Kế hoạch nhằm kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trong Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM” giai đoạn năm 2021-2022, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sử dụng đất, từng bước đi vào thực tiễn nhằm hoàn thiện hơn nữa các cơ sở pháp lý; xây dựng, đồng bộ hệ thống quản lý đất đai, tập trung giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị bền vững của TPHCM.
Kế hoạch cũng nhằm công khai, minh bạch trong quá trình quản lý, xử lý các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai; xây dựng được cơ chế giám sát, lấy ý kiến phản hồi, tiếp thu và điều chỉnh các quy định, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng; hướng đến phân chia hợp lý lợi ích đạt được từ sự phát triển bền vững, tạo sự đồng thuận của người dân, của nhà đầu tư trong quá trình cùng Nhà nước tập trung triển khai xây dựng phát triển đô thị TPHCM theo quy hoạch.
Trong Kế hoạch, UBND TP đã đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM” giai đoạn 2021-2022.
Nội dung của Đề án tập trung nghiên cứu 6 nhóm vấn đề: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Thành phố; (2) Đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; (3) Tài chính đất đai; (4) Quản lý tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý; (5) Hành chính về đất đai; (6) Cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất. Các nhóm vấn đề chính mang tính cứu khoa học cao nên đòi hỏi thời gian thực hiện qua nhiều khâu. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2021-2022 tùy theo nhóm, có nhóm đã cơ bản hoàn thành, có nhóm còn đang triển khai thực hiện.
Ưu điểm
Đánh giá kết quả thực hiện, Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM” giai đoạn năm 2021-2022 (Đề án) được ban hành đã giúp nhận diện được những bất cập về pháp luật đất đai trong công tác quản lý nhà nước để từ đó đề xuất với các cơ quan, ban, ngành Trung ương các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đặc biệt là lĩnh vực đất công. Các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể đã được xác định và có lộ trình thực hiện.
Đề án thuộc chương trình đột phá đổi mới quản lý TPHCM. Có những đóng góp vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi, với nhiều ý kiến xác thực; là nền tảng để Thành phố bổ sung sửa đổi dự thảo Nghị quyết 54 mới, trong đó có đề xuất các mô hình huy động nguồn lực từ đất như mô hình tiêu TOD, mô hình BT…
Hiện các công cụ nhằm phục vụ cho công tác quản lý đất đai cơ bản hoàn thành và sẽ đưa vào ứng dụng hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai được chặt chẽ. Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, có thể đưa ra các phương án sử dụng đất đai được hiệu quả hơn.
Các công tác liên quan đến thủ tục hành chính, giao dịch của người dân như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giao dịch bảo đảm, chuyển nhượng, thừa kế… từng bước được thực hiện thông qua phần mềm có thể lưu vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Có thể truy xuất để quản lý, thực hiện chuyển thông tin địa chính đến cơ quan thuế. Ngoài ra, còn có thể quản lý về quy trình, thời gian, tiến độ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình và Đề án, Thành ủy, UBND TP có sự quan tâm, chỉ đạo và định hướng chủ trương kịp thời, có sự phối hợp góp ý của các sở, ngành và quận - huyện giúp cho việc tham mưu xây dựng Đề án được thuận lợi hơn.
Việc lãnh đạo, triển khai thực hiện Đề án có sự chỉ đạo chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm, thành viên giám sát của đơn vị chủ trì và Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách chịu trách nhiệm chỉ đạo rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, trong quá trình thực hiện Đề án, nhìn chung các sở, ngành và UBND Quận, Huyện, UBND thành phố Thủ Đức phối hợp tương đối tốt. Tuy nhiên, tiến độ thời gian có lĩnh vực còn chậm do đó kết quả thực hiện Đề án chưa hoàn thành đồng bộ.
Nội dung của Đề án nhằm phục vụ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, nhằm triển khai vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị bền vững của TPHCM nên khi được thông qua, nhận được nhiều quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Đề án là cơ sở định hướng lớn cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu 6 nhóm vấn đề chính, về quy định pháp luật, thực tiễn cuộc sống để nhận diện những bất cập; xác định vấn đề tập trung giải quyết; đề xuất những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, nhiều nội dung công việc triển khai theo kế hoạch chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện Đề án quản lý đất đai hiệu quả trong thời gian qua còn chậm.
Những khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: các thủ tục chuẩn bị để dự án được triển khai còn chậm (do dịch bệnh, công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ,...). Hiện Thành phố cần được tạo điều kiện, cho phép đăng ký tăng thêm đối với chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp để phục vụ nhu cầu phát triển đô thị.