Tại Wishram, một ngôi làng ở tỉnh Sindh (Nam Pakistan), nơi thường xuyên hứng chịu các thảm họa thiên tai như lũ lụt, mọc lên hàng loạt những ngôi nhà tranh vách đất, tạo nên lối kiến trúc làng truyền thống rất đặc trưng, theo tiếng địa phương gọi là chauhras.
Nhà chống lũ ở Pakistan. Ảnh: Reuters.
Nhìn bề ngoài có vẻ sơ sài, song những ngôi nhà nhỏ làm từ bùn này lại ẩn chứa thiết kế đầy sáng tạo, nhưng vẫn lấy cảm hứng từ kỹ thuật xây dựng bản địa phổ biến của vùng nông thôn Pakistan. Điều đặc biệt, chúng được thiết kế để có khả năng chống chịu với ngập lụt, bền vững và thân thiện với môi trường.
Được thiết kế bởi Yasmeen Lari - nữ kiến trúc sư được chứng nhận đầu tiên của Pakistan - khoảng 1.000 ngôi nhà như vậy đã được xây dựng tại tỉnh Sindh sau trận lũ lụt chưa từng có hồi năm ngoái, nhấn chìm khoảng 1/3 diện tích đất nước, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.700 người và phá hủy gần 1,4 triệu ngôi nhà.
Ngôi nhà của gia đình bà Bai nằm trong số hàng nghìn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hồi năm ngoái, buộc gia đình của người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi này phải trú ẩn trong những lều tạm trong khoảng 3 tháng cho đến khi Quỹ Di sản Pakistan - một tổ chức phi chính phủ, do kiến trúc sư Lari đứng đầu - đã giúp những người dân vùng thiên tai xây dựng nhà mới. Đến tháng 2 năm nay, bà Bai cùng hai con trai của mình đã được chuyển đến ngôi nhà mới, được xây dựng ngay trên đúng vị trí ngôi nhà cũ.
Giờ đây, bà có thể yên tâm, không còn lo sợ mất nhà vì thời tiết khắc nghiệt vì nhà mới có khả năng chống chịu tốt với mưa bão: “Nhà cũ của chúng tôi trước cũng ở vị trí này nhưng sau đó đã bị nước lũ cuốn trôi. Chúng tôi dựng lều nhựa để trú ẩn, nhưng sau đó nước lũ tràn vào nhiều hơn. Tôi rất vui vì nhà mới rất tốt, không còn sợ đổ, mưa bão gì cũng chịu được. Nên tôi cảm thấy rất hài lòng và rất thích ngôi nhà này.”
Trong khi những ngôi nhà bằng bùn xây dựng theo kỹ thuật truyền thống dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và việc xây dựng những ngôi nhà bê tông gây tốn kém và thải ra nhiều khí carbon, thì những ngôi nhà theo thiết kế đổi mới của nữ kiến trúc sư Lari có khả năng chống chịu tốt với thiên tai, thân thiện với môi trường, hơn nữa việc xây dựng lại nhanh chóng và dễ dàng hơn. Các cấu trúc tre dựng sẵn - đặt trên các bệ nâng - có tường bùn cứng bằng vôi bao quanh để ngăn nước. Mái nhà cũng được làm từ tre phủ thảm rơm, một lớp bạt và pozzolana- một loại vật liệu chống thấm hiệu quả.
Ở Noor Nabi Shah, một ngôi làng khác cách Wishram khoảng 10km, dân làng cũng học được cách xây nhà kiểu mới thông qua các cuộc hội thảo do tổ chức của bà Lari khởi xướng. Họ sử dụng các vật liệu địa phương như vôi, bùn và tre để xây dựng nhà chịu được nước lũ với chi phí thấp. Những ngôi nhà kiểu này chỉ mất một tuần để xây dựng, so với khoảng ba tuần như trước kiểu để xây nhà bùn kiểu truyền thống và mất đến hai tháng nếu xây nhà kiên cố bằng xi măng. Chi phí xây dựng mỗi ngôi nhà mới chỉ mất chưa đến 87 USD, thấp hơn 1/10 chi phí xây dựng nhà có kết cấu xi măng.
Trong khi các tổ chức phi chính phủ và nhiều tổ chức cứu trợ địa phương và quốc tế khác vẫn đang gấp rút thay thế những ngôi nhà bị phá hủy bởi mưa bão bằng các công trình kiên cố sử dụng gạch và vữa, thì bà Lari cho biết các vật liệu xây dựng truyền thống như vậy vẫn không tránh khỏi nguy cơ sụp đổ khi mưa lớn.
Bà Lari cho biết: “Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đang làm việc vì người nghèo. Vì vậy, việc xây dựng phải tiết kiệm chi phí nhất có thể. Thứ hai, chúng ta phải hiểu rằng bất cứ vật liệu nào bạn mang từ nơi khác đến đây sẽ luôn đắt hơn những vật liệu có sẵn tại địa phương. Điều tôi đang cố gắng làm là mang lại cho người dân những gì tốt nhất, tạo cho họ một môi trường sống thoải mái hơn."
Tổ chức phi chính phủ do bà Lari đứng đầu đã giúp đỡ những người sống sót sau thảm họa thiên tai ở Pakistan xây dựng khoảng 55.000 ngôi nhà như vậy, trong đó 4.500 ngôi nhà mọc lên kể từ khi lũ lụt bắt đầu vào tháng 6 năm ngoái. Mục tiêu cuối cùng mà người phụ nữ lớn tuổi này hướng tới là cung cấp nhà ở cho ít nhất 350.000 hộ gia đình.
Tuy nhiên, không phải kiến trúc sư nào cũng hoàn toàn bị thuyết phục bởi thiết kế của bà Lari. Giáo sư về Kiến trúc và Quy hoạch tại Đại học Kỹ thuật và Công nghệ NED, ông Noman Ahmed, cho biết điểm trừ cần khắc phục cho thiết kế những ngôi nhà không sử dụng bê tông là chưa hoàn toàn phù hợp với lối kiến trúc xây dựng ở thành thị:
"Mặc dù dạng nhà này có thể rất phù hợp với các vùng nông thôn, nhưng nó không khả thi ở các khu vực ven đô hoặc thành thị. Nhược điểm khác là vì tính chất chỉ như nơi trú ẩn cơ bản nên việc bổ sung thêm hoặc xây thêm tầng loại cấu trúc này hiện tại là không thể”.