Huy động nguồn lực đất đai phát triển đường sắt đô thị

Hôm nay (18/01), tại Hà Nội tiếp tục diễn ra hai phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ chương trình hội thảo về “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”. Các nhà quản lý, chuyên gia quy hoạch, chuyên gia giao thông… sẽ tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh nội dung chính là công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; “Huy động nguồn lực từ đất đai”.

Với định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035, trong vòng hơn 10 năm tới hai thành phố sẽ phải hoàn thành khoảng 200km đường sắt đô thị.

Chính vì thế công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và huy động nguồn lực từ đất đai là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện thành công dự án, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian kế hoạch đề ra.

 Chương trình hội thảo về “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”

Dự kiến trong phiên thảo luận sáng 18/1, các đại biểu sẽ nêu thực trạng và những khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác GPMB theo quy định pháp luật hiện tại; Ưu, nhược điểm của giải pháp tách công tác GPMB thành tiểu dự án riêng để thực hiện ngay sau khi Chủ trương đầu tư được duyệt, nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu; những cơ chế, chính sách thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư có thể áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, thực hiện các dự án ĐSĐT…

Trong phiên buổi chiều, dự kiến thảo luận chi tiết về quyền sử dụng đất, không gian ngầm, khoảng không trên cao thông qua đấu giá, cho thuê quyền sử dụng đất, không gian ngầm và khoảng không trên cao thông qua đấu thầu… Trong sự phát triển chung của đô thị, đất đai là nguồn lực giá trị, quan trọng, nhiều tiềm năng khai thác… chính vì vậy đầu tư dùng quỹ đất để phát triển ĐSĐT nhưng đồng thời cũng cần khai thác ngược giá trị từ đất đai để tránh lãng phí tài nguyên.

Đô thị phát triển đến đâu - giao thông phát triển đến đó và ngược lại. Điều này không chỉ tránh gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, quan trọng hơn còn có thể thu hút nguồn lực từ đất để đầu tư cho phát triển đường sắt đô thị. Đây cũng là một trong những giải pháp để Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện được mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 theo đúng kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

(Nguồn:hanoionline.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website