Tổng thống Yoon Suk Yeol thị sát căn nhà bán hầm có 3 người thiệt mạng hôm 8-8. Ảnh: Yonhap
Quyết định nói trên được đưa ra sau khi trận mưa lớn kỷ lục đầu tuần rồi đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng hoặc mất tích. Trường hợp gây chấn động nhất là việc một gia đình 3 người (gồm 1 người khuyết tật) thiệt mạng trong đêm mưa lớn 8-8, vì áp lực nước khiến họ không thể mở cửa căn hộ bán hầm bị ngập ở quận Dongjak. Vụ việc khiến công chúng kinh hoàng và thúc giục giới chức thủ đô Hàn Quốc dần loại bỏ các căn hộ tầng ngầm và bán ngầm.
Với đặc điểm là nhỏ hẹp, tối tăm và dễ ẩm mốc vào mùa hè, các căn hộ bán ngầm - còn được gọi là “banjiha” trong tiếng Hàn - từng thu hút sự chú ý khi xuất hiện trong bộ phim “Ký sinh trùng” (Parasite) nổi tiếng của Hàn Quốc . Tác phẩm điện ảnh giành giải Oscar năm 2019 này thể hiện sự chênh lệch về mức sống và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội xứ kim chi.
Theo Choi Eun-yeong - giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Đô thị Hàn Quốc - banjiha lần đầu tiên được xây dựng vào những năm 1970 để phục vụ như boong-ke trú ẩn. Nhưng trong vài thập kỷ tiếp theo, quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của Seoul đã thu hút đông đảo người nhập cư đến từ nông thôn. Tình trạng thiếu nhà ở buộc chính phủ cho phép người dân sử dụng các tầng hầm để sinh sống, mặc dù chúng không được xây dựng cho mục đích này.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Hàn Quốc có khoảng 327.000 căn hộ banjiha trên toàn quốc vào thời điểm năm 2020, chiếm 1,5% trong tổng số 20.927.000 căn hộ dân sinh. Riêng tại Seoul, có tổng cộng 200.000 hộ gia đình sống trong những ngôi nhà có tầng hầm hoặc bán hầm, chiếm 5% tổng số căn hộ. Số căn hộ dạng này tập trung nhiều nhất tại quận Gwanak với hơn 20.000 căn. Từ lâu, banjiha đã tồn tại các vấn đề về sinh hoạt - bao gồm hệ thống thông gió và thoát nước yếu kém, rò rỉ nước, thiếu lối thoát hiểm, sự xâm nhập của côn trùng và dễ tiếp xúc với vi khuẩn. Nhưng mức giá thấp của dạng nhà ở này là một điểm thu hút lớn trong bối cảnh chi phí nhà ở tại Seoul ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là với những người trẻ có mức lương thấp, giá thuê nhà cao và thị trường việc làm bão hòa.
Theo Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc, giá nhà trung bình tại Seoul đã tăng từ 341 triệu won (274.000USD) vào tháng 5-2017 lên 626 triệu won (500.000USD) vào tháng 3 năm nay. Còn giá căn hộ ở Seoul - loại bất động sản được tìm mua nhiều nhất - cũng tăng từ 600 triệu won lên 1,2 tỉ won (gần 1 triệu USD). Trong khi đó, tiền thuê banjiha mỗi tháng dao động trong khoảng 200.000-500.000 won với khoản đặt cọc 3-10 triệu won.
Phát biểu trước báo giới, thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết nhà ở ngầm dưới lòng đất và bán ngầm là loại hình nhà ở lạc hậu, thiếu an toàn và khiến cư dân bị đe dọa nhiều mặt. Trong 10 năm qua, Seoul đã nỗ lực giảm số gia đình sống trong căn hộ banjiha từ 300.000 xuống 200.000 hộ. Ngay trong tháng 8 này, thành phố sẽ xác định hiện trạng của khoảng 17.000 căn banjiha để ra phương án di dời, hỗ trợ.
Hôm 10-8, thị trưởng Oh Se-hoon cũng đã công bố các biện pháp phòng chống lũ lụt trung và dài hạn, bao gồm xây dựng hệ thống chứa và thoát nước mưa dưới lòng đất tại 6 khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt. Cũng trong ngày 10-8, đích thân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã lên tiếng xin lỗi người dân trên cả nước sau khi mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở Seoul và khiến chính quyền thành phố bị chỉ trích thiếu các biện pháp kiểm soát ngập lụt.
Những lo ngại về an toàn liên quan đến banjiha cũng từng dấy lên vào năm 2010 và 2011, khi các đợt lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng. Vào năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã cấm sử dụng các căn hộ banjiha ở những khu vực thường xuyên bị ngập lụt.