Thanh Hóa hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà ở

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thời gian qua Thanh Hóa rất tích cực xây dựng nhà ở cho các hộ dân tộc thiểu số giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Dân tộc Thái tại Thanh Hóa. Ảnh: Ủy ban dân tộc

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Dân số của tỉnh tính đến hết quý 3/2023 là 992.692 người, trong đó dân tộc thiểu số là 701.039 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh.

Nhằm cải thiện đời sống của người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, từng bước thoát nghèo, Thanh Hóa đã hoàn thành tại Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719), giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho một số hộ dân.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 30/9/2023, tỉnh đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 24 hộ dân, sửa chữa nhà ở cho 2 hộ tại huyện Lang Chánh.

Về chỉ tiêu sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, ước cả năm 2023, số hộ được sắp xếp ổn định chỗ ở là 259 hộ - đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình 1719, tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ về nhà ở cho 339 hộ dân và đảm bảo 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định nơi cư trú.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho 315 hộ với tổng vốn hỗ trợ là 12,56 tỷ đồng.

Trong công tác đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 32 công trình nước sinh hoạt tập trung, đến nay, hoàn thành 12/32 công trình, với nước sinh hoạt phân tán cho mỗi hộ dân, đến thời điểm báo cáo các huyện đã hỗ trợ được 2.545 hộ, số hộ còn lại đang được rà soát, kiểm tra để tỉnh ban hành Quyết định danh sách hộ được hỗ trợ.

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng báo cáo cũng cho biết việc triển khai Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như tình trạng giải ngân vốn cho các dự án còn chậm, khó bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình theo tỷ lệ quy định.

"Đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất, có số lượng lớn những hộ dân có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng quỹ đất của địa phương không thể cân đối, hộ dân phải tự nhận chuyển nhượng đất sản xuất nhưng không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà chỉ được vay vốn tạo đất sản xuất, do đó cần có hành lang pháp lý rõ ràng hơn để triển khai hiệu quả Chương trình 1719", báo cáo nêu.

(Nguồn:mekongasean.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website