TS.KTS. Nguyễn Hoàng Minh
Phó trưởng Khoa Sau Đại học, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
QCVN 01: 2019 innovates the control of population density, including urban population density and residential unit land criteria, and urban morphology, based on maximum land use coefficients to limit volume of building, especially high-rise buildings in urban areas. However, the population density indicator is not entirely affected by the floor area, but depends on the number of apartments, even the different of model building such as condotel, officetel. It also creates different perceptions about population density. This paper presents a number of different perspectives on population density control in urban planning in Vietnam, from the perspective of suggestive analysis in a related to another study of population density and urban morphology.
Tóm tắt:
QCVN 01:2019 đổi mới kiểm soát mật độ dân số gồm mật độ dân số toàn đô thị và chỉ tiêu đất đơn vị ở cùng hình thái cấu trúc không gian dựa trên chỉ tiêu hệ số sử dụng đất tối đa nhằm giới hạn các khối tích không gian công trình, đặc biệt là công trình cao tầng trong đô thị. Mặc dù vậy, chỉ tiêu về mật độ dân số lại không hoàn toàn chịu tác động bởi diện tích sàn mà phụ thuộc vào số lượng căn hộ, thậm chí là cả những ẩn số cần dự báo của mô hình condotel, officetel cũng tạo nên những quan niệm khác nhau về mật độ dân số. Bài viết này đưa ra một số góc nhìn khác nhau về kiểm soát mật độ dân số trong quy hoạch đô thị tại Việt Nam, góc nhìn là những phân tích mang tính gợi mở trong một nghiên cứu liên quan về mật độ cư trú và hình thái đô thị đang được nghiên cứu.
Từ khóa: Mật độ dân số; Phân bố dân cư; Hệ số sử dụng đất (FAR); Quy hoạch đô thị; Quản lý đô thị;
1. Thách thức gia tăng dân số trong quá trình đô thị hóa
Sự phát triển nhanh chóng của dân số đô thị chủ yếu từ tăng trưởng cơ học, những đột biến về gia tăng dân số rất nhanh trong thời gian ngắn và tập trung dân số tại khu vực “phi chính thức” là những thách thức phức tạp nhất mà các chính quyền đô thị phải đối mặt.
Những lợi ích của tăng trưởng kinh tế từ đô thị, từ sự tập trung dân số các nước đang phát triển trong quá trình đô thị hóa khó có thể đánh đổi với các hậu quả của tắc nghẽn giao thông, nước sạch, nước thải, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khí thải, thiếu việc làm chính thức, gia tăng tệ nạn xã hội, thiếu vắng không gian xanh, không gian mở… và sự phân vùng cư trú trong các đô thị theo mật độ và hình thái đô thị.
Sự khác biệt về số liệu về mật độ dân số phụ thuộc nhiều vào tổng diện tích tính toán mật độ dân số theo vùng đô thị, đô thị hay khu đô thị…, các chỉ tiêu này có thể hoàn toàn khác nhau. Để có thể so sánh mối tương quan cần quan tâm đến quy mô dân số đô thị và diện tích đô thị nhằm tạo nên sự tương đồng dữ liệu khi so sánh chỉ tiêu mật độ dân số giữa các thành phố. Số liệu về dân số đô thị thế giới (Demographia World Urban Area - 04/ 2019) cho thấy các bối cảnh khác nhau với các vấn đề chung và những thách thức nổi bật của các đô thị đang phát triển:
+ Thành phố Mumbai, Ấn Độ có hơn 23 triệu dân (TOP 6), mật độ dân số 26.900 người/km2 với nhiều khu ổ chuột (slum) trải dài khắp thành phố, đối mặt với vấn đề chính sách phát triển nhà ở; (Trong thống kê chính thức, các đô thị Việt Nam không có các khu ổ chuột mà chỉ có các khu vực nhà ở dạng phi chính thức (lấn chiếm) và có thể được hợp thức hóa (trước năm 2004) và tái định cư như chương trình 20.000 căn nhà “ổ chuột” ven kênh rạch tại TP.HCM.
+ Thủ đô Jakarta, Indonesia với hơn 34 triệu dân (TOP 2), mật độ dân số 10.200 người/km2 đối mặt với áp lực tắc nghẽn, sụt lún, nguy cơ ngập lụt và chính phủ đang dự kiến di chuyển thủ đô. (Jakarta có diện tích 3.367km2 tương đương thành phố Hà Nội, 3.329km2 nhưng có mật độ dân số cao gấp hơn 4,2 lần thủ đô Hà Nội (TOP 45) với 8 triệu người, 2.419 người/km2).
+ Thủ đô Bangkok, Thái Lan cũng đứng trước nhiều áp lực về hạ tầng giao thông, tắc nghẽn nghiêm trọng, mặc dù đã có các hệ thống tàu điện trên cao, đường cao tốc xuyên thành phố. Bangkok có 16 triệu dân (TOP 17), mật độ dân số 5.300 người /km2, thấp hơn 6.700 người/km2 ở TP.HCM nhưng có quy mô diện tích 3.000ha cao gần gấp đôi so với TP.HCM (TOP 34 - 1.645km2 - 8,9 triệu người).
Tại các nước phát triển, các chỉ tiêu mật độ dân số thường có xu thế thấp hơn do các đặc điểm của quá trình đô thị hóa và mức độ đô thị hóa có sự khác biệt về chất và lượng.
Sự tương đồng về số liệu mật độ dân số cấp độ đô thị chỉ cung cấp bức tranh toàn cảnh nhưng không cung cấp được đầy đủ về hình thái, chất lượng đô thị của các thành phố cũng như sự phân bố dân cư trong thành phố.
+ Thành phố Đà Nẵng (đô thị đáng sống), thành phố trực thuộc trung ương, năm 2019 có dân số 1,13 triệu người (TOP 500 - số liệu quốc tế 1 triệu người), có diện tích 414km2, mật độ dân số khoảng 2.600 người/km2, tương đương với mật độ dân số của thành phố Auckland, New Zealand (TOP 355); thành phố Hamburg (TOP 261); nhỏ hơn thành phố Moscow (TOP 16) 2.900 người/km2 và gần gấp đôi thành phố NewYork (TOP 8) 1.700 người/km2.
+ Singapore (TOP 77) có chỉ tiêu mật độ dân số ước tính 10.900 người/km2, diện tích 518km2, dân số 5.67 triệu người) cao gấp 6,4 lần thành phố NewYork, 1,6 lần TP.HCM và 4,5 lần Hà Nội nhưng có hình thái đô thị với mật độ xây dựng thấp hơn và được mệnh danh là thành phố trong vườn (A city in a garden). Đây là một phần kết quả của việc áp dụng hiệu quả mô hình phát triển lựa chọn hình thái đô thị với kiểm soát mật độ cư trú (7.800 người/km2).
Có thể thấy, nếu lấy số liệu so sánh trên quy mô đô thị, với các diện tích khác nhau hoặc tương đương, chỉ tiêu mật độ dân số sẽ phán ánh mức độ tập trung dân số ở tầm nhìn vĩ mô, chủ yếu để phân tích về phân bố dân cư hệ thống đô thị trong các hoạch định chính sách vĩ mô.
2. Sự phụ thuộc của ngưỡng mật độ dân số
Ở phạm vi nhỏ hơn, chỉ tiêu mật độ dân số được kiểm soát, hoạch định trong các dự báo theo quy hoạch và dân số được kiểm soát phát triển chi tiết đến mức độ của một đơn vị đô thị cơ bản.
Ngưỡng mật độ dân số đối với mỗi quốc gia vùng lãnh thổ, đô thị có những quan điểm khác nhau, phụ thuộc bởi nhiều yếu tố tác động được xem xét dưới nhiều góc nhìn và quan điểm khác nhau từ kinh tế, môi trường và xã hội. Đối với mỗi bối cảnh khác nhau, các chính quyền đô thị đưa ra các phương pháp quản lý khác nhau phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển riêng.
Mật độ dân số có thể được kiểm soát thông qua nhiều cách, không cách nào được coi là hoàn hảo với các chỉ tiêu: m2/người, người/km2 hoặc số lượng căn hộ/ha…
Ví dụ đối với Isarael, mật độ 290 nhà/ha được coi là cao, còn ở Hà Lan là 100 nhà/ha (Churchman 1999), đối với Châu Âu 300 người/ha được cho là tối ưu (Ch.Fulford).
Công cụ chủ yếu kiểm soát mật độ dân số đô thị dựa vào quy hoạch là phương pháp cân bằng nhiều yếu tố phát triển về hình thái đô thị hay dự báo các phát triển công trình kiến trúc với ngưỡng “chứa đựng” khác nhau. Cụ thể, hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch luôn được coi là chìa khóa quan trọng trong kiểm soát, thúc đẩy phát triển trong đô thị, trong đó kiểm soát mật độ dân số là vấn đề gốc trong việc đảm bảo phù hợp với khả năng dung nạp, đáp ứng của đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường...
Tuy vậy vẫn cần có góc nhìn tổng hợp trong đánh giá về mật độ dân số khu vực đất đai nhất định. Sơ đồ dưới đây diễn tả cách Mật độ được kiểm soát thông qua 03 chỉ tiêu Hệ số sử dụng đất (FAR) – Dân số (POP) và Đơn vị nhà ở (DU). Mỗi chỉ tiêu đều diễn tả mật độ dân số theo một cách khác nhau, có mối quan hệ liên quan nhưng không hoàn toàn diễn tả chính xác các mối quan hệ này.
Mật độ dân số cũng được các đối tượng khác nhau đánh giá, xem xét dưới các góc độ khác nhau. Cụ thể, các nhà thiết kế thường chỉ quan tâm đến khối tích công trình hay Hệ số sử dụng đất (FAR-Floor area ratio) dưới việc xem xét mật độ công trình (Building density); Nhà đầu tư thường quan tâm đến mật độ căn hộ (Dwelling unit density) là số lượng căn nhà được bán; Nhà quản lý có các quan tâm vĩ mô đến kiểm soát mật độ dân số trên một khu vực diện tích đất (Population density).
Các góc nhìn khác nhau cho thấy sự khác biệt trong hoạch định các chính sách kiểm soát dân số dựa vào công cụ quy hoạch của các đối tượng khác nhau, có tác động đến lợi nhuận của nhà đầu tư, sự phát triển bền vững đô thị và sự phát triển của thị trường bất động sản.
3. Chính sách và quy hoạch đô thị Việt Nam từ góc nhìn phân bố mật độ dân cư
Từ 01/7/2020, quy hoạch đã áp dụng quy chuẩn quy hoạch xây dựng mới - QCXDVN01:2019, trong đó đã đề xuất 02 dạng kiểm soát chỉ tiêu mật độ gồm Hệ số sử dụng đất và Mật độ cư trú dân số, 02 chỉ tiêu này cho phép kiểm soát mật độ trong xu hướng kiểm soát mật độ dân cư và hình thái đô thị. Các ngưỡng chỉ tiêu kiểm soát đất đơn vị ở tối đa được phân theo các vùng miền, phân loại đô thị. Hơn 10 năm thực hiện QCXD01:2008 với chỉ tiêu mật độ dân số kiểm soát tối thiểu 8m2/người và trung bình 50m2/người được coi là có biên độ quá lớn và khai thác quá mức đất đai đô thị do xu thế áp dụng cùng mức chỉ tiêu tối thiểu 8m2/người của các nhà đầu tư. Quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCXDVN01:2019 điều chỉnh tăng gần gấp đôi chỉ tiêu này, tối thiểu 15m2/người và được áp dụng theo từng phân loại đô thị, trong đó đô thị loại I, II là 15-28m2/người, tương ứng với ngưỡng kiểm soát 89-167 nhà/ha (khoảng 360-650 người/ha).
Tóm lại, cụ thể hóa và kiểm soát các ngưỡng chỉ tiêu mật độ “thuần” dựa trên các hình thái cấu trúc đơn vị đô thị thông qua công cụ quy chuẩn và đồ án quy hoạch là lối đi duy nhất nhằm tạo nên các hình ảnh đô thị có đặc trưng tại các thành phố, hạn chế “cơn lốc phân lô bán nền” đã tàn phá cấu trúc đô thị, hủy hoại di sản đô thị, cảnh quan và môi trường đô thị, hướng đến mô hình phát triển đô thị bền vững.
Tài liệu tham khảo