Nhiều năm nay, anh Nguyễn Xuân Thành ngày nào cũng đi qua cầu Long Biên để lấy hàng nên anh nhận thấy sự xuống cấp của cây cầu qua từng ngày: "Cây cầu này xuống cấp rất nhiều. Tôi thấy nhu cầu đi qua cầu Long Biên này rất lớn. Nhu cầu là cấp thiết".
Cầu Long Biên sẽ được Pháp hỗ trợ bảo tồn.
Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu kết nối hai quận của Thủ đô mà còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, gắn bó với bao thế hệ người Hà Nội. Do vậy, việc sửa chữa cầu Long Biên là mong mỏi của người dân Hà Nội.
Pháp đã quyết định hỗ trợ Hà Nội bảo tồn cây cầu này.
Tham gia nghiên cứu, bảo tồn cầu Long Biên là Tập đoàn Artelia, một trong những tập đoàn lớn của Pháp về xây dựng. Theo đơn vị này, để cải tạo cầu Long Biên, cần 11 tháng nghiên cứu, xem xét và đánh giá hiện trạng của cây cầu với những trang thiết bị hiện đại.
Với đội ngũ chuyên gia của Pháp và các kĩ sư Việt Nam, sau khi nghiên cứu và khảo sát kĩ càng, phía Pháp sẽ đưa ra các phương án sữa chữa, duy tu và bảo tồn cây cầu. Phía Pháp cho biết đang phối hợp với các sở, ban, ngành của Hà Nội để làm các thủ tục cho việc nghiên cứu cầu Long Biên. Cầu Long Biên sau khi duy tu, bảo tồn sẽ đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện qua lại, cũng như khôi phục công trình văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, kết nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Được Pháp xây dựng từ năm 1898 tới năm 1902, đây là cây cầu lịch sử và là biểu tượng văn hóa đối với người dân Hà Nội.