Trụ sở chính của NDB ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: jfdaily.com)
Báo chí nhà nước Trung Quốc dẫn thông báo mới đây của NDB có trụ sở chính ở thành phố Thượng Hải cho biết, ngân hàng này sẽ thành lập một văn phòng khu vực tại Ấn Độ; đồng thời, sẽ cung cấp khoản hỗ trợ tài chính 30 tỷ USD cho các nước thành viên BRICS trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026.
Trong đó, 40% nguồn vốn được dùng để thúc đẩy giảm thiểu tác động và thích ứng với khí hậu toàn cầu; 30% nguồn vốn đầu tư cho các dự án phi chính phủ, 30% nguồn vốn sử dụng đồng nội tệ. NDB dự kiến, 20% dự án sẽ được triển khai dưới hình thức đồng tài trợ với các ngân hàng phát triển đa phương khác.
Tại cuộc họp thường niên tổ chức theo hình thức trực tuyến, Hội đồng Thống đốc của NDB đã thông qua chiến lược 5 năm thứ hai cho giai đoạn 2022-2026. Ông Marcos Troyjo, Chủ tịch NDB cho biết, trong tương lai, định chế tài chính này sẽ tập trung vào các dự án hỗ trợ thúc đẩy phát triển bền vững. Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026, NDB sẽ tiếp tục mở rộng thêm thành viên.
Theo kế hoạch, văn phòng khu vực của NDB tại Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ với trụ sở chính tại Thượng Hải để đáp ứng nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng và phát triển bền vững của Ấn Độ và Bangladesh; đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực Nam Á.
NDB là định chế tài chính do 5 quốc gia thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đồng sáng lập, với mục đích huy động nguồn lực cho các dự án hạ tầng và phát triển bền vững của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; đồng thời đóng góp vào tăng trưởng và phát triển toàn cầu với tư cách là một tổ chức tài chính đa phương và khu vực. Đến nay, NDB đã kết nạp thêm các thành viên như UAE, Uruguay, Ai Cập và Bangladesh.
Kể từ khi thành lập đến cuối tháng 9/2021, NDB đã phê chuẩn 80 dự án với nguồn vốn hơn 30 tỷ USD cho các nước thành viên, liên quan các lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông vận tải, đô thị, nguồn nước, y tế, hạ tầng số...