Quy hoạch chung đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La xác định xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025.
Phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Mộc Châu được thực hiện trong địa giới hành chính của huyện Mộc Châu. Về ranh giới, phía Bắc giáp các huyện Phù Yên và Bắc Yên; hía Nam giáp huyện Vân Hồ và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; hía Đông và Đông Nam giáp huyện Vân Hồ; phía Tây giáp huyện Yên Châu.
Quy mô diện tích lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Mộc Châu với quy mô 107.209,47ha (1.072,09km2).
Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 185.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi), trong đó nội thị khoảng 108.000 người, dân số ngoại thị khoảng 77.000 người. Dự báo đến năm 2040 khoảng 275.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi), trong đó nội thị khoảng 187.000 người, dân số ngoại thị khoảng 88.000 người.
Việc phê duyệt Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 nhằm phát huy các giá trị về cảnh quan tự nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025.
Xây dựng quy hoạch chung đô thị Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2040 nhằm xác định sự phát triển hợp lý của đô thị Mộc Châu, đặc biệt trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng những năm tiếp theo về các mặt: Tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị phù hợp với mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại IV và xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025, giai đoạn đến năm 2030 phát triển theo chiều sâu, hoàn thiện các tiêu chí còn yếu, còn thiếu của đô thị loại IV đồng thời duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III giai đoạn 2030 - 2040.
Phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là tiềm năng về du lịch, phát triển nông nghiệp và kinh tế thương mại cửa khẩu quốc tế.
Làm cơ sở để triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn theo quy định; là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Theo Quy hoạch, Mộc Châu xây dựng đô thị xanh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh; mang bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và khí hậu đặc trưng cao nguyên; phát triển bền vững và toàn diện. Là đô thị du lịch mang tầm quốc gia; trung tâm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; trung tâm sản xuất, chế biến và chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Là đô thị biên giới gắn với phát triển kinh tế thương mại cửa khẩu quốc tế; có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng an ninh.
Phát triển không gian đô thị Mộc Châu gắn với bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái nông nghiệp, cảnh quan đặc trưng Mộc Châu (đồng cỏ, đồi chè, cảnh quan núi rừng, bản làng truyền thống); phát triển không gian nội thị trên cơ sở khu vực hai thị trấn hiện hữu và đô thị hóa, mở rộng ra khu vực lân cận gồm Phiêng Luông, Đông Sang, Mường Sang; phát triển khu vực ngoại thị gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao và phát triển kinh tế thương mại cửa khẩu quốc tế Lóng Sập.
Các không gian phát triển cụ thể:
Phân vùng trung tâm (khu vực nội thị): Diện tích tự nhiên khoảng 15.872 ha. Là vùng đô thị hóa tập trung, vùng kinh tế động lực phát triển đô thị du lịch, thương mại dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Hoàn thiện cảnh quan môi trường đô thị theo hướng hiện đại, tạo dựng một không gian đô thị du lịch có bản sắc. Thiết lập vùng bảo vệ cảnh quan sinh thái nông nghiệp đặc trưng (đồi chè, đồng cỏ, vườn mơ, mận, đào) tại khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Vành đai nông nghiệp xung quanh khu vực nội thị (thuộc ngoại thị): Diện tích khoảng 49.299 ha; là vành đai phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị, phát triển thương mại - dịch vụ, gắn du lịch sinh thái. Phát triển 02 trung tâm tiểu vùng có các khu chức năng hỗn hợp để phục vụ dân cư đô thị và phát triển dịch vụ, du lịch, làm tiền đề hình thành các tổ hợp dự án động lực trong tương lai. Thiết lập vùng bảo vệ cảnh quan không gian kiến trúc làng, bản truyền thống.
Phân vùng núi cao biên giới (thuộc ngoại thị): Diện tích khoảng 24.862 ha. Phát triển kinh tế thương mại cửa khẩu quốc tế Lóng Sập gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp sinh thái, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mới, trải nghiệm, khám phá, chinh phục đỉnh cao. Quy hoạch các xã theo mô hình nông thôn mới, gắn với hình thành các trung tâm công cộng, dịch vụ hỗ trợ thương mại cửa khẩu và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Phân vùng dọc sông Đà (thuộc ngoại thị): Diện tích khoảng 17.221 ha. Là vùng bảo vệ và phát huy giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan khu rừng phòng hộ ven sông Đà, khu vực đồi núi cao; phát triển nông lâm thủy sản kết hợp du lịch lòng hồ và ven sông.