Đánh giá tác động giao thông cho dự án, công trình xây dựng mới

ThS. KTS.Nguyễn Anh Tuấn

Phó Giám đốc, Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4, VIUP

 

Ùn tắc giao thông (UTGT) hiện nay đang là một vấn nạn tại các thành phố ở Việt Nam, cụm từ UTGT không chỉ xuất hiện tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, TP.HCM, mà đã bắt đầu nhen nhóm ở các thành phố vừa và trung bình (Đà Lạt, Vinh, Nam Định…). Trước tình hình đó, Chính phủ cũng như các Bộ, Ngành đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách nhằm hạn chế tình trạng này như đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng, kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, tăng phí dịch vụ đỗ xe tại các khu vực trung tâm… Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, UTGT trên địa bàn các thành phố không những giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt, các dự án xây dựng đang được triển khai ồ ạt, nhiều dự án trung tâm thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trong khu vực nội thành, bộ mặt các thành phố hiện đại hẳn lên song kèm theo đó là sự ngột ngạt, UTGT thường xuyên xảy ra.

Đánh giá tác động giao thông (Traffic Impact Assesment - TIA) là nghiên cứu đánh giá tác động của một dự án cụ thể (trong quá trình xây dựng - sau khi hoàn thành) đến mạng lưới giao thông trong khu vực. Những nghiên cứu này thay đổi theo mức độ chi tiết và phức tạp của dự án; phụ thuộc vào mô hình, quy mô cũng như vị trí của các dự án. Đánh giá tác động giao thông giúp những nhà quản lý trong việc ra các quyết định liên quan đến sử dụng đất của khu vực, mức độ hợp lý của công trình trong không gian chung cũng như đưa ra được các phương án nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác động xấu đến mạng lưới giao thông hay đề xuất các kịch bản cải thiện, nâng cấp mạng lưới giao thông trong khu vực để đáp ứng nhu cầu phát triển.

            TIA được đánh giá và xem xét tùy thuộc theo phạm vi lớn hoặc nhỏ. Với phạm vi lớn, TIA xem xét, đánh giá tác động của một dự án quy hoạch hay sự hình thành của một khu đô thị mới tới mạng lưới giao thông khu vực; trong khi đối với phạm vi nhỏ, TIA nghiên cứu, đánh giá tác động của một cụm công trình hay một công trình cụ thể tới mạng lưới giao thông.

Bảng dưới đây đưa ra ví dụ về việc phân loại, xác định khu vực nghiên cứu khi thực hiện TIA

Bảng 1. Xác định khu vực nghiên cứu

Phân loại TIA

Đặc tính khu vực phát triển

Khu vực nghiên cứu

1

Quy mô nhỏ

< 499 chuyến đi giờ cao điểm

1. Các tuyến tiếp cận dự án/công trình

2. Các nút giao thông có đèn tín hiệu trong bán kính ~400m và/hoặc các nút giao thông chính không có đèn tín hiệu với bán kính ~150m

2

Quy mô vừa

500 – 999 chuyến đi giờ cao điểm

1. Các tuyến tiếp cận dự án/công trình

2. Các nút giao thông có đèn tín hiệu và/hoặc các nút giao thông chính không có đèn tín hiệu trong bán kính ~400m

3

Quy mô lớn

1,000 – 1,500 chuyến đi giờ cao điểm

1. Các tuyến tiếp cận dự án/công trình

2. Các nút giao thông có đèn tín hiệu và/hoặc các nút giao thông chính không có đèn tín hiệu trong bán kính ~800m

4

Quy mô vùng

> 1,500 chuyến đi giờ cao điểm

1. Các tuyến tiếp cận dự án/công trình

2. Các nút giao thông có đèn tín hiệu trong bán kính 1,6km và/hoặc các nút giao thông chính không có đèn tín hiệu trong bán kính ~800m

Nguồn: Phân tích đánh giá tác động giao thông (Sở Giao thông bang Arizona, Mỹ)

Các đánh giá khi thực hiện TIA có thể bao gồm: Đánh giá năng lực các nút giao thông trong phạm vi nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn (lối ra vào của dự án), đánh giá công trình giao thông (bãi đỗ xe), đánh giá luồng đi lại của xe đạp, khách bộ hành qua khu vực và đánh giá về hệ thống giao thông công cộng cũng như các công trình phục vụ.

Đánh giá tầm quan trọng của việc thực hiện TIA, các nước phát triển đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra hệ thống khung hướng dẫn, sổ tay, kho dữ liệu tra cứu phục vụ cho các nhà tư vấn cũng như các nhà quản lý. Ngay trong khu vực Châu Á, TIA cũng đã trở thành công cụ thường trực ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thailand và Singapore… Tiêu biểu trong các nước là Mỹ với hệ thống hướng dẫn TIA cho riêng từng bang, cùng với đó là các công cụ hỗ trợ cho TIA, đơn cử như sổ tay tra cứu các chuyến đi phát sinh cho từng loại công trình, khu chức năng (Khu thương mại, văn phòng, chung cư, khách sạn…) ứng với từng thời điểm trong ngày (giờ cao điểm buổi sáng và giờ cao điểm buổi chiều) (Bảng 2)

Bảng 2. Phát sinh chuyến đi cho các loại công trình

Chức năng

Đơn vị

Tỷ lệ phát sinh chuyến đi

Hàng ngày (chuyến)

Cao điểm sáng

(chuyến)

Cao điểm chiều (chuyến)

Sáng – Chiều vào (%)

Sáng – Chiều ra (%)

Chiều – Chiều vào (%)

Chiều – Chiều ra (%)

Căn hộ

Đơn vị cư dân

6.65

0.51

0.62

20

80

65

35

Công nghiệp nhẹ

Công nhân

3.02

0.44

0.42

83%

17%

21%

79%

Khách sạn

Phòng

8.17

0.53

0.60

59%

41%

51%

49%

Đại học/Cao đẳng

Sinh viên

1.71

0.17

0.17

78%

22%

32%

68%

Bệnh viện

Giường

12.94

1.32

1.42

72%

28%

33%

67%

Công sở

Nhân viên

7.75

0.61

0.79

89%

11%

31%

69%

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Sổ tay phát sinh chuyến đi, Viện Kỹ thuật giao thông Hoa Kỳ (2014)

Bảng dưới đây cung cấp tổng quan về cách thức và những yêu cầu liên quan đến việc thực hiện TIA ở một số nước trên thế giới.

Bảng 3. So sánh việc thực hiện TIA tại một số nước trên thế giới

Nội dung liên quan

Hồng Kông

Singapore

Anh

Mỹ

Ngưỡng phạm vi TIA

Không có trong hướng dẫn

Hướng dẫn về phương pháp

Có - Danh sách công việc cụ thể

Có - Danh sách công việc cụ thể

Có - Danh sách công việc cụ thể

Có - Danh sách công việc cụ thể

Khu vực nghiên cứu

Không

Không

Không

Có - loại hình sử dụng đất / quy mô dự án.

Gia tăng lưu lượng (cơ sở)

Hệ số tăng trưởng (Tổng điều tra dân số hàng năm và dữ liệu trong quá khứ)

2-3% mỗi năm

Lấy từ mô hình quốc gia/dữ liệu dòng giao thông

Dữ liệu mô hình/Xu thế trong quá khứ

 

Dữ liệu phát sinh chuyến đi

Khảo sát các dự án/công trình có quy mô tương tự

Khảo sát các dự án/công trình có quy mô tương tự

Dữ liệu quốc gia

Dữ liệu quốc gia (Bảng tra cứu)

Năm đánh giá

Dữ liệu năm tương lai (chu kỳ 5 năm)

Năm đưa vào khai thác (+05 năm đối với các dự án/công trình quan trọng) 

Đến 15 năm sau khi dự án/công trình đưa vào vận hành.

Thường 05 năm sau khi dự án/công trình đưa vào vận hành

Đánh giá tác động nút giao thông liên quan

Thông thường tại lối ra/vào công trình/dự án (có thể mở rộng thêm đối với những dự án lớn)

Những nút giao thông quan trọng bị ảnh hưởng

Tùy thuộc giới hạn

Các nút giao thông bị tác động (dựa trên mức phục vụ chấp nhận)

Đánh giá về an toàn

Có – An toàn tại lối ra vào và cho người đi bộ

Bố trí các điểm ra/vào và hạ tầng cho người đi bộ.

Đánh giá an toàn đường bộ hiện có.

Công trình được thiết kế theo các tiêu chuẩn phù hợp

Thiết kế và vận hành nội bộ

Bãi đỗ xe

Đánh giá dòng phương tiện chờ

Bãi đỗ xe, sự lưu thông và các phương thức thay thế

Bãi đỗ xe, sự lưu thông và các phương thức thay thế

Giao thông phi cơ giới (xe đạp, đi bộ)

Kết nối với các trục/tuyến dành cho người đi bộ (đã có + tương lai)

Cầu vượt dành cho người đi bộ kết nối tới trạm dừng xe buýt / ga đường sắt

Nghiên cứu toàn diện khả năng kết nối tới dự án/công trình cho giao thông phi cơ giới

Đánh giá mức phục vụ dựa trên độ trễ tại các điểm giao cắt.

 

Giao thông công cộng

Xác định các công trình phục vụ tiệm cận, các hạn chế về sức chứa

Khoảng cách tới các điểm dừng đường sắt đô thị, xe buýt

Xem xét toàn diện tới khả năng tiếp cận giao thông công cộng. Nhà đầu tư đóng góp vào việc kết nối dịch vụ / hạ tầng phù hợp

Đánh giá mức phục vụ (LoS) dựa trên tần suất dịch vụ. Việc thay đổi/cải thiện sẽ được cung cấp bởi chủ đầu tư.

 

Phát triển bãi đỗ xe

Phân tích khả năng cung cấp bãi đỗ xe, nhu cầu đỗ xe giờ cao điểm

Phân tích khả năng cung cấp bãi đỗ xe, nhu cầu đỗ xe giờ cao điểm

Dựa trên các hướng dẫn địa phương và khảo sát nhu cầu đỗ xe / Dựa trên tiêu chuẩn có sẵn

Dựa trên tiêu chuẩn thiết kế và các hướng dẫn có sẵn

Nguồn: Nghiên cứu lý thuyết đánh giá tác động giao thông, Bộ GTVT New Zealand (2007)

Cách thức triển khai, thực hiện TIA ở Việt Nam

Trong thời điểm hiện nay, sự xuất hiện ồ ạt của nhiều dự án mới trong khu vực nội đô tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến mạng lưới giao thông, đơn cử như một số dự án trung tâm thương mại kết hợp nhà ở tại Hà Nội như Royal City, Times City. Đây đều là những dự án lớn, lượng phát sinh chuyến đi của những dự án này là không hề nhỏ, trong khi không có sự đánh giá hay xem xét về mặt giao thông của các dự án này, chưa kể đến các tác động khi dự án hình thành đối với  an toàn giao thông, giao thông công cộng, bãi đỗ xe, người đi bộ…

Vì vậy, việc nghiên cứu, thực hiện TIA là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài khi một số lượng lớn các dự án đã và đang trong giai đọan hoàn thành. Trước hết, TIA cần được nghiên cứu, xây dựng thành Sổ tay hướng dẫn và từng bước đưa vào áp dụng tại Việt Nam. Kết quả của quá trình thực hiện TIA sẽ từng bước cung cấp hệ thống dữ liệu (tỷ lệ phát sinh chuyến đi) tương ứng với các loại công trình, quy mô công trình, những dữ liệu này cần được hệ thống hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu, đánh giá tiếp theo. So với các nước trên thế giới, các thành phố lớn ở Việt Nam không có lợi thế về hệ thống dữ liệu giao thông (tỷ lệ phát sinh các chuyến đi, dữ liệu về lưu lượng trên các tuyến đường đô thị cũng như một số dữ liệu khác như an toàn giao thông, tai nạn giao thông…). Dựa trên nguồn dữ liệu hiện có cũng như kết hợp với một số phương pháp điều tra, khảo sát: Phỏng vấn hộ gia đình, khảo sát lưu lượng giao thông, khung triển khai TIA tại Việt Nam trước mắt nên được xem xét và nghiên cứu theo mô hình sau:

- Xác định quy mô công trình, thời gian công trình hoàn thành.

- Khảo sát lưu lượng các nút giao thông chịu ảnh hưởng tác động của dự án khi hình thành (số lượng nút giao thông lựa chọn tùy thuộc quy mô của dự án).

- Đánh giá sơ bộ năng lực của các nút giao thông hiện tại.

- Ước tính các chuyến đi phát sinh đến và đi sau khi dự án hình thành (giờ cao điểm buổi sáng hoặc buổi chiều).

- Phân bổ các chuyến đi phát sinh lên mạng lưới đường hiện có (Dựa trên khung giao thông hiện trạng).

- Đánh giá năng lực các nút giao thông tại thời điểm dự án hình thành.

- Đề xuất các phương án giảm thiểu tác động giao thông của dự án (nếu có).

Hiện nay, một số chủ đầu tư dự án, công trình tại Việt Nam đã thực hiện thí điểm TIA, tuy nhiên quy trình triển khai, dữ liệu sử dụng cũng như kết quả của quá trình này chưa được kiểm chứng bởi các cơ quan nhà nước, do đó trong thời gian tới cần có một nghiên cứu về cách thức thực hiện TIA, đề xuất về đơn vị chịu trách nhiệm lập cũng như đơn vị sẽ thẩm định, phê duyệt TIA. Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện TIA tại Việt Nam, công tác dự báo lưu lượng giao thông trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị (đặc biệt là quy hoạch chung đô thị) cần được quy định bắt buộc phải thực hiện. Ngoài đảm bảo cơ sở khoa học khi đề xuất mạng lưới quy hoạch giao thông đường bộ, cụ thể là bề rộng mặt cắt ngang đường, đây còn là yếu tố đầu vào, cơ sở quan trọng để đánh giá ảnh hưởng của các dự án, công trình lên toàn bộ mạng lưới đường trên quy mô tổng thể. Cuối cùng, công cụ TIA cần được nghiên cứu đưa vào các hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để việc thực hiện được nhân rộng và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông mà các thành phố lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt.

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 100)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website