Trong năm 2023 tỉnh Đắk Nông và Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 27 Quyết định xử phạt các trang trại chăn nuôi heo vì vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, với số tiền phạt gần 5 tỷ đồng.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên; đầu tư cho hạ tầng bảo vệ môi trường khu vực đô thị, khu công nghiệp, y tế được chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm được thực hiện thường xuyên; việc quan trắc môi trường được duy trì; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm; những vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường từng bước được kiểm soát và tập trung giải quyết.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ môi trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường chưa cao. Công tác quản lý chất thải, nước thải chưa tốt, đặc biệt là chất thải rắn chưa được thu gom, xử lý triệt để; hầu hết các huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải đô thị, chưa có khu liên hợp xử lý chất thải rắn, chưa có bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Ở nông thôn, tỷ lệ thu gom rác mới đạt khoảng 40-50%.
Ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, các cơ sở khai thác chế biến khoáng sản, các trang trại chăn nuôi, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến nông sản diễn biến phức tạp; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực, nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, các lưu vực sông, suối, hồ trong khu vực đô thị, nông thôn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và chất lượng cuộc sống của người dân.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan thuộc về nhận thức, trách nhiệm quản lý của một số cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận, chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quản lý nhà nước về môi trường còn những tồn tại nhất định, nhất là trong phát hiện, xử lý, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến địa phương còn thiếu, trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa kịp thời, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa tương xứng với nhiệm vụ, xã hội hóa trong bảo vệ môi trường đạt thấp…
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể chính trị-xã hội quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản được đề ra tại văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Để cụ thể hóa các nội dung trên, ngày 20/5/2022, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về tăng cường quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nêu rõ các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhằm thực thi có hiệu quả, bảo đảm định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; đòi hỏi cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thống nhất đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của từng ngành và từng địa phương. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư, không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội lấy kinh tế.
Bảo vệ môi trường theo phương châm chủ động phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên các vùng đất ngập nước quan trọng và đa dạng sinh học; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với huy động các nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác về bảo vệ môi trường.
Để thực hiện thành công với các quan điểm đặt ra, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế tác động xấu đối với môi trường; phải đảm bảo yêu cầu về môi trường ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư, tuyệt đối không cho phép các dự án đầu tư xây dựng, hoạt động khi chưa hoàn thành thủ tục về môi trường.
Bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng và thích ứng biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định có liên quan.
Để đạt được mục tiêu trên phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung tay, góp sức của mọi người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, nhằm hướng tới một Đắk Nông có nền kinh tế phát triển “xanh” và bền vững.