Quy hoạch thủ đô Hà Nội theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong các đột phá cho thủ đô Hà Nội, hạ tầng phải là ưu tiên số 1. Bên cạnh đó trong quá trình phát triển giao thông đô thị nên có lộ trình loại bỏ phương tiện giao thông cũ, sử dụng nguyên liệu hoá thạch không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, dần dần chuyển sang sử dụng xe điện.

Đột phá hạ tầng giao thông phải là số 1 trong quy hoạch Hà Nội 2021 - 2030

Hôm nay 9.1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đối với quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cho biết, về tổ chức không gian, quy hoạch thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển. Đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

 Hội thảo tham vấn ý kiến đối với quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cùng với đó là xác định 5 trụ cột phát triển bao gồm: Văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.

Trong đó, về tổ chức không gian, quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển. Chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Vừa hiện đại hoá vừa giữ được bản sắc

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tăng tỉ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) cũng như tỉ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ, chuyển đổi số... để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời chú trọng đến đặc thù của Hà Nội, bao gồm đầu tư phát triển giao thông ngầm.

Góp ý cho quy hoạch Thủ đô, ông Christopher Lewis Malone - Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á cho biết: "Công nghiệp và công nghệ sẽ giúp Hà Nội phát triển hơn nữa. Thủ đô vốn có bề dày văn hoá lịch sử, thách thức hiện nay là làm như nào để hiện đại hoá thành phố mà vẫn giữ được bản sắc. Có 3 thành phố làm được điều này thành công mà Việt Nam có thể tham khảo là Singapore, Seul, Tokyo. Họ đã hiện đại hoá trong cơ sở hạ tầng mà vẫn có thể phát triển văn hoá, du lịch…

Hiện Hà Nội có nguồn lực cả về không gian, con người để phát triển công nghiệp, tuy nhiên những ưu thế này chưa được tận dụng tốt, nếu được tận dụng sẽ mang lại ưu thế rất lớn cho Thủ đô".

(Nguồn:laodong.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website