TS. Nguyễn Văn Minh
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia
Tóm tắt
Giao thông thông minh (ITS) đang được các Bộ, ngành và UBND các địa phương triển khai, nghiên cứu, xây dựng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Vấn đề này đã được các nước trên thế giới nghiên cứu từ những năm 60 của thế kỷ 20, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu. Nhiều nghiên cứu, hội thảo được tổ chức nhưng những kết quả đạt được vẫn còn hạn chế và rời rạc. Để xây dựng một đô thị thông minh với hệ thống giao thông thông minh bao giờ cũng bắt đầu từ công tác quy hoạch. Bài viết trình bày tổng quan về hệ thống ITS và quy hoạch ITS và mối liên hệ với quy hoạch đô thị (QHĐT) mà trong đó ngoài nội dung quy hoạch truyền thống cần tích hợp một số nội dung mới về quy hoạch ITS để đáp ứng cho xây dựng và quản lý thành phố trong thời đại mới.
Abstract.
Intelligent Transportation Systems (ITS) is being developed, researched and built by ministries, agencies and local authorities to solve the problem of traffic congestion. This issue has been studied by countries around the world since the 60s of the 20th century, but in Vietnam it is still in the early stages. The article presents an overview of the ITS and ITS planning and the relationship with urban planning in which in addition to the traditional planning content, it is necessary to integrate some new contents of ITS planning to meet the construction requirements building and managing the city in a new age.
Từ khóa: Quy hoạch đô thị, Quy hoạch giao thông, hệ thống giao thông thông minh, tích hợp quy hoạch.
Keywords: Urban planning, Transportation planning, Intelligent Transportation Systems, Intergrated planning
1. Tổng quan về ITS và quy hoạch ITS.
ITS có thể định nghĩa là ứng dụng của công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lý xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa trong thời gian thực; giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông.
Chức năng chính của ITS là quản lý, vận hành, giám sát và cung cấp các dịch vụ về giao thông vận tải; đảm bảo giao thông thông suốt, thuận tiện và an toàn (xem hình 1). Như vậy, quy hoạch hệ thống giao thông thông minh cần lấy Trung tâm quản lý giao thông là đơn vị chính để kết nối giao thông đa phương tiện; hệ thống giám sát giao thông, thu phí điện tử, đèn tín hiệu, điều khiển giao thông… Thông qua Trung tâm, với hệ thống quản lý thông minh cung cấp cho người tham gia giao thông những thông tin kịp thời và chính xác nhất để lựa chọn hành trình, loại phương tiện tham gia…
Theo tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), dịch vụ ITS cung cấp cho người sử dụng bao gồm 11 nhóm và 44 dịch vụ cơ bản (xem bảng 1). Người sử dụng bao gồm các cá nhân, chủ các đoàn xe, chủ doanh nghiệp, chủ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông… Các dịch vụ này được điều phối, cung cấp một cách thống nhất bởi trung tâm quản lý giao thông.
Bảng 1. Dịch vụ cho người sử dụng của ITS (nguồn: ISO).
TT |
Nhóm dịch vụ cho người sử dụng |
Dịch vụ cho người sử dụng |
1 |
Dịch vụ thông tin hành khách |
Thông tin trước chuyến đi |
Thông tin trong chuyến đi |
||
Thông tin dịch vụ chuyến đi |
||
Xác định vị trí và hướng dẫn lộ trình – Trước chuyến đi |
||
Xác định vị trí và hướng dẫn lộ trình – Trong chuyến đi |
||
Hỗ trợ lập kế hoạch cho chuyến đi |
||
2 |
Dịch vụ vận hành và quản lý giao thông |
Kiểm soát và quản lý giao thông |
Quản lý biến cố liên quan tới vận tải |
||
Quản lý nhu cầu |
||
Quản lý bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông |
||
Duy trì trật tự/ cưỡng chế |
||
3 |
Dịch vụ phương tiện |
Nâng cao tầm nhìn |
Tự động hóa vận hành phương tiện |
||
Tránh sự va chạm, xung đột |
||
Đảm bảo an toàn |
||
Hạn chế trước sự cố |
||
4 |
Dịch vụ vận tải hàng hóa |
Trước khi cho cấp phép chính thức phương tiện thương mại |
Các quá trình hành chính liên quan tới phương tiện thương mại |
||
Thanh tra an toàn bên đường một cách tự động hóa |
||
Giám sát an toàn các phương tiện thương mại |
||
Quản lý đoàn vận tải hàng hóa |
||
Quản lý thông tin vận tải liên hợp |
||
Quản lý và kiểm soát các trung tâm vận tải liên hợp |
||
Quản lý những vận tải nguy hiểm |
||
5 |
Dịch vụ giao thông công cộng |
Quản lý giao thông công cộng |
Giao thông chia sẻ và giao thông theo yêu cầu |
||
6 |
Dịch vụ khẩn cấp |
Giao thông liên quan đến những cảnh báo khẩn cấp và an ninh cá nhân |
Khôi phục sau khi xe bị trộm |
||
Quản lý phương tiện dùng trong trường hợp khẩn cấp |
||
Cảnh báo sự cố và những vật liệu nguy hiểm |
||
7 |
Dịch vụ chi trả điện tử có liên quan đến giao thông |
Giao thông liên quan đến những giao dịch tài chính điện tử |
Sự hợp nhất của giao thông liên quan tới dịch vụ chi trả điện tử |
||
8 |
An toàn cá nhân có liên quan đến giao thông đường bộ |
An ninh di chuyển chung |
Nâng cao an toàn cho người có thể bị hại khi tham gia giao thông |
||
Nâng cao an toàn cho người tàn tật tham gia giao thông |
||
Cung cấp an toàn cho người đi bộ bằng việc sử dụng ngã tư và đường dẫn thông minh |
||
9 |
Dịch vụ giám sát các điều kiện môi trường, thời tiết |
Giám sát thời tiết |
Giám sát điều kiện môi trường |
||
10 |
Dịch vụ liên kết và quản lý phản ứng lại các thảm họa |
Quản lý số liệu thảm họa |
Quản lý phản ứng lại thảm họa |
||
Sự hợp tác với các cơ quan khẩn cấp |
||
11 |
Dịch vụ an ninh quốc gia |
Dịch vụ an ninh quốc gia |
Giám sát và kiểm soát các phương tiện khả nghi |
||
Giám sát các tiện ích, kết cấu và hệ thống đường ống |
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và phát triển ITS, các nhà đô thị học đã tổng hợp những dịch vụ ưu tiên của ITS theo quy mô đô thị. Đây là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để áp dụng xây dựng hệ thống ITS cho các đô thị thông minh.
Bảng 2. Lựa chọn các dịch vụ ITS phù hợp với quy mô thành phố [4].
Nhóm dịch vụ cho người sử dụng |
Dịch vụ cho người sử dụng |
Ví dụ |
Thành phố nhỏ (< 500 nghìn người) |
Thành phố trung bình (500 nghìn – 1,5 triệu) |
Thành phố lớn (> 1,5 triệu người) |
Thông tin hành khách |
Thông tin trước chuyến đi, thông tin người lái trong chuyến đi, thông tin phương tiện giao thông công cộng |
Các loại hình công nghệ/ hệ thống |
Không |
Có |
Có |
|
Dịch vụ thông tin cá nhân |
Các loại hình công nghệ/ hệ thống |
Không |
Không |
Có |
|
Xác định hướng và dẫn đường |
Hệ thống xác định hướng có trong xe |
Không |
Không |
Có |
Quản lý giao thông |
Hỗ trợ lập kế hoạch giao thông |
Mô hình nhu cầu giao thông đô thị, mô hình mô phỏng giao lộ, hệ thống GIS cho quản lý dữ liệu về địa lý |
Chỉ những ứng dụng rất đơn giản |
Có |
Có |
|
|
Điều khiển giao thông đô thị (UTC) hay điều khiển giao thông vùng (ATC) |
Có, nhưng những tín hiệu thời gian cố định đơn giản có vẻ thích hợp với máy tính liên kết như các thành phố phát triển |
Có. Những tín hiệu thời gian cố định |
Có. UTC năng động (đáp ứng nhu cầu cần thiết) |
|
|
CCTV – Hệ thống camera quan sát |
Có |
Có |
Có |
|
|
VMS – tín hiệu tin biến đổi – cung cấp thông tin hành khách |
Không |
Có |
Có |
|
|
VSL – tín hiệu tốc độ giới hạn biến đổi và hỗ trợ luật |
Không |
Có |
Có |
|
|
Vòng quanh cảm ứng (ở vỉa hè), hồng ngoại (ở trên) hay qua thị giác nhờ camera thông minh (ở trên) để phát hiện xe |
Có |
Có |
Có |
|
|
AID - Hệ thống phát hiện sự cố tự động, bao gồm cả xác định ùn tắc |
Không |
Có |
Có |
|
|
Bảng led tí hiệu giao thông và dấu hiệu quy định |
Có |
Có |
Có |
|
Quản lý sự cố |
Sự phát hiện và xác minh sự cố và ùn tắc, sử dụng CCTV và được kiểm tra bởi trung tâm điều khiển |
Có |
Có |
Có |
|
Quản lý nhu cầu |
AVI – tự động nhận dạng phương tiện |
Không |
Không |
Có |
|
|
Thanh toán/ chi trả điện tử |
Có |
Có |
Có |
|
Kiểm soát/ tăng cường các quy định giao thông |
Các loại hình công nghệ/ hệ thống |
Có |
Có |
Có |
|
Quản lý việc bảo trì cơ sở hạ tầng |
Các loại hình công nghệ/ hệ thống |
Có |
Có |
Có |
Vận tải hàng hóa |
Quy trình quản lý và tiền thông quan các phương tiện vận tải thương mại |
Trao đổi dữ liệu điện tử |
Không |
Không |
Có |
|
Quản lý đoàn xe vận tải thương mại |
Hệ thống quản lý đoàn xe vận tải trực tuyến (FMS) |
Không |
Có |
Có |
Giao thông công cộng |
Quản lý giao thông công cộng |
Hệ thống quản lý đoàn xe vận tải trực tuyến (FMS) |
Không |
Có |
Có |
Quản lý trường hợp khẩn cấp |
Thông báo khẩn cấp và an toàn cá nhân |
CCTV – hệ thống camera quan sát |
Không |
Có |
Có |
|
Quản lý xe cộ khẩn cấp |
Hệ thống quản lý đoàn xe vận tải trực tuyến (FMS) |
Không |
Có |
Có |
|
Vật liệu nguy hiểm và thông báo sự cố |
Hệ thống quản lý đoàn xe vận tải trực tuyến (FMS) |
Không |
Có |
Có |
Chi trả điện tử |
Giao dịch tài chính điện tử |
Các loại hình công nghệ/ hệ thống |
Không |
Có |
Có |
An toàn |
Tăng cường an toàn cho người đi đường dễ bị tổn thương |
Vạch qua đường thông minh cho người đi bộ |
Không |
Có |
Có |
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ việc quản lý dòng phương tiện trở nên phổ biến trong hơn nửa thế kỷ qua. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu hệ thống giao thông thông minh đầu tiên với việc điều khiển hệ thống tín hiệu đèn giao thông. Không lâu sau đó, một số quốc gia Châu Âu, Châu Á (đặc biệt là Nhật Bản) cũng bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực này.
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển ITS, để triển khai thành công ITS trong giao thông đô thị nói riêng và giao thông vận tải quốc gia nói chung, các nước tiên phong đã thành lập các tổ chức ITS thống nhất, có vai trò, chức năng nghiên cứu, lập kế hoạch phát triển và ứng dụng hệ thống ITS. Các kế hoạch phát triển ITS được lồng ghép trong khung quy hoạch chiến lược phát triển đô thị của từng nước, để từ đó đề xuất các chương trình hoạt động cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật. Ví dụ tại Mỹ, Bộ Giao thông vận tải (DOT) phối hợp với tổ chức ITS America lập quy hoạch quốc gia về chương trình ITS thành 3 phần riêng biệt: Quy hoạch cho chương trình trong tầm nhìn 5 năm; Quy hoạch cho chương trình tầm nhìn 10 năm; Chiến lược triển khai ITS tầm quốc gia. Tại Nhật Bản, ban đầu việc quản lý phát triển ITS do Chính phủ điều phối thông qua 4 Bộ trực thuộc, sau này phối hợp với nhau thành lập Hội đồng liên Bộ để nghiên cứu phát triển ITS thống nhất. Bên cạnh đó, cơ quan tư nhân (VERTIS – Vehicle, Road and traffic Intelligence society) trong lĩnh vực ITS của Nhật Bản, hiện nay là ITS Japan đã trở thành cơ quan cố vấn chính của Hội đồng Liên Bộ trong mọi lĩnh vực về ITS. Hội đồng Liên Bộ và ITS Japan đã nghiên cứu và đề xuất các khung tiêu chí, chính sách phát triển đối với ITS ở Nhật Bản [5]. Đến năm 1996, quy hoạch quốc gia về ITS đã được ban hành với sự đồng thuận của Chính phủ và các cơ quan chuyên môn - “Quy hoạch chiến lược về ITS ở Nhật Bản” – vạch ra con đường triển khai ITS ở nước này đến năm 2015.
Để đạt được những thành quả phát triển ITS như ngày nay; các nước đã nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí ITS làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xây dựng đồng bộ, thống nhất hệ thống ITS quốc gia. Bên cạnh đó, các quy hoạch về ITS luôn kế thừa, lồng ghép trong các quy hoạch chiến lược tổng thể quốc gia, đô thị. Việc áp dụng, ứng dụng hay phát triển công nghệ luôn đòi hỏi phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thực trạng quy hoạch phát triển ITS trong quy hoạch đô thị
2.1. Thực trạng quy hoạch giao thông trong quy hoạch đô thị
Hiện nay, quy hoạch giao thông đô thị được lồng ghép trong đồ án quy hoạch đô thị hoặc được lập riêng đối với đô thị trực thuộc Trung ương. Nội dung, yêu cầu đối quy hoạch phát triển hệ thống giao thông được quy định cụ thể trong luật quy hoạch và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan (QCVN 01:2008; TCVN 104:2007…), tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về phát triển ITS trong quy hoạch giao thông. Do đó, chưa có một quy hoạch tổng thể về đô thị trong đó có định hướng phát triển ITS trong phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, bền vững, dẫn tới việc triển khai xây dựng, ứng dụng ITS trong hệ thống đô thị Việt Nam vẫn còn manh mún và chưa thực sự hiệu quả.
Việc nghiên cứu ITS đã được thực hiện trong thời gian qua và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào quá trình triển khai thực tiễn. Các viện nghiên cứu, trường đại học, các công ty công nghệ đều có những nghiên cứu về vấn đề này. Năm 1999, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nghiên cứu áp dụng giao thông trí tuệ trong GTVT” với mục tiêu nghiên cứu hệ thống ITS trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam, đề xuất những ứng dụng ban đầu; đến năm 2009 Viện tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng ITS trong quản lý khai thác, điều hành giao thông và thu phí trên hệ thống đường ô tô cao tốc Việt Nam”. Trong Chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015, một số đề tài cấp nhà nước liên quan đến ITS đã được thực hiện như đề tài “Xây dựng cấu trúc ITS và các quy chuẩn công nghệ thông tin, truyền thông, điều khiển áp dụng trong ITS tại Việt Nam” (2012-2013); và đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị phương tiện và hệ thống tự động kiểm tra, giám sát, điều hành phục vụ cho an toàn giao thông đường bộ”. Ngoài ra, có thể kể đến một số nghiên cứu khác như “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ Tự động hóa” do trường Đại học GTVT Hà Nội thực hiện năm 2007-2010; và chuyên đề “Các yêu cầu về chất lượng dịch vụ trong mạng sử dụng ITS” của Học viện Bưu chính-Viễn thông và Viện Khoa học Kỹ thuật bưu điện. Đây là những nghiên cứu nền tảng, bước đầu trong lĩnh vực ITS tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những nghiên cứu của JICA (Nhật Bản) về lĩnh vực ITS có những đóng góp quan trọng trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng ITS tại Việt Nam. Các nghiên cứu của JICA tập trung vào tình hình thực tế và nhu cầu ứng dụng ITS của Việt Nam, qua 3 giai đoạn nghiên cứu: Điều tra nhu cầu, đề xuất lộ trình triển khai và quy hoạch tổng thể; Hỗ trợ triển khai ITS và nghiên cứu tích hợp ITS trong các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc Việt Nam. Trong đó bao gồm các hỗ trợ về xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực ITS [3].
Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển đô thị có tích hợp ITS trong quy hoạch giao thông đô thị nên cho đến nay những dự án, ứng dụng phát triển ITS vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
2.2. Thực trạng quy hoạch phát triển ITS tại các đô thị
Ở Việt Nam, ITS đã bắt đầu được triển khai ứng dụng trong những năm gần đây và cũng đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức tích cực.
Tính đến cuối năm 2018, theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hệ thống đường bộ nước ta có tổng chiều dài 570.448km, trong đó quốc lộ là 24.136km, đường cao tốc là 816km, đưởng tỉnh 25.741km, đường huyện 58.347km, đường đô thị 26.953km, đường xã 144.670km, đường thôn xóm 181.188km và đường nội đồng 108.597km. Giao thông trên các tuyến đường là giao thông hỗn hợp, với tỷ lệ phương tiện xe cơ giới cá nhân cao (theo thống kê, đến giữa năm 2018 tổng số phương tiện ô tô đang lưu hành là 3.769.126 xe, số xe máy đang lưu hành là 55.138.589 xe) [1]. Tốc độ tăng trưởng phương tiện lớn. Ý thức người tham gia giao thông còn một số hạn chế nhất định. Nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết như: tỷ lệ tai nạn giao thông còn cao, ùn tắc giao thông còn phổ biến tại các đô thị, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, hệ thống quản lý còn hạn chế, chất lượng và hiệu suất phục vụ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội...
Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Bộ GTVT đang thực hiện. Theo quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam, việc nâng cấp, xây dựng và phát triển hệ thống đường quốc lộ được quan tâm và ưu tiên thực hiện. Trong quá trình đó, việc ứng dụng ITS cũng được chú trọng và khẩn trương tiến hành nhằm xây dựng hệ thống giao thông an toàn, bền vững.
Quyết định 355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định GTVT là bộ phận quan trọng, một trong 3 khâu đột phá cần ưu tiên đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, các giai đoạn thực hiện phù hợp, theo định hướng hiện đại; đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; coi trọng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; mục tiêu là vận tải khối lượng hành khách chiếm 86% - 90%, vận chuyển hàng hóa đường bộ chiếm 65% - 70% [3].
Việt Nam đã có Lộ trình ứng dụng ITS, do Bộ GTVT ban hành, được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đến năm 2015, giai đoạn từ 2015 đến 2020 và giai đoạn từ 2020 đến 2030. Mục tiêu của lộ trình này là: Tiêu chuẩn hoá ITS toàn quốc; Quy hoạch và xây dựng các trung tâm điều hành và kiểm soát giao thông tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; và xây dựng hoàn thiện các ứng dụng, các hệ thống con ITS.
Một số dự án về ITS đã và đang được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng [2]:
- Tại Hà Nội, Trung tâm Điều khiển giao thông đã chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2000 với hệ thống thiết bị của hãng SAGEM điều khiển đèn tín hiệu giao thông do Chính phủ Pháp tài trợ. Có thể nói đây là ứng dụng đầu tiên của công nghệ ITS trong khu vực đô thị ở Việt Nam. Đến nay, trung tâm này đã được nâng cấp nhiều lần và vẫn đang hoạt động hiệu quả, góp phần giám sát, điều hành giao thông toàn thành phố. Đề án thí điểm xây dựng mô hình quản lý Đại lộ Thăng Long với sự hình thành của Trung tâm Quản lý đường cao tốc Hà Nội. Trung tâm này quản lý an toàn giao thông, tiếp cận xử lý tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa; quản lý hệ thống thông tin; thực hiện công tác bảo hành, sửa chữa… Trung tâm sẽ ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý như đếm, phân loại phương tiện giao thông tự động; hệ thống camera giám sát; hệ thống bảng thông báo điện tử; kiểm soát xe quá tải, quá khổ… Dự án REMON được triển khai tại Hà Nội với mục tiêu theo dõi và xác định trực tuyến lưu lượng giao thông đồng thời tạo ra nguồn dữ liệu giao thông cho cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Dự án này sử dụng các phương tiện giao thông được giám sát (tốc độ và hướng chuyển động), định vị qua hệ thống GPS để thu thập các số liệu và phản ánh tình trạng dòng giao thông, phát hiện các vị trí ùn tắc, qua đó cung cấp thông tin cho người sử dụng. Các thông tin thu thập phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông, đánh giá quy hoạch và các giải pháp tổ chức, điều khiển giao thông, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển dài hạn để giải quyết các vấn đề giao thông.
- Tại Đà Nẵng, Sở GTVT Đà Nẵng phối hợp với IBM xây dựng chương trình ITS cho toàn thành phố. Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP. Đà Nẵng tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, hỗ trợ giám sát, điều hành và giúp lực lượng công an giám sát các vi phạm và tiến tới thực hiện “xử phạt nguội”. Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông TP. Đà Nẵng thực hiện từ năm 2004 đến năm 2012 từ nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha, tiến hành điều khiển phối hợp các nút giao thông trên một số tuyến đường theo hình thức “làn sóng xanh”.
- Tại TP.HCM, trung tâm điều khiển giao thông cũng đã được xây dựng. Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt. Thành phố đang thực hiện chương trình “Ứng dụng Khoa học công nghệ giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2013-2015 tầm nhìn đến 2020” nhằm “Nghiên cứu thử nghiệm và đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ cho ITS nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu trên địa bàn thành phố, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông”.
Trong lĩnh vực giao thông công cộng, việc ứng dụng ITS cũng bắt đầu được nghiên cứu và triển khai thực hiện thông qua hệ thống biển báo điện tử cung cấp thông tin về khoảng cách xe đến trạm dừng cho hành khách (được lắp đặt tại các trạm xe buýt). Sắp tới, tại Hà Nội và TP.HCM, một số tuyến đường sắt đô thị sẽ được đưa vào khai thác và dự kiến sẽ sử dụng hệ thống thẻ thanh toán thông minh theo tiêu chuẩn công nghệ của Nhật Bản để phục vụ công tác mua vé. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang giúp hai thành phố này thực hiện dự án “Cải tạo giao thông công cộng” thí điểm sử dụng thẻ thông minh cho xe buýt.
Việc sử dụng hệ thống radio VOV giao thông trong việc thu thập, cung cấp thông tin, điều tiết giao thông đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực tại Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, hầm đường bộ Hải Vân. Đây là một phương thức đơn giản nhưng hiệu quả, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trong đô thị và các khu vực trọng điểm.
Như vậy, có thể thấy việc ứng dụng ITS tại Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng, các chính sách, chiến lược và sự ưu tiên đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực và tăng cường hợp tác, trao đổi với các nước trên thế giới để hoàn thiện và đẩy nhanh tiến trình ứng dụng ITS.
2.3. Nhận xét
Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá có thể nhận thấy những khó khăn, thách thức đối với việc ứng dụng ITS trong quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch giao thông nói riêng như sau:
- Thiếu hành lang pháp lý về tích hợp ITS trong quy hoạch giao thông nói riêng và quy hoạch đô thị nói chung. Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn ITS, việc triển khai xây dựng vẫn theo tiêu chuẩn của nước ngoài nên thiếu đồng bộ và có thể không phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Việc không có một quy hoạch tổng thể nên công việc triển khai cụ thể thiếu tính khoa học (không biết bắt đầu từ đâu, ứng dụng phát triển đối với hệ thống nào trước, xử lý vận tải hàng hóa hay hành khách…), các định hướng chồng chéo, khó khăn trong quản lý và đầu tư.
- Có nhiều nghiên cứu về ITS, tuy nhiên các nghiên cứu này rời rạc, độc lập và thiếu phối hợp dẫn đến hiệu quả nghiên cứu chưa cao. Hơn nữa, chưa có một tổ chức thống nhất chuyên phụ trách nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ITS tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng lớn đến định hướng, chiến lược và công tác điều hành quá trình nghiên cứu, triển khai ITS.
- Các đô thị triển khai ứng dụng theo nhu cầu của từng đô thị và theo mỗi tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài khác nhau nên việc đồng bộ trong cả nước là rất khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, khó có thể là hình mẫu để áp dụng để triển khai ở các đô thị khác.
- Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, kinh nghiệm triển khai nhiều dịch vụ ITS còn hạn chế (việc quản lý giao thông thường là công việc của cảnh sát giao thông, những người không có đủ trình độ như các kỹ sư giao thông. Các nhân viên cảnh sát thường chỉ tập trung nỗ lực trong việc cố gắng vận hành và cưỡng chế giao thông mà rất ít chú ý đến việc lập kế hoạch quản lý, thiết kế giao thông). Các phần mềm hay ứng dụng, kế hoạch phát triển đều mua và chuyển giao từ các nước mà chưa có thiết kế của Việt Nam nên chưa thực sự phù hợp với điều kiện nước ta.
3. Tích hợp quy hoạch
Để phát triển đồng bộ và thống nhất hệ thống giao thông đô thị nói riêng và đô thị nói chung, tích hợp ITS cần bắt đầu từ khâu quy hoạch. Bài viết đề xuất nội dung tích hợp quy hoạch ITS trong quy hoạch đô thị theo 4 bước được thể hiện trong hình 2.
3.1. Điều kiện đầu vào (Bước 1)
Phân tích, đánh giá các yếu tố về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, hiện trạng kiến trúc cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng sử dụng đất, các quy hoạch và dự án có liên quan đã được phê duyệt… làm cơ sở định hướng phát triển không gian và sử dụng đất đô thị phù hợp.
Đối với hệ thống giao thông: cần đánh giá hiện trạng, phân cấp các tuyến đường; phân tích hướng, lưu lượng giao thông chính; các điểm ùn tắc, thời gian ùn tắc, nguyên nhân ùn tắc; các loại hình giao thông và sự phối hợp giữa các loại hình vận tải; hệ thống công trình giao thông; phân tích đánh giá hiện trạng hệ thống ITS; các định hướng phát triển giao thông có liên quan… làm cơ sở đề xuất các giải pháp trong phần quy hoạch.
3.2. Nghiên cứu, đề xuất tích hợp (Bước 2)
Sau khi phân tích, đánh giá điều kiện đầu vào để đề xuất được những ý tưởng cơ bản về định hướng phát triển không gian và cơ cấu sử dụng đất của đô thị (bước 2.1); tiến hành phân tích, đánh giá, tính toán ma trận giao thông để đề xuất mạng lưới kết nối (lưu lượng, cơ cấu mặt cắt, mạng lưới chính phụ, các công trình giao thông…) theo phương pháp truyền thống khi chưa tích hợp ITS (bước 2.2). Sau khi có kết quả ở bước 2.2 tiến hành tích hợp các ứng dụng của ITS trong hệ thống giao thông đã quy hoạch (trung tâm quản lý, phần mềm ứng dụng, dịch vụ quản lý… và các ứng dụng này phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật của địa phương và được quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về ITS).
Với các ứng dụng ITS này, đánh giá ngược lại đề xuất mạng lưới giao thông ở bước 2.2: khi đã cung cấp đầy đủ nhu cầu của người dùng, quản lý chặt chẽ, điều hành giám sát hiệu quả, đảm bảo liên kết nhanh chóng thuận lợi, an toàn có cần điều chỉnh lại các thông số kỹ thuật của mạng lưới đường không? Thông thường khi không có sự quản lý, điều tiết, phân phối của hệ thống ITS, các tuyến đường để đạt được mức độ dòng ổn định, có thể tự do lựa chọn tốc độ thì mặt cắt phải rất lớn; hay các trung tâm trung chuyển, kho logistic cũng có quy mô đáng kể… Do đó, khi ứng dụng ITS thì có thể giảm diện tích giao thông đáng kể mà vẫn đạt được định hướng mong muốn về giao thông và hiệu quả về sử dụng đất.
Sau khi tích hợp ITS ở bước 2.3 vào đề xuất mạng lưới giao thông ở bước 2.2; quay ngược lại bước 2.1 để điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất và định hướng phát triển không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất và bền vững.
3.3. Tham vấn, phê duyệt và ban hành (Bước 3, 4)
Tổng hợp kết quả bước 1 và bước 2, lập được dự thảo Quy hoạch đô thị tích hợp quy hoạch ITS. Sau khi tiến hành hội thảo lấy ý kiến công khai các bên có liên quan như: cộng đồng dân cư; các chuyên gia, nhà tư vấn; tổ chức ITS, các tổ chức lợi nhuận; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; tổng hợp và thống nhất xây dựng được quy hoạch đô thị tích hợp quy hoạch ITS (bước 3).
Sau khi hoàn thành bước 3, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt, ban hành và công bố quy hoạch làm cơ sở để quản lý và thực hiện các bước quy hoạch, dự án tiếp theo.
4. Kết luận.
Đô thị thông minh hay bất cứ hình thái đô thị nào cũng đều hướng tới sự phát triển bền vững, trường tồn và phục vụ nhân tố con người. Trong tất cả các hình thái đô thị này, yếu tố giao thông luôn được đặt lên hàng đầu với vai trò là huyết mạch kết nối đô thị, đô thị với đô thị và quốc gia với quốc gia. Khi mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão thì giao thông thông minh là sự phát triển tất yếu khách quan để hướng tới một đô thị thông minh. Điều đầu tiên và quan trọng nhất bắt đầu từ công tác quy hoạch.
Đối với Việt Nam hiện nay, là một trong những nước đi sau về nghiên cứu ITS cũng như đô thị thông minh cần ban hành các quy chuẩn về quy hoạch giao thông thông thông minh, đô thị thông minh; quy chuẩn ITS; thành lập cơ quan quản lý thống nhất; xây dựng quy hoạch,chiến lược phát triển ITS, đô thị thông minh quốc gia trước khi thí điểm xây dựng tại các đô thị để đảm bảo tính thống nhất, bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.