Ba loại chỉ tiêu sử dụng đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương là đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất đô thị - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Giảm chỉ tiêu sử dụng đất do tỉ lệ thực hiện thấp
Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, 3 loại chỉ tiêu sử dụng đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương là đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất đô thị.
Tính đến năm 2025, Quốc hội quyết định cả nước có 152.800 ha đất khu công nghiệp (tính cả khu công nghiệp hiện hữu). Các địa phương đề xuất tăng 49.543 ha so với chỉ tiêu được phê duyệt. Đáng chú ý, một số tỉnh có tỉ lệ thực hiện, lấp đầy khu công nghiệp rất thấp, không thuộc vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, nhưng vẫn đề xuất bổ sung tăng thêm.
Bộ TN&MT đã xây dựng phương án bổ sung đất khu công nghiệp cho các tỉnh thuộc vùng động lực phát triển và vành đai công nghiệp có nhu cầu cấp bách, đã thu hút được nhà đầu tư, có có sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đáp ứng được các điều kiện phát triển khu công nghiệp. Đối với các tỉnh không điều chỉnh, hoặc điều chỉnh giảm, thì chỉ tiêu đất công nghiệp công lại vẫn bảo đảm thực hiện các khu công nghiệp đang đề xuất chủ trương đầu tư và thu hút đầu tư.
Đối với chỉ tiêu đất giao thông, Bộ TN&MT cho biết, qua tổng hợp, rà soát, đánh giá so với kết quả thực hiện, kế hoạch đầu tư công trung hạn cho thấy, chỉ có một số địa phương có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ hoặc bổ sung các công trình dự án trọng điểm giao thông quốc gia.
Ngoài ra, hầu hết các tỉnh chưa thực hiện rà soát chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho cấp huyện, khi phát sinh công trình mới lại đề xuất bổ sung, thay vì rà soát, điều chỉnh quy hoạch của địa phương để tổ chức triển khai; chưa xác định thứ tự ưu tiên các công trình, dự án giao thông gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn, khả năng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Về điều chỉnh chỉ tiêu đất đô thị, Bộ TN&MT đánh giá, một số địa phương đề xuất tăng trong khi chưa căn cứ vào kết quả thực hiện, chưa làm tốt công tác rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Bên cạnh đó, một số địa phương đề xuất điều chỉnh giảm chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất với diện tích rất lớn để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội, hoặc do đo đạc, rà soát, thống kê lại.
Hầu hết các địa phương đồng ý với phương án điều chỉnh đất công trình năng lượng; xây dựng cơ sở văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao; di tích lịch sử-văn hoá…
Đóng góp vào phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của Bộ TN&MT, đại diện UBND các tỉnh Hà Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên… làm rõ đề xuất điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đất giao thông… để triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Trần Văn Sơn cho biết, tỉnh kiến nghị được bổ sung thêm chỉ tiêu đất hạ tầng giao thông để triển khai các dự án giao thông đã bố trí nguồn vốn đầu tư công. Còn lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị xem xét phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo từng vùng kinh tế-xã hội với sự tham gia của Hội đồng điều phối vùng.
Cân đối giữa nhu cầu và hiệu quả sử dụng đất
Lãnh đạo một số bộ, ngành đã trao đổi, làm rõ nguyên tắc, tiêu chí thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho các địa phương, trên tinh thần đây là nguồn lực phát triển rất quan trọng, phải cân đối giữa nhu cầu và hiệu quả, có tầm nhìn dài hạn. Việc điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu dử dụng đất lần này cần tập trung vào 3 loại đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất công trình năng lượng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết nguyên tắc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các địa phương bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với thực tiễn, vì mục tiêu phát triển chung của quốc gia.
Việc điều chỉnh thực hiện trên cơ sở tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đề xuất. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất tính đến thời điểm 31/12/2022; phân tích, đánh giá các xu thế chuyển dịch đất đai. Các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có kế hoạch bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các dự án đã và đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Ưu tiên cho các địa bàn có tiềm năng thu hút đầu tư do phát triển mới hệ thống hạ tầng.
Các tỉnh chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ ở mức thấp sẽ phải điều chỉnh giảm, và bổ sung cho những địa phương có kết quả thực hiện cao và nhu cầu cấp thiết.
"Việc điều chỉnh chỉ tiêu đã phân bổ đến năm 2025 là tạm thời để bố trí thực hiện các công trình, dự án cấp bách của một số địa phương; đồng thời vẫn bảo đảm nhu cầu để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến năm 2025", Thứ trưởng Lê Minh Ngân thông tin.
Vì lợi ích quốc gia, ưu tiên công trình, dự án trọng điểm
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc xây dựng phương phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đai thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học… Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất để theo kịp yêu cầu phát triển, trên quan điểm "đặt lợi ích quốc gia lên trên hết". Trong đó, ưu tiên những dự án trọng điểm, hạ tầng quốc gia giải quyết mối quan hệ liên kết liên tỉnh, liên vùng, kết nối các khu kinh tế, du lịch; dự án lớn có tính chất lan toả, theo định hướng lớn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển đất nước; những địa phương có lợi thế thu hút đầu tư, sử dụng nguồn đất đai hiệu quả hiện nay.
Các chỉ tiêu đất khu công nghiệp, đô thị… phải điều chỉnh trên cơ sở hiện trạng, dự báo, đánh giá tiềm năng, có tiêu chí khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, tiếp cận linh hoạt theo yêu cầu thị trường.
"Việc điều chỉnh chỉ tiêu đất đai không làm mất đi nguồn lực, tài nguyên đất đai của các địa phương, mà chỉ tạo điều kiện cho những nơi có cơ hội phát triển trước. Chính phủ sẽ lắng nghe các địa phương khi xuất hiện tiềm năng mới hoặc phát triển không như dự báo, kỳ vọng để tiếp tục điều chỉnh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý Bộ TN&MT củng cố cơ sở pháp lý đối với quỹ đất lấn biển, "vừa khuyến khích, vừa kiểm soát quá trình này có cơ sở khoa học".