Để phương án thu phí, cho thuê vỉa hè bảo đảm tính khả thi, hiệu quả

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội cần có quy định cụ thể, tính đến các yếu tố đặc thù của hoạt động thuê vỉa hè thì chủ trương này mới bảo đảm được tính khả thi và đạt hiệu quả.

Cần có những quy định cụ thể và các yếu tố đặc thù

Vỉa hè được cho thuê, thu phí kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi tích cực trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và sử dụng nguồn thu này vào phát triển đô thị. Đây cũng là phương án mà UBND TP. Hà Nội đang dự kiến xem xét có thể thực hiện nhân rộng thí điểm tại nhiều tuyến phố trong năm nay.

Trước mắt, triển khai công tác này, 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng được giao rà soát, đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè.

Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất tại Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Ảnh minh họa

Trong phiên họp mới đây của HĐND TP. Hà Nội, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè. Một số quận đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện thí điểm cho thuê vỉa hè, như quận Hoàn Kiếm với 36 vị trí trên 10 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu… Tiêu chí là bảo đảm tối thiểu 1,5m chiều rộng cho người đi bộ, xác định cụ thể loại hình và thời gian kinh doanh…

Hiện nay, Hoàn Kiếm là quận duy nhất tại Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Trong đó, có 4 địa điểm được chấp thuận sử dụng một đoạn vỉa hè để phục vụ kinh doanh với giá 45.000 đồng/m2 mỗi tháng và phải bảo đảm lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Tại những nơi thí điểm cho thuê vỉa hè được thực hiện ngăn nắp, gọn gàng. Tuy nhiên, ở một số địa điểm khác, nhiều nơi vỉa hè trở nên chật chội bởi hàng quán và phương tiện. Anh N.T.L, chủ một cửa hàng kinh doanh cho biết, phải chi trả tiền thuê nhà, nay lại có thêm đề xuất chi phí thuê vỉa hè, nên nhiều chủ kinh doanh như anh lại phải nỗ lực hơn để cáng đáng thêm một khoản nữa. Chính vì, phát sinh nên chi phí nên anh L. phải tận dụng hết hiệu quả của vỉa hè cho thuê. Thậm chí, một số cửa hàng còn "sáng tạo" để những đồ vật, chướng ngại vật để không bị người dân lấn chiếm phần vỉa hè mà mình đã phải thuê. Việc này vô hình chung có thể làm ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố.

Gần 10 năm qua, TP. Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" thực hiện trên diện rộng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn xử lý vi phạm, khi vắng bóng lực lượng chức năng, hoạt động lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại đâu vào đấy. Do đó, việc cho thuê vỉa hè cũng là một giải pháp để quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có quy định cụ thể, tính đến các yếu tố đặc thù của hoạt động thuê vỉa hè thì chủ trương này mới có thể khả thi và đạt hiệu quả.

Cho ý kiến về vấn đề này, KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần phải khảo sát kỹ lưỡng những khu vực có thể chuyển đổi đa mục đích và xác định giá trị cho thuê chuẩn xác và phải nhận được sự đồng thuận của người dân.

Cùng quan điểm với KTS. Trần Huy Ánh, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, để việc thu phí vỉa hè khả thi và nhận được sự được đồng thuận thì trước tiên Hà Nội cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp với việc kinh doanh trên vỉa hè, đồng thời bảo đảm chức năng của vỉa hè phải dành cho người đi bộ không bị xâm hại.

Theo TS. Khương Kim Tạo, cần phải khảo sát rất tỉ mỉ, có tiêu chí cụ thể đánh giá xem vỉa hè nào có thể cho thuê vỉa hè. Đặc biệt, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè đúng mục đích, cần phải chú ý để chừa không gian cho người đi bộ, đối với một số vỉa hè có thể cho thuê để phục vụ giao thông tĩnh.

Bên cạnh đó, cần có những quy định thống nhất trong phạm vi toàn Thành phố, có một bộ phận đứng ra tổ chức, tránh tình trạng mỗi quận làm một kiểu, hai phường, hai quận ở sát nhau mà có chính sách khác nhau.

Nhu cầu thuê vỉa hè để kinh doanh được các chuyên gia giao thông đô thị đánh giá là có thực và rất lớn. Nếu được sự đồng thuận của người dân, với số tiền thu được từ cho thuê vỉa hè, chính quyền sẽ có thêm kinh phí để chỉnh trang đô thị.

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đánh giá kết quả công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của TP. Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án thiết kế đô thị để thí điểm cho thuê lòng đường, vỉa hè ở một số tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm.

Hiện các đơn vị chức năng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác rà soát, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến tháng 6/2024, cơ quan này mới báo cáo UBND thành phố Hà Nội về phương án quản lý, thu phí vỉa hè.

Kinh nghiệm quốc tế những mô hình hoạt động hiệu quả

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thu phí vỉa hè từ lâu, đồng thời mức thu phí và mức phạt vi phạm cao thì mô hình hoạt động hiệu quả hơn.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cho thuê vỉa hè theo cơ chế thị trường để phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhưng phải bảo đảm ưu tiên dành không gian cho người đi bộ.

TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, tại Thái Lan, chính phủ quản lý hàng rong vỉa hè bằng cách áp dụng hình thức thu phí và nộp phạt.

Ngoài ra, họ còn đưa ra một số quy định và chi phí riêng khác. Ví dụ, chính quyền TP Bangkok áp dụng phí vệ sinh cho người bán hàng rong cố định với mức phí vệ sinh ở một số khu vực lên đến 300 bath/m2/tháng (khoảng 230.000 đồng). Trong tháng có 2 ngày không được phép bán hàng rong. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố tập trung vào việc phạt: số tiền phạt tăng từng năm (có năm lên đến 87,8 triệu bath, khoảng 2,7 triệu USD hay 65,8 tỉ đồng).

Mặt khác, cho hàng rong bán trên vỉa hè, nhưng người đi bộ ở Bangkok vẫn có lối đi. Hè phố rộng 4m, người đi bộ sẽ có 1m. Các sạp hàng rong được bố trí ở sát mép vỉa hè (tiếp giáp lòng đường), như thế, người đi bộ không phải bước xuống lòng đường, mà đi ở giữa dãy nhà và dãy sạp.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cho phép sử dụng vỉa hè nhưng có quản lý, đánh thuế người bán hàng rong. Tại một số khu vực hành chính quan trọng của thủ đô, như khu làm việc của Chính phủ, khu cung điện Hoàng gia không cho buôn bán trên vỉa hè.

Còn tại nước Mỹ, năm 1995, giới chức TP New York (Mỹ) từng đề xuất "thủ tiêu" các gánh hàng rong. Tuy nhiên, họ đã bàn lại và đưa ra các chính sách, quy hoạch khu vực bán hàng rong trên 130 tuyến phố. Quảng trường Thời đại ở New York, trở thành khu vực phát triển, sầm uất có sự xuất hiện của những xe đẩy hàng quán ven đường...

Các hộ kinh doanh phải nộp 50 USD (hơn 1 triệu đồng) để có được giấy phép hoạt động, hoặc 200 USD (4,6 triệu đồng) trong thời hạn 2 năm và được phép gia hạn. Hằng năm, những người buôn bán vỉa hè đã đóng góp 293 triệu USD vào nền kinh tế Mỹ.

Điều này cho thấy, việc thu phí vỉa hè tạo ra khả năng kinh tế từ vỉa hè là rất lớn. Nó không chỉ giải quyết việc tạo nơi kinh doanh, mà còn cho thấy việc có thể quản lý và thu về một nguồn lợi lớn vào ngân sách.

Các hoạt động buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè đều phải tuân thủ quy định chung của thành phố. Để đảm bảo không gian đi bộ hợp lý, tháng 8/2016, TP Washington (Mỹ) ra quy định về việc các hộ kinh doanh phải giữ lại 1,5m vỉa hè cho người đi bộ.

Tại Pháp, một số tuyến phố cho phép sử dụng không gian vỉa hè vào mục đích kinh doanh hộ cá thể. Tuy nhiên, quy hoạch này khống chế một số loại mặt hàng như quán cà phê, nước giải khát và cho phép kê bàn ghế ra không gian vỉa hè phải nằm gọn trong khoảng mái hiên che 3-6m.

Ở Anh, phí sử dụng vỉa hè và quy trình cấp và đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website bao gồm các chi tiết cụ thể như hộ kinh doanh sử dụng 5 bộ bàn ghế trở xuống với phí hàng tháng là 922 USD (hơn 21 triệu đồng), từ 5 bộ bàn ghế trở lên sẽ tính phí 1.352 USD (hơn 31 triệu đồng).

Ở Bỉ, để được phép kinh doanh trên phố hay không gian công cộng (hay còn gọi kinh doanh lưu động), những người bán hàng phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh.

Còn tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), quốc gia này đã thành công trong việc quản lý và phân chia không gian vỉa hè một cách hiệu quả. Đầu tiên, họ xác định các vùng riêng biệt trên vỉa hè để phục vụ các mục đích khác nhau, bao gồm lối cho người đi bộ, vị trí mảng xanh, nơi đỗ xe và kinh doanh nhỏ. Trong đó, vùng đi bộ có các dải vỉa hè rộng và phân chia rõ ràng so với khu vực cho người đi bộ và khu vực cho xe đạp. Nếu một người hoặc phương tiện vi phạm khu vực được chỉ định dành riêng cho người đi bộ trên vỉa hè, họ có thể bị phạt tiền.

Các vùng đỗ xe được phân chia rõ ràng và chỉ định cho từng loại phương tiện, bao gồm xe đạp và xe máy. Trên một số tuyến phố chính và khu vực thương mại, Tokyo cũng cho phép các cửa hàng nhỏ, quầy hàng và nhà hàng mở rộng sang không gian vỉa hè nhưng vẫn đảm bảo không gian cho những vùng trên.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website