Thực trạng và dự báo mô hình đô thị nén Việt Nam

NCS. Lê Kiều Thanh

Trưởng phòng quản lý Khoa học kỹ thuật, VIUP

 

Lý luận về mô hình đô thị nén được phát triển và ứng dụng trong những thập niên gần đây, trước thực trạng ‘phát triển đô thị lan tỏa thiếu trật tự’ trên quy mô toàn cầu, châu mỹ, châu âu, châu á...  Mô hình đô thị nén dựa trên những vấn đề nội tại của phát triển đô thị theo từng giai đoạn phát triển của quốc gia đó, như sử dụng nguyên liệu cho giao thông cá nhân tại các đô thị của Mỹ, bảo tồn môi trường cảnh quan, khuyến khích tương tác xã hội, giao thông phi cơ giới tại các đô thị của Châu Âu, cơ cấu dân số già, sử dụng giao thông công cộng quy mô lớn của các đô thị tại các nước châu á phát triển, cạnh tranh đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa, CMCN 4.0 tại các nước trong các nước thuộc OECD (World Commission Urban21, 2000) .

Có sự khác biệt về mô hình đô thị nén giữa Châu Âu và Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Úc cơ bản là các đô thị Châu Mỹ, Châu Úc đối mặt với hiện trạng là gần như toàn bộ hệ thống đô thị hiện hữu rất dàn trải, trong khi Châu Âu, Châu Á thì có rất nhiều khu vực đô thị, khu dân cư đã có tính chất nén từ trước. Các đô thị tại Châu Mỹ nhằm tạo ra những không gian nén trong đô thị chứ không hẳn tạo ra cấu trúc nén cho toàn đô thị, còn tại các đô thị tại Châu Âu thì làm sao tái cấu trúc đô thị nén hiện hữu để đô thị hiệu quả hơn, còn các đô thị tại Châu Á phát triển thì phát triển đô thị nén mang tính toàn diện hơn cả về góc độ kinh tế và xã hội, thay đổi cấu trúc đô thị và thay đổi thói quen đô thị, các khu trung tâm đô thị, trục GTCC, hệ thống TOD là xương sống của nến kinh tế và cấu trúc đô thị. Tại các đô thị Châu Á đang phát triển mô hình đô thị nén do bị ảnh hưởng mạnh mẽ của chiến lược sản xuất và đầu tư quốc tế, nên đã tạo ra mô hình đô thị nén chi phí thấp, nhưng có cấu trúc đô thị không bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế quốc gia trong dài hạn.

1. Tác động của đô thị nén tới phát triển bền vững

Trong vòng 40 năm 1975-2015, dân số thế giới đã tăng 1,8 lần và không gian xây dựng của đô thị trên thế giới tăng 2,5 lần. Năm 2018 thế giới có 10 thành phố có không gian xây dựng lớn nhất, trong đó 8 thành phố thuộc các quốc gia phát triển, 5 thành phố thuộc Mỹ, chiếm 4% tổng diện tích xây dựng đô thị trên thế giới. Dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững của 03 trụ cột môi trường, xã hội và kinh tế của LHQ, đánh giá tác động tiêu cực và tích cực của mô hình đô thị nén như sau:

1.1 Môi trường

Phát thải: 75% ô nhiễm xuất xứ từ môi trường đô thị, trong đó 45% là từ công trình và 30% từ giao thông [Lord R. Rogers]. Việc phát triển đô thị ra diện rộng vừa dẫn tới mở rộng phạm vi chiếm đất, ô nhiễm, vừa tạo ra những hạ tầng đường sá, mặt bằng betong hoá ngăn chia, làm rối loạn những hệ thống sinh thái.

Sử dụng năng lượng: Các đô thị chỉ chiếm 2% diện tích thế giới nhưng tiêu thụ 75% nguồn nhiên liệu [H. Girardet, S. Hagan]. Theo ngiên cứu của Newman và Kenworth năm 1999, nghiên cứu tại các đô thị tại 5 châu lục và chỉ ra rằng mật độ dân số càng thấp, đô thị càng mở rộng thì mức độ sử dụng năng lượng càng tăng, và ngược lại mật độ dân số càng cao thì mức độ sử dụng năng lượng càng thấp.

1.2 Xã hội

Louis Wirth phát triển tiếp ý của Simmel và khẳng định 3 chiều kích xã hội học quan trọng nhất của đô thị là: tổng dân số, mật độ và mức độ đa dạng. 3 chỉ số này càng cao thì tính đặc trưng đô thị càng rõ nét. Nếu 3 chỉ số này quá thấp thì không thể được coi là đô thị.

Do đó có thể nói KGXDN nói riêng và đô thị nén nói chung góp phần vào tăng trưởng quy mô đô thị (tổng dân số), mật độ và đương nhiên khi khi mật độ cao do không gian nén sẽ tạo ra mật độ cao về các hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng cũng phát triển theo. Từ đó có thể nói KGXDN góp phần tích cực vào tính xã hội của đô thị.

Tính công bằng, bình đẳng trong xã hội chính là việc đảm bảo quyền con người, mà trong đó một phần rất cơ bản là việc có khả năng tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như điện, nước, giáo dục, y tế, giao thông v.v. Đặc biệt những nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người dân tộc, nhập cư v.v. rất cần được đảm bảo quyền bình đẳng này.

Việc tất cả mọi tầng lớp, mọi nhóm xã hội cùng ở chung với nhau trong một khu đô thị đa chức năng thể hiện sự bình đẳng cao hơn hẳn việc phân chia riêng khu giàu khu nghèo. Việc tất cả mọi tầng lớp, mọi nhóm xã hội cùng ở chung với nhau trong một khu đô thị đa chức năng thể hiện sự bình đẳng cao hơn hẳn việc phân chia riêng khu giàu khu nghèo. Việc nén cũng dẫn tới khả năng cung cấp hạ tầng công cộng hiện đại hơn, rẻ hơn, phục vụ được cho tất cả mọi người, nhất là người nghèo. Đối với người giàu, khá giả thì những tiện ích cho người nghèo không thực sự là thứ họ cần. Việc sống chung với người nghèo mang lại cho họ nhiều thứ bất tiện. Nhưng nếu sự tự do của người giàu không đủ hấp dẫn mà quyền bình đẳng được đặt lên hàng đầu thì tổng thể chưa chắc đã phải là tốt. Tóm lại, đô thị nén có thể cho người giàu sự tự do và người nghèo quyền bình đẳng. Được như vậy thì nó là giải pháp mang lại tiến bộ xã hội.

Đô thị nén từ xa xưa vốn là một hình thức đảm bảo nhất đối với sinh kế của người nghèo đô thị. Vì thế, những khu nghèo, mật độ cao luôn luôn nằm trong vùng lõi trung tâm. Trong những thời kỳ đầu thế kỷ 20, người ta cho rằng đó là sự kiện bất thường, không nên khuyến khích, vì khu trung tâm được coi là khu đất vàng, chỉ nên cho người giàu, cửa hàng sang trọng. Vì thế, người ta luôn muốn giải toả các khu nghèo, khu ổ chuột ra khỏi vùng này. Nhưng cũng chính vì thế mà các khu này gần như không bao giờ được hợp thức hoá, càng trở nên tồi tàn, sập xệ. Mô hình đô thị nén tìm cách dàn xếp, tổ chức một cách hiệu quả, hợp lý không gian sống cho những người nghèo và các loại thành phần trong cùng một khu đô thị, khi đó vừa một mặt đô thị nén đảm bảo được sinh kế cho họ, mặt khác vừa tránh được tình trạng tiêu cực của các khu ổ chuột. Như vậy, xét từ khía cạnh này, đô thị nén chắc chắn là một tiến bộ.

1.3. Kinh tế

Tích tụ kinh tế: một trong những nguyên tắc chính của kinh tế đô thị, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, là hiệu ứng cộng hưởng. Có nhiều dạng tập trung thương mại như trung tâm thương mại, chợ, khu phố thương mại, phố đi bộ v.v. Nguyên lý tương tự cũng được cho là tồn tại trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu, sáng tạo. Một khu vực đông đúc, tập trung nhiều người, nhiều cái đầu, sẽ có nhiều ý tưởng, khuyến khích nhau cùng phát triển, để có thể trở thành một dạng vườn ươm ý tưởng, vườn ươm doanh nghiệp. Vườn ươm ý tưởng này là một trong những động cơ rất cơ bản của phát triển kinh tế đô thị.

- Theo thuyết Quy luật giá trị đất, giá đất là do yếu tố thị trường quyết định. Mọi can thiệp vào yếu tố này đều có nguy cơ làm mất giá trị tài nguyên. Giá đất đô thị ở một khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào khả năng sinh lợi từ nó, chủ yếu là năng lực trở thành chợ (thương mại) hoặc tiếp cận tới chợ (thương mại). Từ giá đất sẽ quyết định tới mật độ sử dụng. Không nên áp đặt mật độ cao ở một nơi giá trị đất thấp và sẽ làm giảm giá trị đất nếu áp đặt mật độ sử dụng thấp ở nơi có giá trị đất cao. Muốn tăng mật độ, phải tăng giá trị, mà muốn tăng giá trị, phải tăng cơ hội thị trường, thương mại và trao đổi.

- Vòng quay bất động sản: Việc phát triển ở đâu, như thế nào trong đô thị bị chi phối mạnh mẽ bởi vòng quay bất động sản. Lượng vốn lớn nhất trong đô thị cũng như những thế lực mạnh nhất đều tham gia vào vòng quay này. Vòng quay này có rất nhiều quy luật phức tạp, nhiều thế lực tham gia, với những tương quan lực lượng rất khác nhau ở từng nơi, từng lúc. Do đó những tác động vòng quay bất động sản này vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực tới phát triển đô thị. Chỉ khi nào vòng quay phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH khi cung gặp cầu thì khi đó phát triển đô thị mới bền vững. Nếu nhanh quá sẽ bị khủng hoảng thừa và chậm quá sẽ thành khủng hoảng thiếu.

Nói chung, mô hình đô thị nén có xuất phát điểm từ những phản biện từ góc độ môi trường và xã hội học hơn là kinh tế. Vì đa phần các chiều cạnh của mô hình đô thị nén sẽ hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Có điều cái giá phải trả về môi trường và xã hội là như thế nào thôi. Nhìn chung, mô hình đô thị nén hỗ trợ quy luật về tích tụ tập trung, cộng hưởng của tiêu dùng, dịch vụ cũng như gia tăng cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, sự phát triển của thương mại điện tử, tính cạnh tranh cũng không thực sự cần thiết bằng phương thức thương mại truyền thống với các mặt hàng phải được bày gần nhau trong khu vực, thay vào đó người ta có thể có nhiều cách để so sánh, đối chiếu nhanh, hiệu quả hơn.

2. Thực trạng:

2.1 Hình thái nén đô thị

Kết quả đánh giá MDDS nén của 05 thành phố trực thuộc trung ương và 03 đô thị tỉnh lỵ như sau: Có sự phân hóa rõ ràng về hình thái xây dựng mật độ cao giữa các đô thị lớn trên 5 triệu dân như Hà Nội và Thành phố HCM, với độ phủ không gian tập trung rộng lớn hơn, mặc dù HN có bị ảnh hưởng bởi yếu tố hành chính về mở rộng đô thị, nhưng những đặc điểm về hình thái xây dựng tập trung vẫn thể hiện tính chất xây dựng quy mô và mật độ cao của HN. ü Trong nhóm các đô thị nhỏ hơn, trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng thì Hải Phòng nổi trội hơn về mức độ tập trung dân cư so với Đà Nẵng và Cần Thơ. Ngoài ra Cần Thơ là thành phố có đặc điểm vùng sông nước, nên có đặc điểm khách quan làm cho mật độ dân số thấp hơn so Đà Nẵng. ü Các đô thị loại 1 khác được lựa chọn để phân tích, đô thị tỉnh lỵ như Nha Trang, Vũng Tàu và Biên Hòa có những đặc điểm khá khác biệt là cấu trúc dân cư tập trung, cụ thể Biên Hòa có phân bố dân cư tương đối cao và đồng đều phân bố trong bán kính 1-10km, còn thành phố Vũng Tàu và Nha trang có cấu trúc nén khác nhau rõ ràng, như đã nêu ở trên thành phố Nha trang có cấu trúc nén tập trung tại dải ven biển, còn thành phố Vũng Tàu lại dàn trải đồng đều hơn trên diện rộng.

2.2 Các dạng phát triển đô thị nén:

Trong giai đoạn tới các dạng phát triển đô thị nén tại HN, HCM, Nha trang, Vũng Tàu dưới các hình thức sau: (1) chuyển đổi chức năng công trình nội đô sang thương mại, dịch vụ với quy mô cấp công trình, do quỹ đất chuyển đổi trong nội đô và lợi thế về điều kiện cơ sở hạ tầng sẵn có, (2) cải tạo các khu chung cư cũ từ công trình 5 tầng thành các công trình cao tầng 20-30 tầng tại khu vực nội đô và nội đô phát triển, (3) chuyển đối chức năng các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp thành khu ở, khu dịch vụ thương mại tại khu vực nội đô phát triển với mật độ cao và cao tầng là chủ yếu, (4) chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt, gộp thửa xây dựng chung cư, chung cư mini trong làng xóm đô thị hóa khu vực nội đô lịch sử và nội đô phát triển, (5) Khu đô thị mới mật độ cao hình thành theo quy hoạch đô thị.

3. Dự báo mô hình

Tại Việt Nam, đô thị nén đa trung tâm sẽ là xu thế tại các đô thị có quy mô siêu lớn, cụ thể là tại HN và HCM với bán kính mở rộng và duy trì mật độ cao trong khoảng cách15-25 km, từ 40 phút -1 tiếng đi lại. Cấu trúc không gian này được phát triển phụ thuộc vào tiến trình hình thành mạng lưới đường bộ, và hệ thống metro tàu điện tại 2 thành phố trên. Phát triển tuyến metro đúng tiến độ có lợi thế phát triển đô thị nén bền vững và ngược lại thì đô thị nén sẽ phát triển vượt ra ngoài khung lợi thế của tuyến metro tạo ra cấu trúc nén thiếu bền vững.

Dựa trên dự báo về khoảng cách, tốc độ đi lại và cấu trúc không gian đô thị dự báo quy mô đô thị của 05 thành phố trực thuộc trung ương chia làm 2 nhóm:

  1. Nhóm 1 Hà Nội và Hồ Chí Minh, bán kính 15-25 km, 40 phút-1 tiếng đi lại.
  2. Nhóm 2 là Đà Nẵng và Hải Phòng, bán kính 10-15 km, 40 phút đi lại.
  3. Nhóm 3 là Cần Thơ, 15-20 km, 1 tiếng đi lại.
  4. Nhóm 4 là Nha trang, Vũng Tàu, 10-12 km, 20-30 phút đi lại.

Các dạng phát triển nén sẽ tạo ra những hình thái không gian đô thị nén có cấu trúc cụm/cực, tuyến, vùng và điểm. Tại HN và HCM sẽ hiện diện đầy đủ các hình thái  nén đó, trong khi có đô thị tỉnh lỵ như Nha trang và Vũng tàu thì chỉ có hình thái vùng và điểm.

Về phân bố không gian nén thì càng khu vực trung tâm thì quy mô không gian nén càng nhỏ và càng xa trung tâm thành phố thì quy mô không gian nén càng lớn. Tùy thuộc vào lợi thế hệ thống giao thông công cộng và tiếp cận của khu vực 2 đô thị HN vả HCM sẽ hình thành những cực tăng trưởng không gian nén quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn ha.

Tính bền vững của mô hình đô thị nén phụ thuộc vào cấu trúc môi trường và xã hội của không gian xây dựng và tiện ích đô thị. Hệ thống công viên, cây xanh, trường học, nhà trẻ, chợ là những tiêu chí phản ánh cấu trúc môi trường và xã hội của không gian xây dựng.

4. Kết luận

Xu thế phát triển đô thị nén là 1 quá trình tất yếu do bị tác động của yếu tố phát triển kinh tế xã hội. Những lợi thế về tích tụ kinh tế, quy mô đô thị, tập trung dân cư, hỗ trợ việc làm đô thị, sinh kế …đã tạo ra tiền đề cho phát triển đô thị nén. Nhưng như đã chứng minh qua nghiên cứu cho thấy mô hình đô thị nén hiện nay mới chỉ khai thác yếu tố lợi thế về kinh tế, khai thác tính tối ưu hiệu quả kinh tế, đây cũng là đặc điểm chung của mô hình các nước. Nhưng yếu tố về xã hội và môi trường thì chưa được xem xét, cái giá phải trả cho những chi phí cơ hội. Lý do một phần vì mô hình đô thị nén khá mới mẻ tại nước ta, một phần hệ thống công cụ quản lý nhà nước như quy hoạch, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng còn những bất cập trong việc khuyến khích những mô hình phát triển đô thị bền vững trong đó có đô thị nén. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị nói chung. Nếu chúng ta định hướng và thực hiện tốt chính sách phát triển đô thị nén bền vững chúng ta sẽ có mô hình tăng trưởng đô thị bền vững, ngược lại nếu chúng ta sai lầm thì những di sản để lại cho thế hệ sau sẽ là rất to lớn về mặt môi trường và xã hội.

Mô hình đô thị nén bền vững nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho công tác dự báo phát triển đô thị trong tương lai nhằm hỗ trợ, tìm kiếm những giải pháp tạo ra động lực phát triển đô thị vừa kích thích phát triển kinh tế vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống, phát triển đô thị có chất lượng.

Tài Liệu tham khảo

  1. Aurthur O’Sullivan, Urban Ecônmics, McGraw-Hill Education (2011).
  2. M. Jenks, E. Burton and K. Williams "Compact cities and Sustainability" in "The Compact City, a Sustainable Urban Form?" ed. M. Jenks, E. Burton and K. Williams (New York: E & FN Spon, 1996)
  3. NCS Lê Kiều Thanh, Luận văn nghiên cứu sinh: Tiếp cận môi trường sinh thái trong không gian đô thị nén thành phố Hà Nội (2019)
  4. Thăng long-Hà nội 1000 năm đô thị hóa, GS.TS Lê Hồng Kế, Nhà xuất bản chính trị quốc gia (2010).
  5. Lê Kiều Thanh, Mô hình đô thị nén bền vững Việt Nam, Đề tài NCKH cấp bộ 2018.
  6. Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị -PADDI, Xây dựng hệ thống giao thông công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh (2014-2015), Clemen Musil, Charle Simon.
  7. Ch. Fulford "The Compact City and the Market", in "The Compact City, a Sustainable Urban Form?" ed. M. Jenks, E. Burton and K. Williams (New York: E & FN Spon, 1996)
  8. 'World Report on the Urban Future 21', prepared by Sir P. Hall and U. Pfeiffer (Berlin: the World Commission Urban 21 for the Conference URBAN21 in Berlin, 2000)
A. Marshall "How cities work: suburbs, sprawl, and the roads not taken" (Austin: University of Texas Press, 2000)
  9. M. Breheny "Centrists, Decentrists and Compromisers" in "The Compact City, a Sustainable Urban Form?" ed. M. Jenks, E. Burton and K. Williams (New York: E & FN Spon, 1996)
T. Beatley "Green Urbanism, Learning from European Cities", (Washington: Island Press, 2000)

 

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 106))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website