Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa
Việc mở rộng địa giới hành chính để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đến nay, 38/38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực trung tâm đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội phê duyệt (chưa kể đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận là đồ án quy hoạch đặc thù) với tổng diện tích là 75.135,20ha. Đã hoàn thành phê duyệt 33/33 đồ án quy hoạch chung các huyện, thị trấn sinh thái, thị trấn huyện lỵ và quy hoạch chung các đô thị vệ tinh (cấp 1) với tổng diện tích 301.891,21ha.
Về quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án, còn lại đang tiếp tục tổ chức lập 25 đồ án.
Về quy hoạch chi tiết đô thị, giai đoạn từ 2011 - 2022, trên địa bàn thành phố đã phê duyệt khoảng 230 đồ án với tổng diện tích 14.772,6ha. Trong đó bao gồm 162 quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng lập mới với tổng diện tích 10.675,9ha và 68 đồ án điều chỉnh tổng thể với tổng diện tích 4.096,7ha.
TP. Hà Nội cũng đã triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các khu đô thị, các công trình hiện đại, có quy mô lớn như: Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Khu Ngoại giao đoàn, The Manor, Trung Hòa - Nhân Chính, Yên Hòa, Làng quốc tế Thăng Long, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Trung tâm hội nghị Quốc gia, Vinhomes Riverside, Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra, Khu đô thị mới Văn Phú, Nam - Bắc An Khánh, Khu đô thị Ocean Park Gia Lâm, Gamuda City, Park City, Công viên Yên Sở, Công viên Hòa Bình...
Công trình có quy mô lớn, đóng góp cho kiến trúc đô thị: Tòa tháp Keangnam (2011), Trụ sở Bộ Công an (2011), Khách sạn Marriott, Vincom Royal City (2013), Nhà Quốc hội, Lotte Center Hà Nội, Vinhomes Times City (2014), Trường đại học FPT (2015), Trụ sở Bộ Ngoại giao (2017), Trụ sở Tập đoàn Viettel (2019);
Các công trình hạ tầng khung quy mô lớn như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (2014), Hà Nội - Lào Cai (2014), Hà Nội - Hải Phòng (2015), Hà Nội - Hòa Bình (2018), Hà Nội - Lạng Sơn (2019), đường Nhật Tân - Nội Bài (2014), cầu Vĩnh Thịnh, Cầu Đông Trù (2014), cầu Nhật Tân (2015), đường Vành đai 1 (2019), đường Vành đai 2 trên cao (2019), đường Vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long (2020), mở rộng giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy (2023), đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô (khởi công xây dựng tháng 6/2023), đưa vào hoạt động tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông (2022)…