Tầm nhìn vùng: Từ quy hoạch đến hành động

Dự thảo quy hoạch xác định vị trí địa lý quan trọng của TPHCM: nằm ở điểm chuyển tiếp giữa các hệ sinh thái và các vùng địa hình với rủi ro ngập khác nhau, vùng rừng núi ở phía Đông Bắc và vùng đồng bằng thấp ở phía Tây Nam, giữa vùng thượng nguồn cao ráo phía Bắc sông Sài Gòn với vùng rừng ngập mặn phía Nam ở Cần Giờ, nơi 2 con sông lớn đổ ra biển.

Với vị trí quan trọng về hệ sinh thái, vai trò kết nối “sinh thái” dẫn đến việc kết nối các dòng chuyển “dân cư”. Nguồn nhân lực vừa tập trung vào thành phố, vừa từ thành phố lan rộng ra các tỉnh thành xung quanh, hình thành các cụm ngành công nghiệp, về dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục.

Vùng đô thị TPHCM (quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng thông qua năm 2014) bao gồm 8 tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, với tổng quy mô dân số chính thức khoảng 22 triệu người. Hơn 10 năm qua dân số tăng trung bình 1,9%/năm, chiếm 22% tổng quy mô dân số toàn quốc, lớn hơn quy mô dân số vùng Thủ đô Hà Nội (gồm 10 tỉnh thành với khoảng 21 triệu dân). Nhiều đô thị chính trong vùng TPHCM đang tập trung trong bán kính 15-30km nếu từ trung tâm TPHCM, như: Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Nhơn Trạch, Bến Lức, Dĩ An và Thuận An. Các đô thị này còn không gian để phát triển và có kết nối vùng song song với những “đô thị vệ tinh” đã được định hướng quy hoạch từ trước như Thủ Đức, Bắc Củ Chi hay Cần Giờ.

Trong những định hướng quy hoạch đang xây dựng, TPHCM phải đóng vai trò vừa là điểm kết nối giữa các vùng, vừa là lớp trung tâm kết nối, bảo tồn và tái thiết hệ sinh thái từ thượng nguồn tới hạ lưu. Kết nối các dòng chảy trong đê bao, mở rộng và tự nhiên hóa các tuyến sông Bắc Nam để tăng khả năng điều hòa nước, giữ nguyên các kênh tưới tiêu Đông - Tây. Tăng cường kết nối để thu hút đầu tư và mở rộng vùng hậu phương tập trung vào việc gia tăng vai trò trung tâm Đông Nam bộ và Đông Nam Á của TPHCM. Phát triển đô thị và khu công nghiệp tại TPHCM nên đặt trong bối cảnh vùng để có lợi thế cạnh tranh, đó là chất lượng nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược. Trong 2 năm vừa qua, các dự án hạ tầng kết nối được khởi công, chuẩn bị như Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài; phối hợp làm quy hoạch tập trung mạnh vào sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

Một số điểm sáng trong thời gian qua xoay quanh các hoạt động gắn kết, xúc tiến thương mại - du lịch giữa TPHCM và các vùng miền cả nước; chú trọng khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là tâm điểm của giao dịch hàng hóa và dịch vụ. Chuyển giai đoạn tiếp theo kết nối - liên kết vùng về xúc tiến thương mại là đầu tư hoàn thiện hệ thống logistics - giao vận và ứng dụng thương mại điện tử. Đây chính là nền tảng để hình thành “Chợ trực tuyến vùng TPHCM” khi hàng hóa có thể dễ dàng giao thương và vận chuyển như đề xuất của chuyên gia.

Vận dụng linh hoạt, mạch lạc những hướng phát triển vừa có tính “thuận thiên” (cũng như thuận hợp lòng người), vừa đảm bảo tính tham chiếu khoa học - thực tiễn (nên có độ mở cao và tầm nhìn xa) của vùng đang được cụ thể hóa vào các quy hoạch. Kết nối, kết hợp giữa di sản văn hóa - lịch sử và đời sống hiện đại; giữa tài nguyên thiên nhiên và sức sáng tạo, khai thác một cách thông minh của con người; giữa hạ tầng giao thông đường thủy với đường bộ, đặt hệ thống thủy bộ nội thành (địa phương) trong hệ thống giao thông thủy bộ liên vùng. Với tâm thế kế thừa và phát triển, nơi ngã rẽ sông “Nhà Bè nước chảy chia hai” mà gây dựng nên Sài Gòn - Gia Định - TPHCM ngày nay, từ Gia Định đến Đồng Nai đang hợp lưu những “dòng chảy” lịch sử - kinh tế - văn hóa để định vị một tư thế phát triển, một Sài Gòn - TPHCM “cùng cả nước, vì cả nước”.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website