TS. Nguyễn Văn Minh
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia
Tóm tắt
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ứng dụng qua các cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra các đô thị phát triển tương ứng. Và kèm theo đó là các vấn đề về thượng tầng và hạ tầng thay đổi để bắt kịp bước tiến của đô thị. Hệ thống giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng đô thị; có vị trí, vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế xã hội; góp phần quyết định hình thái cấu trúc phát triển không gian, sử dụng đất cũng như các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khác. Bài viết trình bày về các thời kỳ, xu hướng phát triển đô thị; quy hoạch giao thông qua các thời kỳ và dự báo xu hướng quy hoạch giao thông trong đô thị tương lai.
Từ khóa: quy hoạch giao thông, cách mạng công nghiệp, đô thị, phát triển đô thị.
Abstract.
Due to the rapid development of applied science and technology, urban areas have been created and changed, as well as society's superstructure and infrastructure. Transport system plays an important role in urban areas with many aspects including socio-economic development, decision on the form of spatial development structure, land use and other urban technical infrastructure systems. The paper presents generations of urban, urban development trends; generations of transportation planning and forecast of transportation planning in future cities.
Keywords: Transportation planning, industrial revolutions, urban area, urban development.
1. Các khái niệm, thuật ngữ
- Quy hoạch: là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. [1]
- Đô thị: là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.[2]
- Quy hoạch đô thị: là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. [2]
- Quy hoạch giao thông đô thị: là việc xác định quỹ đất dành cho xây dựng và phát triển giao thông, vị trí, quy mô công trình đầu mối; tổ chức hệ thống giao thông đô thị trên mặt đất, trên cao và dưới mặt đất; xác định phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn giao thông. [2]
- Cách mạng công nghiệp: là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa, kỹ thuật.
Theo Cambrige Dictionary, cách mạng công nghiệp được định nghĩa là “những thay đổi trong sản xuất và vận chuyển bắt đầu với tiểu thủ công nghiệp được thay thế bằng máy móc trong các nhà máy có quy mô rộng lớn hơn”.
Nhân loại đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp mang tính lịch sử: cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX với đặc trưng là việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất; cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX với đặc trưng là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn; cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XX với đặc trưng của việc sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu từ đầu thế kỷ XXI với đặc trưng của internet ngày càng phổ biến và di động, trí tuệ nhân tạo.
- Đô thị X.0: Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đã tác động sâu, mạnh đến mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật và môi trường. Tương ứng với mỗi thời kỳ thay đổi này sẽ sản sinh ra đô thị với hình thái, quy mô, tính chất phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong bài viết, thuật ngữ “đô thị X.0” là đô thị tương ứng với các cuộc cách mạng công nghiệp đã, đang và sẽ diễn ra.
2. Lịch sử hình thành và phát triển đô thị X.0
Lịch sử tiến hóa của xã hội loài người đã hình thành từ hàng triệu năm trước công nguyên. Con người đã trải qua các thời kỳ văn minh từ nguyên thủy, văn minh nông nghiệp cho đến văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp. Mỗi thời kỳ gắn liền với sự phát triển, tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm thay đổi quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất; kéo theo đó làm thay đổi tập quán, lối sống của người dân; hình thức sinh sống tập trung từ quần cư tới cụm, xóm, thôn, làng cho đến đô thị. Phải đến thế kỷ XVIII, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đô thị thực sự mới hình thành theo đúng nghĩa là nơi tập trung dân cư đông đúc chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp… Cho đến nay, lịch sử nhận loại đã chứng kiến 4 cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang diễn ra làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội loài người, trong đó có đô thị. Mỗi cuộc cách mạng đã tạo ra một dạng hình thái đô thị tương ứng..
2.1. Đô thị 1.0
Đô thị 1.0 gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được đánh dấu bởi dấu mốc quan trọng là phát minh ra động cơ hơi nước. Phát minh vĩ đại này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ XIX lan rộng từ Anh đến Châu Âu, Hòa Kỳ và các nước trên thế giới; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí, cơ giới hóa. Trong giai đoạn này, các đô thị bắt đầu phát triển mạnh mẽ về quy mô dân số cũng như các chức năng đô thị. Tuy nhiên, đô thị vẫn chỉ phát triển tự phát ở dạng quần cư, tập trung tại các khu vực có điều kiện thuận lợi phát triển như khu vực cảng, các khu vực có khả năng khai thác công nghiệp… Kết nối giữa các khu vực chức năng trong đô thị chỉ là hệ thống đường đất cho phương tiện phi cơ giới (xe ngựa và đi bộ); kết nối đô thị và đô thị là hệ thống đường xe lửa và đường đất. Đây là giai đoạn khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các thế hệ đô thị tiếp theo.
Bảng 1: Dân số các đô thị lớn qua các giai đoạn [3] (Đơn vị: ngàn người)
Thành phố |
Năm |
|||
1800 |
1850 |
1900 |
1920 |
|
London |
865 |
2.363 |
4.536 |
4.483 |
Paris |
545 |
1.053 |
2.714 |
2.806 |
Berlin |
172 |
419 |
1.889 |
4.024 |
New York |
79 |
696 |
3.437 |
5.620 |
2.2. Đô thị 2.0
Đô thị 2.0 gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép và đặc biệt là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp này đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn nữa.
Giai đoạn này các đô thị phát triển cực kỳ mạnh mẽ, song song với quá trình công nghiệp hóa. Văn minh đô thị phát triển nhanh chóng, sự tập trung sản xuất và dân cư đã tạo nên các đô thị lớn và cực lớn (xem bảng 1). Cơ cấu đô thị phức tạp hơn. Đặc trưng trong thời kỳ này là sự phát triển thiếu kiếm soát của các thành phố, dẫn tới tình trạng lộn xộn, vô nguyên tắc, ô nhiễm tiếng ồn và bụi bẩn... Một loạt các mô hình phát triển đô thị được nghiên cứu, ứng dụng nhằm khắc phục những vấn đề này, hướng tới một đô thị tốt đẹp hơn (xem bảng 2). Tuy nhiên, việc áp dụng và xây dựng chắp vá nên hiệu quả của các mô hình này đem lại chưa thực sự như mong muốn.
Bảng 2: Các mô hình đô thị từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa cuối thể kỷ XX [4]
TT |
Tên mô hình |
Tính chất, chức năng |
Thời gian |
Các thành phố áp dụng |
1 |
Thành phố lý tưởng (Cities of Imagination |
Viễn cảnh tương lai cho các thành phố mà trong đó thỏa mãn mọi hoạt đông của con người |
1880 – 1987 |
|
2 |
Thành phố sôi động về đêm (The city of Dreadful Night) |
Thành phố với nhiều khu nhà ổ chuột và tệ nạn xã hội |
1880 -1900 |
London, Paris, New York, Berlin |
3 |
Thành phố đa dạng với nhiều màu sắc sặc sỡ (The city By-Pass Variegated) |
Thành phố với mạng lưới giao thông nhanh nối liền trung tâm đô thị với khu vực ngoại thành |
1900 – 1940 |
London, Paris, New York, Berlin |
4 |
Thành phố vườn (The Garden city |
Kết hợp những đặc điểm tốt nhất của thành thị và nông thôn vào trong một thành phố |
1900 - 1940 |
London, Paris, New York, Berlin |
5 |
Thành phố trong vùng (The city in the Region) |
Hình thành quy hoạch vùng để định hướng phát triển đô thị |
1900 – 1940 |
Edinburgh, London, New York |
6 |
Thành phố tượng đài (The city of Monument) |
Các thành phố gắn liền với tượng đài của danh nhân, sự tích… gắn liền với lịch sử, truyền thuyết… cùng với nhiều vườn hoa, công viên |
1900 - 1940 |
Chicago, New Delhi, Moscow, Berlin… |
7 |
Thành phố tháp (The city of towers) |
Thành phố có quy hoạch mạng lưới hình tia, hình nan quạt |
1920 – 1970 |
Paris, Chadigarh, Brasilia, London, St Louis |
8 |
Thành phố bình đẳng cộng đồng (The city of Sweat Equity) |
Thành phố mang tính đặc thù của một nền tự trị trên cơ sở cộng đồng |
1890 – 1987 |
Ediburh, Indore, Lima, Berkeley, Macclesfield |
9 |
Thành phố với những đường cao tốc (The city of Highway) |
Thành phố với mạng lưới đường cao tốc dùng nhiều phương tiện giao thông xe bus để chuyên chở khách từ trong nội thành ra ngoại thành một cách nhanh chóng nhất, tiên nghi nhất |
1920 – 1987 |
Long Island, Wicosin, Los Angeles, Paris… |
10 |
Thành phố lý thuyết (The city of theory) |
Thành phố khoa học, thành phố hàn lâm, thành phố của các trường đại học |
1955 – 1987 |
Philadenphia, Manchester, California |
11 |
Thành phố của những doanh nghiệp vừa và nhỏ (The city of Enterprise) |
Phân biệt chức năng rõ ràng giữa các khu vực theo thứ bậc sang hèn rõ rệt |
1975 – 1987 |
Baltimore, Hongkong, London |
12 |
Thành phố thứ cấp (The city of the Permanent – The Enduring Slum) |
Nhiều khu ổ chuột trong các đô thị lớn |
1920 – 1987 |
Chicago, St Louis, London |
2.3. Đô thị 3.0
Đô thị 3.0 gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XX. Cuộc cách mạng công nghiệp này gắn liền với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ thông tin đã làm cho thế giới như “nhỏ hơn”, kết nối về mọi mặt dễ dàng và thuận tiện hơn. Từ sau Thế chiến lần 2, cả thế giới bước vào công cuộc tái thiết. Quá trình công nghiệp hóa kéo theo quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, sự liên kết về mặt không gian dần không còn là vấn đề, dẫn tới việc hình thành các “siêu đô thị” với quy mô trên 10 triệu dân (theo số liệu của Thomas Brinkhoff: Major Agglomerations of the World, http://www.citypopulation.de, tính đến tháng 1 năm 2019 toàn thế giới có 34 đô thị trên 10 triệu dân và 575 đô thị trên 1 triệu dân). Đây là xu hướng phát triển tất yếu của đô thi, tuy nhiên để giải quyết các hậu quả của quá trình phát triển này là mối thách thức đối với các nhà quản lý, nhà quy hoạch. Và trong hơn nửa thập kỷ qua, đã chứng kiến các mô hình đô thị mới nhằm giải quyết các vấn đề này, như: thành phố sinh thái, sinh thái thành phố, thành phố giao lưu, thành phố công nghệ thông tin, thành phố theo lứa tuổi, thành phố di sản, thành phố dưới mặt đất và dưới lòng đại dương, đô thị bền vững, đô thị nén, thành phố thông minh…
2.4. Đô thị 4.0
Đô thị 4.0 gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra đầu thế kỷ XXI được hình thành từ những thành tựu to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba để lại, với xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống kết nối internet (IoS), Bigdata, công nghệ nano…[5]
Kế thừa, phát huy những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và hệ thống đô thị 3.0, những năm gần đây, với những bước tiến mạnh mẽ về khoa học con người đã dần ứng dụng vào quy hoạch và xây dựng hệ thống đô thị mới – đô thị tương lai – đô thị thế hệ 4.0 – đô thị thông minh với nền tảng các tiêu chí chủ yếu: quản lý thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, giao thông thông minh, cuộc sống thông minh, con người thông minh. Trong một tương lai không xa, khi mà công nghệ kết nối thực tế áo, trí tuệ nhân tạo… phát triển vượt bậc sẽ giải phóng hoàn toàn sức lao động của con người; phá vỡ mọi quan niệm về khoảng cách không gian và thời gian; làm thay đổi quan điểm khái niệm về đô thị, các khu chức năng và hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện nay. Không gian đô thị không chỉ gói gọn trong không gian mặt đất, trên mặt đất mà còn bao gồm cả không gian dưới mặt đất và đại dương. Việc mở rộng đô thị không làm ảnh hưởng đến khu vực nông thôn, khu vực cảnh quan sinh thái tự nhiên…
2.5. Nhận xét sự phát triển đô thị hướng tới đô thị X.0
Như vậy, trải qua các thời kỳ phát triển đô thị từ 1.0 đến 4.0; các đô thị xuất phát từ điểm tập trung dân cư có mật độ thưa thớt với mục đích sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, qua các thời kỳ đã hình thành lên các siêu đô thị với quy mô lên đến hàng chục triệu dân và diện tích trên bề mặt đất ngày càng mở rộng. Với các đô thị 1.0, khi tốc độ đô thị hóa chậm, công tác xây dựng đô thị chưa cao thì diện tích đất tự nhiên tương đối lớn, không gian cây xanh còn nhiều, đảm bảo điều kiện vi khí hậu và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, tốc độ xây dựng đô thị diễn ra mạnh mẽ trên mặt đất trong các thời kỳ đô thị tiếp (2.0,3.0) thì diện tích đất tự nhiên, các khu vực cảnh quan sinh thái tự nhiên bị thu hẹp nhanh chóng, không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị nén chặt trong các siêu đô thị (xem hình 1 với ví dụ minh họa của thủ đô Tokyo); cuộc sống con người trở nên ngột ngạt hơn. Đến giai đoạn đô thị 3.0 gần đây và tiếp theo là đô thị 4.0, xu hướng khai thác không gian ngoài mặt đất để mở rộng diện tích xây dựng đô thị mà không cần mở rộng ranh giới đang được nghiên cứu cùng với các lý thuyết về đô thị nén, đô thị xanh bền vững, đô thị định hướng theo phát triển giao thông, đô thị thông minh… nhằm xây dựng một đô thị tương lai mà trong đó con người sinh sống, làm việc chủ yếu ở không gian ngoài mặt đất; trả lại diện tích bề mặt đất cho không gian sinh thái tự nhiên, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng…
3. Quy hoạch giao thông trong các thời kỳ phát triển đô thị
Trong quá trình phát triển của đô thị cùng với phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ, phương tiện, phương thức giao thông vận tải cũng được cải tiến nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội. Những yếu tố này đã làm thay đổi góc nhìn cũng như lý thuyết về quy hoạch giao thông.
3.1. Quy hoạch giao thông thời kỳ đô thị 1.0
Giao thông trong thời kỳ này tương ứng với giai đoạn phát triển đô thị 1.0. Đặc điểm giao thông của giai đoạn thế kỷ XVIII là dùng sức kéo bằng ngựa chạy trên đường phố. Với quy mô và tốc độ phát triển đô thị chậm, phương thức và phương tiện giao thông bằng xe ngựa hoàn toàn phù hợp.
Đến đầu thế kỷ XIX, tốc độ phát triển đô thị diễn ra nhanh chóng về quy mô và số lượng, các phát minh khoa học về động cơ hơi nước được áp dụng rộng rãi. Trong giai đoạn này, giao thông đường ray xe lửa chạy bằng động cơ hơi nước xuất hiện và giảm dần số lượng xe ngựa trong giao thông hành khách đường phố.
Giai đoạn này gọi là giai đoạn đường xe ngựa và đường sắt. Hệ thống mạng lưới giao thông vẫn còn thô sơ. Đường sắt, đường thủy, đường bộ phát triển song song nhưng vẫn còn ở mức độ sơ sài do khoa học công nghệ cũng như nhu cầu của người dân vẫn chưa cao. Kết nối trong đô thị chủ yếu bằng phương tiện giao thông phi cơ giới (đi bộ và xe ngựa). Lý thuyết về quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông chưa phát triển, mạng lưới giao thông được đầu tư, xây dựng theo nhu cầu tự phát kết nối giữa các khu vực chức năng cũng như giữa đô thị với đô thị.
3.2. Quy hoạch giao thông thời kỳ đô thị 2.0
Giao thông trong thời kỳ này tương ứng với giai đoạn phát triển đô thị 2.0. Đặc điểm giao thông của giai đoạn này là sử dụng động cơ đốt trong và động cơ điện gắn liền với sự phát triển bùng nổ của phương tiện ô tô và nền móng cho hệ thống giao thông ngoài mặt đất (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao). Sự thay thế phương tiện xe ngựa bằng các phương tiện giao thông cơ giới thuận tiện hơn, kết nối dễ dàng hơn là xu hướng phát triển tất yếu trong tiến trình phát triển của khoa học kỹ thuật. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, lý thuyết quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông nói riêng được nghiên cứu triển khai nhằm giải quyết các hậu quả của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra. Các lý thuyết, sổ tay hướng dẫn về quy hoạch giao thông đô thị, mạng lưới giao thông, khối lượng giao thông và dòng hành khách, hệ thống giao thông đối ngoại, mạng lưới đường phố, tổ chức và điều khiên giao thông đường phố… được nghiên cứu và ban hành. Tuy nhiên, với quy mô dân số đô thị quá đông, mật đô dân cư tăng nhanh, sự bùng nổ phương tiện giao thông phi cơ giới cá nhân đã dẫn tới tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Liên kết trong đô thị chủ yếu bằng giao thông trên mặt đường phố (ô tô và tàu điện) và một phần giao thông ngoài mặt đường phố (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao). Không gian đô thị trở nên chật chội trong quy mô diện tích hữu hạn trên mặt đất. Giao thông phi cơ giới dần bị hạn chế.
3.3. Quy hoạch giao thông thời kỳ đô thị 3.0
Giao thông trong thời kỳ này tương ứng với giai đoạn phát triển đô thị 3.0. Đặc điểm giao thông của giai đoạn phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện về phương tiện cũng như phương thức và tốc độ. Chỉ tiêu ô tô/1.000 dân như là một chỉ tiêu đánh giá sự phát triển hưng thịnh của các đô thị trên thế giới. Ô tô bus dần làm suy yếu và thay thế tàu điện trên các đường ray trong vận tải hành khách công cộng trên đường phố; tàu điện ngầm chiếm vai trò trọng yếu trong vận tải hành khách tại các đô thị trên 1 triệu dân. Sự xung đột giao thông ngày càng tăng giữa các phương thức vận tải trong đô thị là cơ sở để phát triển hệ thống giao thông ngoài mặt đất. Ngoài các khu vực chức năng của đô thị, diện tích bề mặt đất còn lại được sử dụng để xây dựng hệ thống giao thông đô thị, tuy nhiên vẫn không theo kịp được sự phát triển của đô thị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và giao thông nói riêng luôn đặt trong tình trạng quá tải, dẫn tới ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Từ cuối thế kỷ XX, con người đã hướng tới khai thác không gian ngầm để tăng diện tích đô thị mà không cần mở rộng ranh giới hành chính: một số công trình tiện ích công cộng được xây dựng dưới lòng đất, các công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngầm. Diện tích bề mặt được giải phóng và sử dụng cho xây dựng công viên, giao thông, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu… Các công nghệ tiên tiến được áp dụng trong quản lý và vận tải như carsharing, uber, grab… tuy nhiên hiện tượng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra.
Đầu thế kỷ XX, xu hướng xây dựng thành phố dành cho người đi bộ, thành phố không khói bụi hay thành phố dành cho người đi xe đạp, thành phố vắng bóng ô tô diễn ra mạnh mẽ. Tiêu biểu như: tại Helsiky, thủ đô của Phần Lan đã ra quyết định hướng tới thành phố vắng bóng ô tô vào năm 2025; thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã chuyển đổi và phát triển hệ thống giao thông xanh từ những năm 1970, đến nay Copenhagen là thành phố đi xe đạp nổi tiếng với 40% dân số đi làm bằng xe đạp [6];Tokyo, thủ đô của Nhật Bản với quy hoạch đô thị theo định hướng TOD gắn liền với hệ thống đường sắt cũng đã quay lại với giao thông phi cơ giới thông qua các pháp lệnh về quy hoạch và các chiến dịch tuyên truyền quảng bá phương thức ưu tiên đi bộ và đi xe đạp, dự kiến đến năm 2021 tổng số km đường đi xe đạp khoảng 221km [8].
3.4. Quy hoạch giao thông thời kỳ đô thị 4.0
Giao thông trong thời kỳ này tương ứng với giai đoạn phát triển đô thị 4.0. Đặc điểm giao thông trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý và vận tải. Giao thông vận tải khối lượng lớn ngoài mặt đường phố sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ các công nghệ tiên tiến; phương tiện cơ giới cá nhân sẽ dần bị hạn chế; thời đại xăng dầu sẽ dần được thay thế bằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; không gian trên mặt đất được ưu tiên cho phương tiện phi cơ giới, phương tiện sử dụng năng lượng sạch, phương tiện công cộng không người lái và đi bộ… Như vậy trong giai đoạn này, các lý thuyết về quy hoạch giao thông cần thay đổi và nghiên cứu lại bởi những thay đổi về phương thức, phương tiện, quỹ đất và không gian (bên trên, bên dưới và mặt đất) xây dựng giao thông…
3.5. Nhận xét sự phát triển của quy hoạch giao thông qua các thời kỳ đô thị
Giao thông phát triển gắn liền với tiên tiến của khoa học qua các thời kỳ, từ phương tiện thô sơ tới phương tiện sử dụng động cơ hơi nước, phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, phương tiện sử dụng điện, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện không người lái… Phương tiện và phương thức di chuyển ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác quy hoạch giao thông. Khi quỹ đất đô thị không còn nhiều, tình trạng ô nhiễm môi trường giao thông xảy ra cùng với ùn tắc ngày càng nghiêm trọng thì quy hoạch giao thông cũng dần tìm những hướng đi mới.Giao thông trên mặt đất lại quay về với điểm xuất phát ban đầu trong điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật – ưu tiên sử dụng phương tiện phi cơ giới thế hệ mới; hệ thống giao thông cơ giới được sử dụng ở những tầng, những chiều đô thị khác (dưới lòng đất, trên cao). Xu hướng này cũng phù hợp với quá trình phát triển của xã hội loài người để tạo ra một môi trường sống trong lành, hài hòa với thiên nhiên và bền vững.
4. Dự báo quy hoạch giao thông trong đô thị X.0 – Đô thị tương lai
Qua tổng hợp, phân tích và đánh giá có thể nhận thấy đô thị đang phát triển theo hướng thẳng đứng. Quỹ đất bề mặt quá tải trong khi nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, không gian sinh thái tự nhiên không còn thì việc khai thác không gian ngầm và không gian trên cao nhằm trả lại mặt đất cho mục đích tự nhiên và công cộng phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ phát triển áp dụng vào mọi vấn đề của đô thị sẽ tạo nên những đô thị thông minh. Trung tâm đô thị sẽ được xây dựng với mô hình đô thị nén theo hướng TOD của hệ thống giao thông ngầm; các công trình trung tâm thiết kế và xây dựng theo xu hướng chiếm ít diện tích sử dụng đất trên mặt đất mà sử dụng không gian trên cao (công trình dạng hình nấm, kim tự tháp ngược…); đồng thời khai thác không gian ngầm cho các chức năng ngoài chức năng ở của đô thị; các khu ở thấp tầng được xây dựng theo tiêu chuẩn nhà vườn và bố trí ở ngoại ô và ngăn cách với khu trung tâm bằng các vành đai xanh... Đây chính là mô hình phát triển đô thị tương lai – đô thị X.0.
Không gian đô thị thay đổi, chức năng và vị trí khu chức năng thay đổi cùng với tiến bộ khoa học trong mọi mặt đời sống và trong cải tiến phương tiện giao thông sẽ làm thay đổi phương thức di chuyển cũng như lý thuyết quy hoạch giao thông. Quy hoạch giao thông đô thị sẽ phân chia thành các tầng bậc, thứ tự ưu tiên khác nhau, đồng thời kết nối hài hòa giữa chúng: giao thông trên cao, giao thông trên mặt đất, giao thông ngầm, giao thông thẳng đứng. Việc khai thác các chiều không gian khác của đô thị để trả lại không gian mặt đất cho môi trường tự nhiên đồng nghĩa với giao thông trên mặt đất sẽ chủ yếu xây dựng hệ thống giao thông xanh, giao thông phi cơ giới và thân thiện với môi trường. Không gian trên cao và không gian ngầm sẽ được xây dựng ưu tiên cho các phương tiện cơ giới cá nhân và công cộng vận tải hành khách với khối lượng lớn. Giao thông theo phương thẳng đứng sẽ có chức năng kết nối giữa các tầng giao thông, tại đây cũng sẽ hình thành nên các trung tâm TOD của đô thị.
Xu hướng đô thị và quy hoạch giao thông đô thị X.0 – đô thị tương lai được mô hình hóa trong hình 2.
5. Kết luận
Quá trình hình thành và phát triển đô thị qua bất cứ giai đoạn nào cũng đều hướng tới nhân tố con người. Trong tất cả các hình thái đô thị này, yếu tố giao thông luôn được đặt lên hàng đầu với vai trò là huyết mạch kết nối đô thị, đô thị với đô thị và quốc gia với quốc gia. Khi mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, thành tựu ứng dụng vào phát triển giao thông là sự phát triển tất yếu khách quan để hướng tới một đô thị xanh, thông minh và bền vững trong tương lai. Điều đầu tiên và quan trọng nhất bắt đầu từ công tác quy hoạch. Những phân tích, dự báo trong bài viết trên cơ sở khoa học hình thành và phát triển đô thị, giao thông đô thị đã đưa ra góc nhìn mới về đô thị, giao thông và quy hoạch giao thông cho đô thị tương lai.
Tài liệu tham khảo