Về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Vụ trưởng Vụ địa bàn 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Về phía tỉnh có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, Thành phố.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh công bố Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh là 6.700,3 km2, gồm 1 thành phố và 9 huyện.
Mục tiêu tổng quát quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới; Phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước và chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hoá, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hợp tác đối ngoại được mở rộng; quốc phòng, an ninh vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, về kinh tế tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,72%/năm. GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người (giá hiện hành). Thu ngân sách tăng bình quân trên 12%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân trên 4,0%/năm; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030… Có cơ chế, chính sách đột phá để tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo bước đột phá về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của vùng, cả nước và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực đầu tư hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT - XH), bảo đảm đồng bộ, hiện đại, sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Phát triển nhanh và đột phá trong sản xuất nông nghiệp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh.
Tại hội nghị có 7 tham luận về một số nội dung: Thực hiện phương án phát triển mạng lưới giao thông, kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển du lịch; ngành công nghiệp, khu, cụm công nghiệp; thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản; định hướng phát triển huyện Trùng Khánh…
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khẳng định việc xây dựng Quy hoạch tỉnh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Yêu cầu các cấp, ngành làm tốt 6 nhóm vấn đề mang tính cốt yếu, gồm: Vấn đề liên quan đến Quy hoạch điện VIII; các quy hoạch về khoáng sản; phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, các khu chức năng; quy hoạch lâm nghiệp; danh mục các dự án dự kiến ưu tiên và xác định khu vực quốc phòng, an ninh.
Để quy hoạch sớm đi vào cuộc sống, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh phổ biến các nội dung cốt lõi, cơ bản, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành; người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị địa phương khẩn trương, nghiêm túc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sản phẩm cụ thể gắn thời gian hoàn thành, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cấp, ngành chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch.
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng…; chủ động nghiên cứu, sửa đổi, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển KT - XH cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, trong đó, tập trung vào các nội dung đột phá của tỉnh. Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số PAPI và chỉ số PAR INDEX.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.