, quản lý xây dựng và đầu tư phát triển. Phòng Quản lý đô thị đã tập trung cao trong lĩnh vực này từ bước phân công phân nhiệm, lập kế hoạch thực hiện và đôn đốc tiến độ đến công tác kiểm tra, thẩm định và báo cáo về quy hoạch. Kết quả là khối lượng thẩm định quy hoạch chi tiết đã tăng trên 20% so với năm 2022, số lượng hồ sơ quy hoạch được kiểm tra và thẩm định tăng lên 47, trong đó có 27 hồ sơ được phê duyệt. Công tác kiểm tra quy hoạch phân khu cũng đã được tăng cường, công tác phối hợp, trả lời thông tin quy hoạch, góp ý về dự án đầu tư cũng đã đạt được kết quả cao hơn so với cùng kỳ về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng tổ chức triển khai các nhiệm vụ quan trọng như: Lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị; Chương trình phát triển đô thị, Đề án phân loại đô thị phục vụ Kế hoạch điều chỉnh đơn vị hành chính, sáp nhập Đà Lạt – Lạc Dương; tham mưu nội dung và các bước thực hiện hồ sơ để TP Đà Lạt tham gia Chương trình di sản văn hóa thế giới… Phối hợp tham gia ý kiến, cung cấp tài liệu, số liệu để xây dựng hồ sơ quy hoạch tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Xây dựng tỉnh Lâm Đồng năm 2023, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt cho rằng, công tác lập, thẩm định, kiểm tra và trình các đồ án quy hoạch vẫn còn chậm, quá trình rà soát và thực hiện quy hoạch vẫn còn thiếu sót, chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng và sâu sát.

Bênh cạnh đó, một số phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã cũng bộc lộ yếu kém, lơ là, thiếu đeo bám, giám sát, nhất là khâu tổng hợp, đề xuất trong công tác phối hợp thực hiện quy hoạch, chưa xác định được tầm quan trọng trong việc định hướng, phát triển quy hoạch xây dựng đô thị gắn với công tác phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

• CHỦ ĐỘNG TRONG XỬ LÝ VỀ TRẬT TỰ XÂY DỰNG

Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; trong năm 2023, theo thông tin của Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành Xây dựng, thành phố đã lập biên bản vi phạm hành chính và ngưng thi công là 68 trường hợp. Ban hành 68 quyết định xử lý, xử phạt (59 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng và 9 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả).

UBND các phường, xã tổ chức tháo dỡ ngay từ ban đầu 231 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Đội Quản lý trật tự đô thị tổ chức kiểm tra 2.789 công trình trên toàn địa bàn; tổ chức đôn đốc hoặc đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã thực hiện xử lý đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; tập trung xử lý các trường hợp còn tồn đọng các năm trước đây.

Tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng trong năm qua, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý và phối hợp xử lý vi phạm trật tự xây dựng của một số địa phương, đơn vị vẫn chưa thực sự kiên quyết, triệt để, xử lý còn chậm trễ, kéo dài; chưa thể hiện đúng vai trò trách nhiệm lãnh chỉ đạo và giám sát của cấp ủy, người đứng đầu UBND các phường, xã dẫn đến tình trạng công trình vi phạm tiếp tục được thi công, chưa xử lý dứt điểm hoặc tái vi phạm.

(Nguồn:baolamdong.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website