Cầu vượt sông, cơ hội cho quy hoạch phát triển đô thị
Khu hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất ở 2,1ha tại phường Thượng Cát, hạ tầng đã được quận Bắc Từ Liêm xây dựng đồng bộ. Dự án tiếp giáp với đường dẫn Cầu Thượng Cát trong tương lai (nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh) và nằm sát đường Vành đai 3,5, đoạn qua địa bàn phường đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Dự kiến khu đất này sẽ được quận tổ chức đấu giá trong năm nay. Với những lợi thế về hạ tầng kết nối theo quy hoạch, khu đất này sẽ được nâng cao giá trị và hứa hẹn thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Khu đô thị mới Thượng Cát cũng đã được quy hoạch trên diện tích hơn 400ha, bao gồm các khu đất dành cho nhà ở, khu thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, văn phòng, trung tâm hội nghị, khu giải trí, khu cây xanh,....
Người dân kỳ vọng việc có thêm các cây cầu vượt sông sẽ giúp các dự án được triển khai, địa phương mở mang phát triển được đô thị, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng như Quy hoạch vùng Thủ đô, quận Bắc Từ Liêm nằm trong 5 quy hoạch phân khu của Hà Nội, gồm: Phân khu GS, Phân khu S1, Phân khu S2, Phân khu H2-1 và bốn phường Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc nằm trong phân khu đô thị sông Hồng.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát dài 4,5km, điểm đầu cầu khớp nối với Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32, điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) sẽ bảo đảm tính đồng bộ, nối thông toàn tuyến Vành đai 3,5 từ phía nam lên phía bắc sông Hồng, giúp mở rộng đô thị lên phía bắc, và đặc biệt là góp phần hiện thực hóa phân khu đô thị sông Hồng, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông.
Các chuyên gia cho rằng việc liên kết các huyết mạch giao thông, nhiều cầu vượt sông Hồng có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội của đô thị Hà Nội, tạo ra sự phát triển đồng đều giữa hai bờ nam - bắc. Thêm cầu vượt sông là thêm cơ hội cho sự phát triển của khu vực đô thị ven sông Hồng.
Hà Nội đã được định hướng phát triển thành đô thị hiện đại với trục không gian trung tâm là dọc sông Hồng. Với định hướng đó, một trong những mục tiêu lớn nhất của Hà Nội trong nhiều năm tới là hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, mở rộng kết nối giao thông hai bên bờ Nam - Bắc; xa hơn là liên kết chặt chẽ với các trục không gian, đô thị vệ tinh, sinh thái quanh trục cảnh quan sông Hồng.