Sông Sài Gòn phải được thiết kế thành một đại lộ nước tráng lệ

Sông Sài Gòn phải được nghiên cứu và thiết kế thành một đại lộ nước tráng lệ. Điều đó có nghĩa là phải thiết kế bờ sông, trồng cây, hệ thống chiếu sáng, bến thuyền và lập quy hoạch tổng thể với các quy định cho các tòa nhà được xây dựng dọc theo sông.

Kiến trúc sư LeCaron làm việc nhiều năm ở Việt Nam, từng tham gia vào nhiều dự án về nghiên cứu quy hoạch và môi trường cũng như các dự án cơ sở hạ tầng, thị trấn mới và phục hồi đất đai, hệ sinh thái

Nhiều thành phố lớn, nổi tiếng trên thế giới đã coi dòng sông dọc theo nơi thành phố được xây dựng là hình ảnh của mình. Cảnh quan sông nước với những tòa nhà mang tính biểu tượng và bờ sông đã trở thành di sản của những thành phố này. Người ta có thể nghĩ đến sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, sông Hoàng Phố ở Thượng Hải…

Dòng sông cũng là không gian công cộng lớn hơn của các thành phố này, du khách khám phá thành phố nhờ du ngoạn trên sông, người dân đến tận hưởng không khí trong lành, ngắm cảnh, nghỉ ngơi ven sông. Đó là nơi diễn ra lễ hội đô thị đẹp nhất. Năm 2024, sông Seine sẽ là nơi khai mạc Thế vận hội Olympic, một màn trình diễn quy mô, hoành tráng với hàng trăm nghìn người chiêm ngưỡng.

TPHCM được nhà Nguyễn xây dựng như một thành trì ven sông, sau đó phát triển thành một thành phố bên sông. Và từng có thời điểm được gọi là "Hòn ngọc Viễn Đông".

Những giờ đây, sau hàng chục năm mở rộng đô thị một cách năng động, có phần thiếu đồng bộ, TPHCM cần phải tìm lại sự thống nhất, cần có những không gian gắn kết mọi người, để có thể trở thành biểu tượng của đô thị mới đang được xây dựng.

Ý tưởng biến dòng sông Sài Gòn thành không gian biểu tượng thống nhất của Thành phố là một ý tưởng mạnh mẽ, tuyệt vời và thực tế. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của Thành phố nhờ hình ảnh mới mà Thành phố sẽ có được.

Các nguyên tắc chính

Hơn cả một ý tưởng quy hoạch, trước hết nó là một ý tưởng thiết kế đô thị và do đó phải được phát triển theo những nguyên tắc:

1. Nước sông dâng cao do biến đổi khí hậu là một thực tế cần được giải quyết để tạo nên một dự án bền vững.

2. Sông phải được coi là đường thủy không chỉ phục vụ vận tải hàng hóa mà còn chủ yếu phục vụ vận tải hành khách như buýt-thuyền, taxi-thuyền, thuyền chở khách du lịch.

Mạng lưới giao thông phải được tính toán trên cơ sở đô thị và khu vực nhờ dòng sông được kết nối với đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Vũng Tàu và ra biển. Các bến thuyền phải được xây dựng dọc sông để tiếp nhận nhiều loại tàu thuyền và hành khách.

3. Con sông phải được nghiên cứu và thiết kế thành một đại lộ nước tráng lệ. Điều đó có nghĩa là phải thiết kế bờ sông, trồng cây, hệ thống chiếu sáng, bến thuyền và lập quy hoạch tổng thể với các quy định cho các tòa nhà được xây dựng dọc theo sông. Đại lộ này phải được sáng tác như một bản giao hưởng với nhiều phần khác nhau, có nơi yên bình và thư thái, một số nơi náo nhiệt.

4. Bờ sông phải được quy hoạch và thiết kế thành không gian để người dân đến dạo bộ, nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành và ngắm cảnh. Đó sẽ là những con đường đi bộ tuyệt đẹp và không gian dọc bờ sông rợp bóng cây xanh, với các quán cà phê và nhà hàng. Những không gian này sẽ phải được liên kết với các khu dân cư và các địa điểm giải trí chính bằng đường dành cho người đi bộ và bãi đỗ xe.

5. Để làm như trên, giải pháp mang ý nghĩa chiến lược tốt nhất sẽ là xem xét "lý thuyết thiết kế châm cứu đô thị". Điều đó có nghĩa là xác định "các mạch ý nghĩa" dọc theo con sông và các điểm chiến lược trên các tuyến này và xây dựng ở đó những sự kiện quan trọng.

6. Và để thành công, một kế hoạch như vậy sẽ phải được thực hiện bởi một đội ngũ chuyên nghiệp dưới sự chỉ đạo của cơ quan chức năng của TPHCM.

Kiến trúc sư Jacques Emile LeCaron

Giám đốc LeCaron Architecte, Pháp

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website