Ninh Bình sẽ là trung tâm công nghiệp cơ khí ôtô hiện đại hàng đầu đất nước

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển Ninh Bình là một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo và là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

 Một góc TP Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập cao nhất cả nước

Ngày 4.3, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 218/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về mục tiêu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Phát triển Ninh Bình là một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,2%.

GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng. Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Nông - lâm - thuỷ sản 5,3%; công nghiệp - xây dựng 45,3%; dịch vụ 38,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11,1%.

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) đạt dưới 2%.

Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam Vùng đồng bằng sông Hồng.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường là động lực cho tăng trưởng. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao.

Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô. Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh.

Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới

Phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính

Với ngành dịch vụ, trong đó, về du lịch, xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính:

- Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình.

- Nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên.

- Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng.

- Nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên.

(Nguồn:laodong.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website