Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (bìa phải) và ông Nghiêm Xuân Thành (thứ hai từ phải sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, xem sa bàn quy hoạch tỉnh Hậu Giang.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Phát biểu tại buổi công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, căn cứ vào quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được duyệt, tỉnh dựa vào đó để thực hiện. Điểm lớn nhất của quy hoạch là tính định hướng, nói một cách giản dị là có quy hoạch để biết mình sẽ làm cái gì, đồng thời kiểm soát mọi việc để thực hiện đúng định hướng đã đặt ra. Đó chính là “tuân thủ”.
Tuy nhiên, nói chuyện ngày mai đã khó, bây giờ nói chuyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cực kỳ khó. Cho nên, việc thực hiện phải “linh hoạt”. “Khi chúng ta tổ chức thực hiện không linh hoạt, máy móc thì sẽ không làm được gì. Hai điều này có vẻ mâu thuẫn với nhau, nhưng thực tế chúng tôi kiểm chứng được là trong từng sự việc cụ thể, chúng ta vẫn giải quyết được câu chuyện này mà hoàn toàn không có mâu thuẫn”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lý giải.
Từ thứ ba là phải có “đồng bộ”, vì về nguyên tắc phải đáp ứng tất cả những cái quy hoạch có hiệu lực: quy hoạch của quốc gia, của vùng tới quy hoạch của tỉnh. Địa phương sẽ làm thêm những quy hoạch nhỏ thì phải đồng bộ nhau. Nếu không đồng bộ sẽ không đủ điều kiện pháp lý để làm.
Ngoài việc bám sát theo quy hoạch đã được duyệt, Phó Thủ tướng cũng mong muốn tỉnh đẩy mạnh “quảng bá” để cho mọi người hiểu quy hoạch này. Nếu không khéo khi đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ không thuyết phục được người dân. Phó Thủ tướng dẫn chứng câu chuyện của một địa phương đã thực hiện clip chiếu nhiều lần trên truyền hình và những nơi nào có thể chiếu được về quy hoạch để tất cả mọi người hiểu và cùng chung tay góp sức. Đây là kinh nghiệm mà Hậu Giang có thể tham khảo.
“Hậu Giang cần xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch này. Thứ nhất là liên kết vùng. Câu chuyện liên kết vùng chúng ta đã nói cách đây chừng vài chục năm, khi các đồng chí lão thành cách mạng còn làm lãnh đạo tỉnh đã nói nhưng hầu như chúng ta làm không được, bởi vì thiếu hai điều: Thiếu tiền và thiếu quyền. Hiện nay, các địa phương chủ động, tự làm với nhau thì có vẻ đã hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ về Hải Phòng. Địa phương này làm 3 con đường nối với 3 tỉnh xung quanh để kiếm công nhân từ các địa phương này làm việc cho các khu công nghiệp rất lớn của Hải Phòng. Phó Thủ tướng khẳng định “khi chúng ta có nền tảng, cơ sở quy hoạch thì thực hiện liên kết vùng dễ hơn ngày xưa rất nhiều. Quy hoạch cho phép chúng ta và khuyến khích chúng ta làm việc này.
Tin tưởng về sự bứt phá
Để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh hiệu quả, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu kinh nghiệm nhiều nơi, quy hoạch kết nối về giao thông nên làm đầu tiên và khai thác ngay hiệu quả của nó. Bên cạnh đó là yếu tố về văn hóa ở góc độ rộng chứ không phải nghĩa đen của hai từ “văn hóa”. Đó là truyền thống, con người, tính cách, vị thế...
Người dân ĐBSCL và người Hậu Giang mạnh về sự chân tình, ấm áp, hào sảng, làm hết ga, chơi hết mình. Trong sự phát triển của mỗi địa phương, suy cho cùng là yếu tố văn hóa vẫn có giá trị lớn lao nhất.
Trở lại Hậu Giang lần này, Phó Thủ tướng cảm nhận rõ sự thay đổi của Hậu Giang. Tốc độ tăng trưởng năm nay của Hậu Giang đạt giải “á quân” của cả nước. Đồng thời, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được trong thời gian qua về các mặt. Phó Thủ tướng đánh giá cao những cơ hội mà Hậu Giang đang sở hữu.
“Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như lúc này. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là 2 đường cao tốc gặp nhau trên đất nhà mình, điều mà không phải địa phương nào cũng có được. Thứ hai, Hậu Giang có đội ngũ cán bộ đã tiếp nối được truyền thống của các anh chị ngày trước, khai thác được lợi thế, có sự đột phá, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm. Thứ ba, nông sản đang rất có giá. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế của quốc gia rất nhiều. Chúng tôi tin tưởng, Hậu Giang sẽ có sự bứt phá trong thời gian không xa”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Linh hoạt trong cách tiếp cận
Bên cạnh những thế mạnh của tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra những tồn tại cần được tháo gỡ. Đầu tiên là khó khăn về tài chính. 6.800 tỉ đồng thu ngân sách của tỉnh chưa đủ trang trải. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 mới tự cân đối được ngân sách. Thứ hai, quy định hiện hành hiện nay khá chồng chéo, thậm chí có cái chưa thật sự cởi trói để theo kịp sự phát triển như mong muốn. Đây là câu chuyện của cả nước chứ không riêng Hậu Giang. Thứ ba, 13 tỉnh ĐBSCL phải gánh chịu sự biến đổi khí hậu nhanh đến bất thường. Trong đó, xâm nhập mặn là tác động lớn nhất mà ĐSBCL đang gánh chịu. Băng tan ở 2 cực trái đất làm nước biển dâng. Vì lợi ích quốc gia, nhiều quốc gia trên dòng Mekong đã xây đập thủy điện và nhiều công trình khác tạo nên nguy cơ sụt giảm lượng nước về ĐBSCL rất lớn, kéo theo mất phù sa, thủy sản, cát san lấp nhanh hơn dự kiến rất nhiều, ảnh hưởng đến vựa lúa của đồng bằng trong thời gian tới...
Trước những tồn tại này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ sự đồng tình với quan điểm “ngũ trọng tâm” của tỉnh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý với những việc khó, việc mới, phải có cách tiếp cận khác.
“Phải tăng cường phối hợp với trung ương và các địa phương trong vùng, giữa các địa phương trong tỉnh. Người đứng đầu địa phương phải làm gương, phải truyền cảm hứng cho mọi người. Nhiều nhà đầu tư lớn xem người đứng đầu như thế nào mới quyết định đầu tư trước khi xét đến các yếu tố đất, hạ tầng giao thông... Hãy nghĩ đến việc đào tạo cán bộ nhưng theo góc độ rộng hơn, không chỉ học để lấy bằng cấp mà là sự học kinh nghiệm”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang cố gắng hai việc. Thứ nhất, cải cách thể chế, sửa đổi nghị định, thông tư và đề xuất sửa luật. Thứ hai, tới đây sẽ phân cấp rất mạnh cho địa phương.
“Chỉ có các đồng chí mới biết làm như thế nào tốt nhất cho mình. Trung ương chỉ đi làm chính sách và kiểm tra giám sát, bởi vì luật lệ không thể đúng cho mọi người, đúng ở Hậu Giang nhưng không thể đúng trên Bắc Cạn mà chúng ta đóng khung nó lại thì rất là khó và xin hứa là đồng hành cùng các đồng chí”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ.