Thúc đẩy dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư

HĐND TPHCM vừa thông qua danh mục 41 dự án y tế, giáo dục, văn hóa thể thao để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trước đó, nhiều quận huyện cũng chủ động tổ chức các hội nghị mời gọi đầu tư. Đây là những chuyển động thúc đẩy các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng thực tiễn cho thấy còn rất nhiều việc cần làm.

 Cống kiểm soát triều cường Mương Chuối ở huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không phải cứ mời… là được

Từ năm 2022, TPHCM đã công bố danh mục nhiều dự án thu hút đầu tư, trong đó có các dự án PPP. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo UBND TPHCM, nhiều dự án kêu gọi đầu tư nhưng chỉ có tên dự án, quy mô tổng mức đầu tư, còn lại chưa có thêm những yếu tố khác để kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Tới khi mang ra các diễn đàn, các cuộc tiếp xúc mời gọi đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư quan tâm đặt câu hỏi thì thấy cái gì cũng vướng, có những nội dung chưa thể giải đáp.

Tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa diễn ra đầu tháng 12, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, đã mổ xẻ vấn đề và nhận thấy công tác chuẩn bị mời gọi đầu tư vẫn còn thiếu sự đồng bộ, có kẽ hở. Những dự án mà TPHCM có nhu cầu mời gọi đầu tư, trong đó có các dự án PPP, chưa rà soát xem có phù hợp quy hoạch, đất đai sẵn có hay không, cũng như các điều kiện pháp lý khác về dự án, nên khi nhà đầu tư tìm hiểu sâu hơn thì thấy vướng mắc rất nhiều. Do đó, khi trình danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực y tế, văn hóa thể thao, giáo dục, TPHCM đã yêu cầu các sở chuyên ngành đề xuất dự án, xem xét kỹ nhu cầu và tính khả thi, đề xuất hình thức đầu tư PPP phù hợp. Theo UBND TPHCM, nhu cầu thực hiện các dự án PPP trong 3 lĩnh vực nói trên là rất lớn và cần thiết, nhất là trong điều kiện ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực này giai đoạn 2021-2025 khá hạn chế (giáo dục chiếm 7,17%, y tế 8,61%, thể thao văn hóa là 2,28%).

Thực tế, thời gian qua, TPHCM đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị thu hút, mời gọi đầu tư cho các dự án trên địa bàn. Lớn nhất là hội nghị kêu gọi đầu tư vào 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn hồi tháng 4-2023, thu hút đến hơn 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước với số vốn cam kết đầu tư lên tới khoảng 17 tỷ USD. Ở quy mô địa phương, huyện Bình Chánh đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực giáo dục trên địa bàn hồi tháng 6-2023, và sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư cho các lĩnh vực như thương mại, du lịch, nông nghiệp. Mới đây, huyện Nhà Bè cũng tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư vào 6 lĩnh vực trên địa bàn. Các hội nghị đều thu hút đông đảo nhà đầu tư quan tâm, nhưng vì nhiều vướng mắc khi bắt tay thực hiện, nên sau những hào hứng ban đầu, một số địa phương cho biết nhà đầu tư dần bớt quan tâm. Trong hội nghị thu hút đầu tư cho giáo dục tại huyện Bình Chánh, các doanh nghiệp băn khoăn về quỹ đất cho giáo dục. Một tập đoàn giáo dục hiện có 4 cơ sở giáo dục tại huyện Bình Chánh với hơn 2.500 học sinh chia sẻ, rất muốn đầu tư thêm cơ sở vật chất, trường lớp nhưng khi tìm hiểu thì gặp khó vì chủ yếu đất là đất ở, đất dân cư xây dựng mới với diện tích được xây chỉ dưới 300m2 .

Rà soát quỹ đất, gỡ vướng quy hoạch

Một cản trở lớn cho thu hút đầu tư các dự án PPP được đưa ra là vấn đề quy hoạch. Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cho rằng, quy hoạch là cái gốc của vấn đề phát triển, nhưng ở huyện Hóc Môn hiện nay, vấn đề quy hoạch đang là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án, cũng như đời sống người dân ở một số địa bàn dân cư. Huyện Hóc Môn tổ chức kêu gọi đầu tư 23 dự án, có hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký, nhưng khó khăn là vướng vào quy hoạch. Theo ông Trần Văn Khuyên, TPHCM nên tập trung hết sức, toàn lực để sớm có điều chỉnh quy hoạch chung. Tương tự, tại huyện Bình Chánh, lãnh đạo huyện cho biết, quy hoạch huyện đã có từ năm 2012, đến nay rất nhiều bất cập, nên gỡ được quy hoạch là gỡ được rất nhiều dự án đầu tư.

Trong khi đó, chia sẻ về cách làm của địa phương để thu hút đầu tư xã hội, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh cho biết, huyện có 88 vị trí đất dành cho giáo dục. Quỹ đất này sẽ liên tục được rà soát, cập nhật và công khai để nhà đầu tư quan tâm theo dõi. Huyện Bình Chánh cũng sẽ lập đội ngũ chuyên trách về xúc tiến đầu tư để hỗ trợ nhanh chóng, giảm phiền hà cho nhà đầu tư. Còn Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước cũng cho biết, cách làm của huyện là chuẩn bị sẵn các dự án phù hợp quy hoạch, mang tính khả thi cao để mời gọi đầu tư.

Liên quan đến công tác điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã cho biết, còn khoảng một tháng nữa, TPHCM sẽ trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Với tiến độ này, TPHCM dự kiến đầu quý 1-2024 sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu. Sau đó, cần mất khoảng một năm để có đồ án quy hoạch phân khu toàn diện.

Một trong những khó khăn bất cập lớn trong kêu gọi, triển khai các dự án PPP là tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án. Hiện Luật PPP quy định tỷ lệ tối đa là 50%, nhưng quy định này đã gây khó trong thực tiễn. Với các dự án giao thông, ở những nơi có lưu lượng xe thấp thì nhà đầu tư không quan tâm, còn dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Hiện nay, Bộ KH-ĐT tính toán rằng, mức vốn nhà nước từ 70%-75% là hợp lý, nhưng ở một số dự án có thể cao hơn. Đối với TPHCM, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép TPHCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp công trình đường bộ hiện hữu, với tỷ lệ vốn nhà nước tối đa 70%. Đây được coi như một trong những giải pháp quan trọng giúp thúc đẩy các dự án PPP trên địa bàn TPHCM.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website