HĐND TP giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội

Sáng 8/12, HĐND TPHCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ ba. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên chủ tọa kỳ họp.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân báo cáo việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM

Tại phiên họp này, HĐND TPHCM đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016-2025; xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Báo cáo việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, TPHCM phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.

Trong giai đoạn này, TPHCM có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210 ha, với quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư với quy mô 56.200 căn hộ. Tuy nhiên, trong 49 dự án ở giai đoạn này thì có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.

Về việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2021-2025, kết quả đến quý II năm 2023, TPHCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 623 căn hộ. Có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô gần 5.000 căn hộ. Ngoài ra, TPHCM có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Trước đó, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, TPHCM đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với gần 15.000 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, việc phát triển nhà ở hiện nay tại TPHCM đang gặp khó khăn, vướng mắc do một số nguyên nhân: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được; nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay vốn mua nhà là chưa ổn định do thủ tục, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp dẫn đến không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án;…

Về các giải pháp thời gian tới, ông Quân cho biết TP cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư tham gia; khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp; phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.

TPHCM sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP trong thời gian tới, ông Quân nhấn mạnh.

Sau báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường nhìn nhận trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, UBND TP đã đặt ra các chương trình, kế hoạch tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc. UBND TP đã tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát và chỉ ra các nhiệm vụ cần triển khai.

Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá, mục tiêu của TPHCM phát triển 2,5 triệu m2 sàn, 35.000 căn nhà ở xã hội là cao hơn yêu cầu của Thủ tướng đặt ra trong đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2030. Đây là mục tiêu rất thách thức.

Qua rà soát, UBND TP đã điều chỉnh mục tiêu là phát triển 1,15 triệu m2 sàn. Sau rà soát các vướng mắc và vận dụng Nghị quyết 98 gắn với công tác quy hoạch, quỹ đất và từ Luật Nhà ở năm 2023, UBND TP tiếp tục nỗ lực với các nhóm giải pháp tập trung, quyết tâm giữ mục tiêu.

Đối với ý kiến của đại biểu về 5 nhóm giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết, TP sẽ có kế hoạch chi tiết để thực hiện.

* Tại phiên họp này, đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016-2025; Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; Nghị quyết ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao; Nghị quyết về phê duyệt biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại cơ quan, đơn vị và các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn TPHCM năm 2024; Nghị quyết về việc phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2024…

(Nguồn:hochiminhcity.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website