Ths.Kts. ĐOÀN NGỌC HIỆP
Trưởng Bộ môn Quản lý đô thị Đại học Kiến Trúc TP.HCM
I. TỔNG QUAN :
Kể từ ngày 01/1/2019, Công tác quản lý đô thị nói chung và quy hoạch xây dựng tại các địa phương ngoài việc vận dụng luật xây dựng só 50/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật xây dựng) và luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 (sau đây gọi tắt là Luật quy hoạch đô thị) cùng các nghị định thông tư liên quan đi kèm, thì nay phải căn cứ “thêm” hệ thống pháp luật mới gồm Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 (sau đây gọi tắt là Luật số 21), và Luật số 35/2018/QH14 ngày 15/6/2018, Sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (sau đây gọi tắt là Luật số 35)
Tuy nhiên công tác quản lý quy hoạch tại các địa phương nhìn chung mới có thêm cơ sở thực hiện sau khi nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 V/v Quy định chi tiết thi hành mốt số điều của luật Quy Hoạch số 21/2017/QH14 ban hành. Và có lẽ, các địa phương cũng đã có những lúng túng nhất định trong khi triển khai công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CẦN LÀM RÕ THÊM:
Mặt dù đã có nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều trong Luật số 21, Nhưng vẫn còn có một số nội dung chính có ảnh hưởng lớn đến công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng lâu nay. Cụ thể:
1. Về phạm vi điều chỉnh và thể loại đồ án quy hoạch xây dựng:
- Luật số 21 đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia tại điều 1 và quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia tại điều 5. Theo đó Luật số 21 này đã điều chỉnh toàn bộ các thể loại đồ án được quy định tại Luật Xây Dựng và Luật Quy Hoạch đô thị.
- Tuy nhiên tại Luật số 35 (tại điều 28,29) cũng có những điều chỉnh về một số điểm của Luật Xây Dựng và Luật Quy Hoạch đô thị, theo đó có 1 số nội dung chính về phạm vi điều chỉnh, tên gọi của loại đồ án đã được quy định lại. Cụ thể, Ngoài việc Luật 35 đã thay đổi tên quy hoạch “khu chức năng đặc thù” thành quy hoạch “khu chức năng” (bỏ chữ đặc thù) trong Luật Xây Dựng, đối với đồ án quy hoạch xây dựng nay chỉ có quy mô vùng liên huyện, vùng huyện trở xuống đô thị và nông thôn.
- Theo đó có thể hiểu đối với quy mô đồ án có phạm vi từ vùng (liên tỉnh) vVà quy mô đồ án quy hoạch “vùng” tỉnh (nay gọi là quy hoạch tỉnh) nay thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật số 21 và do Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
- Mặc khác , tại khoản 6 và khoản 7 của điều 3 Luật số 21 cũng đã quy định về “vùng” và “quy hoạch vùng” cũng đã xác định quy mô của thể loại đồ án quy hoạch vùng có phạm vi tỉnh và liên tỉnh. Theo đó, nếu xét qua luật Xây dựng, thì quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện là thuộc thể loại đồ án nào trong hệ thống quy hoạch quốc gia quy định tại điều 5 của luật số 21 gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chánh – kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị và nông thôn. Thì chỉ có quy hoạch “đơn vị hành chánh” là có thể bao quát cho đối tượng vùng huyện và liên huyện? Mà trong luật 21 chưa quy định rõ khái niệm “quy hoạch đơn vị hành chánh” là sao? Nên chăng cần bổ sung thêm quy định rõ cho thể loại đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, liên huyện thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
2. Về Nội dung quy hoạch:
- Luật số 21 có quy định về nội dung quy hoạch tại mục 2 từ điều 20 đến điều 28, ngoài quy định các nội dung của các loại quy hoạch trong hệ thống quốc gia nêu tại điều 5 thì đối với đô thị và nông thôn chỉ được quy định tại điều 28: “… Nội dung quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn về việc lập thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng …” chưa đề cập đến nội dung quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện.
- Tuy nhiên tại có 1 số quy định tại điều 28 trong Luật số 35 với nội dung chủ yếu sửa đổi từ ngữ từ quy hoạch vùng cụ thể lại là quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện cho phù hợp với quy định thể loại quy hoạch vùng trong luật số 21 là quy mô phạm vi tỉnh và liên tỉnh. Điều này cũng đã phần nào xác định nội dung quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện được sử dụng theo khung chung cũ của quy hoạch xây dựng vùng trong luật xấy dựng.
- Về chi phí cho hoạt động lập quy hoạch:
- Tại điều 9 của luật số 21 quy định chi phí cho hoạt động lập, thẩm định, quyết định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chi phí đánh giá quy hoạch được sử dụng bằng nguồn kinh phí thường xuyên của địa phương.
- Theo đó việc tổ chức lập quy hoạch có những phát sinh khó khăn nhất định trong việc lập kế hoạch thực hiện và kế hoạch ghi vốn cho chi phí quy hoạch này phải theo quy định của luật đầu tư công và phải thông qua hội đồng nhân dân các cấp tổ chức lập.
III. KẾT LUẬN & KIẾN NGHỊ:
1. Sau khi Luật số 21 đã đưa phạm vi tỉnh, liên tỉnh sẽ làm đồ án quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng (liên tỉnh) thì thể loại đồ án quy hoạch xây dựng vùng trong luật xây dựng chỉ còn là quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện nhưng chưa rõ đối tượng này có nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia và chưa đề cập rõ các quy định trong luật số 21 Theo đó cần có những luật định xác định rõ thêm vấn đề này. Để thể loại quy hoạch này không bị loạt khỏi hệ thống chung của hệ thống quy hoạch quốc gia. Vì chắc chắn săp tới các địa phương sẽ triển khai thực hiện thể loại đồ án vùng huyện, liên huyện nhiều vì do tỉnh quyết định phê duyệt hơn là việc lập lại hay điều chỉnh quy hoạch vùng tỉnh lại.
2. Chi phí cho công tác lập quy hoạch ở các địa phương thường không lớn (tính trên chi phí chung về xây dựng cơ bản tại các địa phương) và thường được thực hiện khá cấp bách, thì việc xác định chi phí cho hoạt động quy hoạch được quy định trong Luật số 21 theo nguồn vốn đầu tư công sẽ vô cùng khó khăn về tiến độ thực hiện, khi mà phần lớn các đồ án còn được điều chỉnh theo luật đấu thầu. Do đó nên chăng chỉ quy định cho các thể loại đồ án ngoài các đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn (kể cả vùng huyện và liên huyện) vẫn được điều chỉnh chủ yếu theo luật xây dựng và luật quy hoạch đô thị
Trên đây là những phân tích sơ bộ một vài điểm chính, dưới lăng kính bên lĩnh vực quy hoạch xây dựng nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng, để thấy rõ những thay đổi và những tác động do Luật số 21 ban hành và có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/1/2019, có ảnh hưởng nhất định đến công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng tại các địa phương hiện nay cần các cơ quan ban hành luật cần làm rõ thêm ./.