Phó Thống đốc: Không giải ngân gấp cho hết gói vay nhà ở xã hội

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh không giải ngân gấp, nhanh cho hết gói 120.000 tỷ đồng vì đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay.

Sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Trước tình hình đó, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Về phía ngành ngân hàng, trong suốt năm 2023, toàn ngành cũng đã nỗ lực đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản.

"Thị trường bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội," Phó Thống đốc nói.

Đối với riêng Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

"Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thoibaonganhang.vn

Đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng

Tại hội nghị, thông tin về kết quả triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Nguyễn Xuân Bắc cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án.

Trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng. Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế

Qua thời gian triển khai Chương trình, NHNN nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc chính. Đó là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Đến nay, mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn Chương trình này.

Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất …

"Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án," đại diện NHNN đánh giá nguyên nhân

Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, đại diện lãnh đạo NHNN nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Về phía NHNN sẽ phối hợp Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế triển khai.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

(Nguồn:mekongasean.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website