Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu chủ động hỗ trợ địa phương có biện pháp, phương án phòng chống triều cường tại các khu vực đã bàn giao mặt bằng, nhưng chưa triển khai thi công dự án kè.
Đối với các dự án kè sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, phải tổ chức bàn giao cho đơn vị thụ hưởng để quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo phát huy hiệu quả công trình.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án kè chống sạt lở. Ảnh: QUỐC HÙNG
UBND TPHCM giao Sở KH-ĐT ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án công trình kè chống sạt lở, để các địa phương, đơn vị thực hiện kịp tiến độ, đạt hiệu quả, bảo vệ an toàn khu dân cư. Sở TN-MT tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực TP Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ.
Sở GTVT sớm trình UBND TP báo cáo HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai, khu phố 3, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Song song, phối hợp quận Bình Thạnh đề xuất đơn vị làm chủ đầu tư khẩn trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa - Đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh.
TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp chặt chẽ Sở TN-MT, các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương bàn giao mặt bằng của các dự án công trình kè chống sạt lở để sớm thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở danh mục các vị trí sạt lở đã được UBND TP công bố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở để biết và chủ động phòng tránh, ứng phó.
Theo UBND TPHCM, trong số 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM năm 2023, TP Thủ Đức có 8 vị trí, huyện Nhà Bè có 7 vị trí, huyện Bình Chánh có 4 vị trí, huyện Cần Giờ có 7 vị trí, quận Bình Thạnh có 4 vị trí, huyện Hóc Môn có 1 vị trí, huyện Củ Chi có 1 vị trí.