Đề xuất 5 trụ cột phát triển trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế.

Quang cảnh phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 23/2, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện lãnh đạo các bộ; lãnh đạo Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội.

Thông tin tại phiên họp cho biết, hiện có 21 quy hoạch cấp quốc gia và 8 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt; quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng mà Thủ đô Hà Nội là một trong các cực tăng trưởng của vùng đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng thông qua, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2024.

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.

Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế-tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục-đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.

Quy hoạch cũng xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và bốn khâu đột phá chiến lược.

Quy hoạch cũng định hướng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố…

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối với công tác quy hoạch; sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như sự tích cực của đơn vị tư vấn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, của vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định là đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để giúp Thành phố Hà Nội có bản quy hoạch có chất lượng cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu dự họp cho ý kiến tập trung vào một số nội dung chính.

Đó là sự phù hợp Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch.

Đối với việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên của Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành. Thay vào đó là tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.

Dẫn ví dụ thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tập trung phát triển tài chính, văn hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo; Bangkok (Thái Lan) tập trung vào thương mại, du lịch và y tế, Bộ trưởng gợi ý Hà Nội có thể tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực Hà Nội có tiềm năng và hiện là xu thế của thế giới; hoặc định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị... cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các thành viên, ủy viên Hội đồng Thẩm định và các đại biểu tham dự phiên họp, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và trình phê duyệt theo quy định.

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website