Sơn La: Điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025

Vừa qua, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2920/QĐ-UBND về việc điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Sơn La năm 2023 và năm 2024.

Một góc thành phố Sơn La (ảnh: Phượng Nguyễn).

Điều chỉnh định hướng phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Sơn La đến năm 2030 đã được phê duyệt dựa trên một số đặc trưng và phạm vi ảnh hưởng, toàn bộ lãnh thổ Sơn La được phân chia thành 03 vùng không gian rộng lớn. Theo đó, từng khu vực sẽ đảm nhận các vai trò, chức năng nhiệm vụ riêng biệt cũng như tận dụng tối đa tiềm năng vốn có, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, vùng I là vùng đô thị hóa sẽ tập trung vào phát triển trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch với thế mạnh là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc bộ với các địa phương và khu vực quốc tế lân cận. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, tận dụng tiềm năng đất đai của khu vực để tạo ra các vùng nguyên liệu chất lượng cao, mang lại giá trị về mặt hàng hóa cũng như giá trị về hình mẫu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, xây dựng vùng trở thành một khu vực động lực theo mô hình trung tâm các vệ tinh, mỗi vệ tinh sẽ đảm nhiệm những vai trò, chức năng khác nhau, được liên kết chia sẻ bởi hệ thống hạ tầng liên kết nội vùng đồng bộ. Qua đó sẽ tránh được tối đa tình trạng quá tải, phát triển vượt ngưỡng, đảm bảo các yêu cầu cần thiết về mặt kiến trúc cảnh quan cho khu vực.

Vùng II là vùng có nguyên liệu nông sản giá trị cao, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, vùng nguyên liệu nông sản giá trị cao được hình thành sẽ là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông sản hiệu quả, bền vững cho địa phương nhờ vào việc phát triển các vùng cây công nghiệp chất lượng cao, đảm bảo tính bền vững trong giới hạn khai thác được cho phép. Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp làm tiền đề hình thành các khu, cụm sản xuất công nghiệp tập trung, quy mô lớn, đem lại giá trị sản xuất vượt trội. Phát triển các đô thị vừa và nhỏ gắn với các cơ sở động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là các cơ sở chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị hàng hóa của các vùng nguyên liệu, giải quyết các vấn đề về lao động trong vùng. Phát triển các thị trấn và điểm dân cư nông thôn tập trung, tránh tối đa tình trạng phân tán nhỏ lẻ, điều kiện hạ tầng không đảm bảo làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Vùng III là vùng bảo tồn và phát huy giá trị thiên nhiên, dự trữ tự nhiên, bảo toàn các loài sinh cảnh được lập trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị rừng. Đặc biệt các khu vực vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp nghiên cứu khoa học, khám phá... Không phát triển các dự án xây dựng quy mô lớn, chỉ phát triển các đô thị, khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khu hành chính tại các địa điểm cho phép trong khu vực vườn quốc gia để phục vụ quản lý và du lịch. Không phát triển về số lượng dân cư, đồng thời dịch chuyển dần lượng dân cư hiện có đang sinh sống trong khu vực (nhất là các khu bảo tồn thiên nhiên) tập trung về các đô thị du lịch, các trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn phân bố tại vùng ven. Khoanh vùng vành đai phát triển với các khu vực bảo tồn, phát huy tối đa giá trị cảnh quan thiên nhiên, nâng diện tích che phủ rừng. Các vùng bảo tồn nghiêm ngặt sẽ bao gồm các loại khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu bảo tồn chuyên theo chuyên đề (thông nước, rừng cảnh quan...), với việc phân chia các vùng không gian lãnh thổ nêu trên sẽ là tiền đề tạo nên động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới. Trong đó, thị trường nhà ở và bất động sản cũng sẽ được tạo điều kiện phát triển một cách mạnh mẽ, góp phần to lớn đến việc ổn định cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển khu vực đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, bổ sung diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đến năm 2023: Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt khoảng 18,3 m2/người (khu vực đô thị đạt khoảng 29,2 m2/người, nông thôn đạt khoảng 16,5 m2/người). Năm 2024, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt khoảng 19,6 m2/người (khu vực đô thị đạt khoảng 31,4 m2/người, nông thôn đạt khoảng 17,4 m2/người). Đến năm 2025, chỉ tiêu đã được phê duyệt, diện tích sàn nhà ở bình quân là 20 m2/người (khu vực đô thị là 30 m2/người, nông thôn là 17,9 m2/người). Chỉ tiêu điều chỉnh, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt khoảng 21,1 m2/người (khu vực đô thị đạt khoảng 33,0 m2/người, nông thôn đạt khoảng 18,0 m2/người).

UBND tỉnh Sơn La giao Sở Xây dựng tham mưu tổ chức lập Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và đánh giá sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh; thực hiện công bố Kế hoạch và chuyển giao hồ sơ cho các cơ quan quản lý theo quy định. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch phát triển nhà ở. Hướng dẫn, đôn đốc, giải quyết hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website