Di tích tháp Bình Sơn
Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn gắn với vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của huyện Sông Lô; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.
Bên cạnh đó, hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích…
Tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích
Theo Quy hoạch, vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành hai không gian chính: Khu vực tháp Bình Sơn ở phía Nam và khu vực chùa Vĩnh Khánh ở phía Bắc. Hướng tiếp cận từ đường tỉnh 307B ở phía Nam, qua cổng chính, theo đường trục chính của di tích, qua tháp Bình Sơn đến khu vực chùa Vĩnh Khánh.
Khu vực tháp Bình Sơn: Giữ nguyên vị trí Tháp hiện trạng; bảo đảm duy trì tầm nhìn từ các hướng đến Tháp. Tổ chức hệ thống cây xanh cảnh quan và sân quanh chân tháp thành điểm nhấn về cảnh quan.
Khu vực chùa Vĩnh Khánh: Nằm trên đường trục chính di tích, hướng về phía Nam. Khu nội tự, gồm các công trình: Tam Bảo, nhà Tổ và 02 dãy hành lang, sân chùa. Bố cục tổng thể theo kiến trúc chùa truyền thống miền Bắc Việt Nam. Khu ngoại tự (ở hai bên và phía sau khu nội tự), bố trí các hạng mục phụ trợ gồm: lầu hóa vàng, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh. Bao xung quanh các công trình là hệ thống vườn hoa, cây xanh cảnh quan và mạng lưới đường dạo kết nối.
Đối với vùng đệm phụ trợ cho di tích, tổ chức, chỉnh trang các không gian xanh, không gian ở và không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu di tích bảo đảm hài hòa về cảnh quan, hình thành không gian bổ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị. Các không gian chính, gồm: Vườn hoa cảnh quan (bố trí phía Đông di tích); không gian trường học (phía Bắc di tích) và khu dân cư hiện trạng.
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Theo Quy hoạch, sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử di tích tháp Bình Sơn gắn với hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ hiện đại (thực tế ảo và 3D mapping...), các hoạt động nghiên cứu, sáng tác tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến di tích và văn hóa địa phương.
Du lịch văn hóa - tín ngưỡng gắn với việc trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch thiền... tại di tích.
Du lịch lễ hội: Đa dạng hóa các hoạt động trong phần hội của lễ hội chùa tháp gắn liền bản sắc văn hóa sông Lô. Phát triển chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội truyền thống địa phương, lễ hội đường phố và sự kiện văn hóa, nghệ thuật đương đại.
Du lịch mua sắm gắn với sản phẩm lưu niệm về tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện Sông Lô; kết nối và nâng cao trải nghiệm của du lịch làng nghề của huyện Sông Lô…