Trần Hoàng Hải Nam
Phó trưởng phòng Quản lý dữ liệu D-GIS, VIUP
Economies in Asia are growing strongly, leading to a rapid increase in urbanization rate in major cities. Thanks to that development, the real estate market can bring many housing opportunities as well as commercial needs, contributing to improving the quality of life for urban residents. The challenge is how to ensure the harmony between natural ecosystems and urban spaces. In that context, some cities in Asia have pioneered early in finding a way to live in harmony with nature.
Các nền kinh tế tại Châu Á đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng tốc độ đô thị hóa tại các thành phố lớn. Cũng nhờ sự phát triển đó mà thị trường bất động sản có thể đem lại nhiều cơ hội về nhà ở cũng như phục vụ các nhu cầu thương mại, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị. Thách thức đặt ra là làm sao để đảm bảo được sự hòa hợp giữa hệ sinh thái tự nhiên với không gian đô thị. Trong bối cảnh đó, một số thành phố tại Châu Á đã sớm tiên phong trong việc tìm ra lối đi để chung sống hòa hợp với thiên nhiên.
Vai trò của việc kết hợp hệ sinh thái tự nhiên vào không gian đô thị là vô cùng quan trọng. Việc xanh hóa thành phố không còn là một khái niệm phổ biến ngày nay mà thực tế đã diễn ra từ thế kỷ 19, thậm chí còn lâu hơn, từ giai đoạn con người xây dựng vườn treo Babylon. Nhân loại đã sớm nhận ra rằng các không gian xanh, công viên công cộng góp phần đem lại một tâm trạng tích cực và thoải mái hơn cho những người dân sinh sống và làm việc trong đô thị. Đó như một mong muốn mang tính bản năng của con người khi luôn muốn xây dựng một môi trường tốt hơn cho đô thị nơi họ sống và làm việc. Chúng ta luôn cố gắng tái tạo lại mọi không gian thiên nhiên trong đô thị nhưng thực sự hệ sinh thái đó không thể gọi đó là tự nhiên, bởi vì chúng được chăm sóc bởi bàn tay con người. Nói một cách khác, đó chỉ là một phiên bản hệ sinh thái tự nhiên do con người tạo ra. Tuy nhiên dù hệ sinh thái đó có thực sự là tự nhiên hay được tạo ra bởi bàn tay con người thì nó vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Hệ sinh thái tự nhiên cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như hiệu suất lao động của cư dân sinh sống trong thành phố. Môi trường thiên nhiên trong lành trong thành phố tạo cảm hứng cho con người tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể chất, mọi người sẽ đi bộ nhiều hơn, có nhiều không gian thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và được hít thở bầu không khí trong lành hơn. Nhờ sức khỏe và tâm trạng tốt hơn mà năng suất lao động nhờ đó cũng được nâng cao, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho các hoạt động trong thành phố. Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng có thể hiểu và nhận thức rõ điều này.
Việc phát triển hệ sinh thái tự nhiên trong thành phố không hề khó khăn nếu như các nhà quản lý, các nhà quy hoạch hiểu rõ vai trò quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên đó đối với không gian đô thị. Trong quá khứ, phần lớn các không gian tự nhiên không được xem trọng bởi chúng ta quá bận rộn trong việc phát triển đô thị với mục tiêu xây dựng công trình nhà ở, giao thông và các chức năng phục vụ thương mại khác. Đến khi chúng ta thực sự nhận ra tầm quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên trong thành phố thì không còn quỹ đất để phát triển nữa. Các quốc gia như Singapore đã sớm dành nhiều quỹ đất để sử dụng cho công viên cây xanh, và đặc biệt luôn đảm bảo tất cả các tuyến đường đều dành được diện tích đáng kể để trồng cây bóng mát lớn ở dọc hai bên đường. Nhờ đó mà Singapore có thể trồng được cây xanh cực lớn ở khắp các tuyến đường trên toàn bộ đất nước. Một điều đơn giản là nếu chúng ta không dành quỹ đất để trồng cây thì chúng ta không thể tạo ra không gian xanh, đó là thực tế lớn nhất đối với phần lớn các thành phố tại Châu Á ngày nay. Đôi khi không hẳn là các thành phố không nhận ra điều này, mà vấn đề nằm ở sự thay đổi quá chậm bởi sự cồng kềnh của bộ máy đưa ra quyết định. Do đó nếu có thể thì cũng chỉ tạo ra một vài không gian xanh mang tính chất tiêu biểu tại các khu vực quan trọng của thành phố, còn khó có thể nhân rộng ra khắp mọi nơi để đem lại không gian xanh trên diện rộng.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển bất động sản lại là một nhân tố giúp tháo gỡ vấn đề, mặc dù kết quả vẫn thường là đem lại các hệ sinh thái tự nhiên mang tính cục bộ cho khu vực mà họ đầu tư. Các nhà phát triển bất động sản trong giai đoạn hiện tại có xu hướng chạy đua nâng cao chất lượng môi trường sống để tạo giá trị cạnh tranh, và họ thực hiện các mục tiêu này một cách quyết liệt và tập trung. Một số các nhà đầu tư khác mặc dù không nhận thức được giá trị của cảnh quan nhưng cũng phải tuân thủ các chỉ tiêu về cây xanh theo như các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch mới. Tại một số quốc gia, việc xây dựng mọi công trình phải tuân theo tiêu chuẩn về “Chất lượng thiết kế đô thị và cảnh quan”. Một loạt các thành phố đang phát triển nhanh chóng như Manila, Bangkok, Hanoi… đều đang nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tự nhiên trong thành phố và các thành phần kinh tế tư nhân đóng một vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Bản thân các thành phần kinh tế tư nhân có nguồn lực để hiện thực hóa việc tích hợp hệ sinh thái tự nhiên vào không gian đô thị một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ngày một cạnh tranh, môi trường sống chất lượng cao là một công cụ marketing hữu hiệu khi các dự án được tung ra thị trường. Thiết kế cảnh quan và xây dựng hệ sinh thái tự nhiên trở thành tiêu chí quan trọng để khách hàng lựa chọn sản phẩm bất động sản. Ngày nay tại Singapore, các dự án bất động sản không đáp ứng tiêu chí cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên tốt sẽ vô cùng khó bán, cho dù bán với giá rẻ. Bên cạnh không gian sinh sống tại các khu đô thị thì không gian làm việc tại các khu vực trung tâm thành phố cũng đòi hỏi chất lượng môi trường sống ngày càng cao. Thung lũng Silicon tại Mỹ hay tổ hợp Biopolis tại Singapore là những ví dụ điển hình về chất lượng môi trường sống cao cấp cho người làm việc. Những hệ sinh thái tự nhiên len lỏi trong không gian công cộng tại các khu cao ốc văn phòng đem lại sức hút to lớn đối với người lao động cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn để đặt văn phòng trụ sở làm việc.
Vậy thì lối đi nào cho các thành phố đang phát triển trong bối cảnh quỹ đất đô thị dành cho cây xanh khan hiếm và các nguồn lực đầu tư bị hạn chế? Phần lớn các thành phố tại Châu Á đều có mong muốn xây dựng môi trường sống chất lượng cao thông qua việc kiến tạo hệ sinh thái tự nhiên trong đô thị. Tuy nhiên những nỗ lực này đòi hỏi cần có đồng thời hai yếu tố quan trọng là nguồn lực tài chính và quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Thực tế cho dù toàn bộ hệ thống trị quyết tâm hành động, nhưng nếu không có nguồn lực tài chính thì mọi mục tiêu cũng không thể hiện thực hóa được. Một ví dụ là kế hoạch làm sạch các dòng sông và các con kênh trong đô thị. Tất cả các quốc gia, các thành phố trên khắp Châu Á đều đã từng lên kế hoạch cho việc cải tạo và làm sạch các con sông nhưng chỉ một số ít có thể hiện thực hóa được kế hoạch đề ra. Tiêu biểu là Trung Quốc khi đất nước này đã huy động mọi nguồn lực cần thiết để cải tạo các dòng sông trên hầu hết các thành phố lớn. Chính phủ Trung Quốc đã có những kế hoạch hết sức nghiêm túc và quyết liệt cũng như sẵn sàng đầu tư đầy đủ nguồn lực tài chính và nhân lực để cải tạo hệ thống các con sông trong đô thị với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường. Trải qua thời kỳ ô nhiễm nghiêm trọng tại một số thành phố công nghiệp trong quá khứ, Trung Quốc không muốn phải lặp lại kịch bản tương tự cho các đô thị hiện tại và tương lai.
Trong bối cảnh các thành phố đang loay hoay tìm hướng giải quyết các bài toán đô thị thì Singapore là một thành công điển hình trong việc kiến tạo môi trường chất lượng cao, nơi mà con người vừa được trang bị đầy đủ các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu ở và làm việc, vừa có thể chung sống cùng thiên nhiên. Tự coi là một Thành phố vườn (Garden City), Singapore đã hành động mạnh mẽ để thực hiện được mục tiêu xanh hóa thành phố ở tất cả các quy mô khác nhau. Các dự án công trình xây dựng bắt buộc phải bao gồm hệ sinh thái tự nhiên (dù lớn hay nhỏ), có thể dưới hình thức mái xanh, vườn đứng hoặc tường xanh… Sự thúc đẩy phát triển không gian xanh cũng được đưa vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế. Công trình xanh cũng trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng, là tiêu chuẩn bắt buộc được áp dụng từ 2008.
Phần lớn các định hướng và tầm nhìn để giữ Singapore trở thành đô thị bền vững và đáng sống bắt nguồn từ Cheong Koon Hean, người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt cơ quan phát triển đô thị Singapore. Vừa là một kiến trúc sư những cũng là một nhà quy hoạch kỳ cựu, Cheong được tin tưởng để định hướng phát triển cho các dự án mang tính biểu tượng của Singapore như khu Marina Bay – với khu vườn trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thu hút du khách, hay như khu Jurong Lake đã trở thành một trung tâm thứ hai và là điểm kết nối hệ thống tàu điện cao tốc mới sang Malaysia. Cheong hiện tại là giám đốc điều hành HDB (Housing and Development Board), cơ quan xây dựng và quản lý nhà ở xã hội cho 5,6 triệu cư dân Singapore.
Singapore vừa là một quốc gia nhưng đồng thời cũng vừa là một thành phố. Quy mô diện tích hạn chế bắt buộc Singapore phải quy hoạch nén để có thể đáp ứng đủ không gian sinh sống và làm việc cho người dân đô thị. Chính yếu tố nén lại trở thành một lợi thế cho đô thị Singapore khi mỗi buổi sáng người ta có thể dạo chơi trên bãi biển hòa cùng thiên nhiên và ngay sau đó có thể nhảy lên xe bus để đi làm. Singapore cũng thực sự là một thành phố quốc tế không chỉ ở việc cân bằng hài hòa các nền văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Mã Lai mà còn bảo tồn được rất nhiều di sản kiến trúc xen lẫn không gian đô thị hiện đại. Khi Singapore bắt đầu giành được độc lập năm 1965, cả thành phố chỉ là những khu ổ chuột, ngột ngạt bởi các tuyến phố tắc đường, các dòng sông trở thành hệ thống thoát nước thải, người dân vật lộn để tìm được công việc tử tế. Từ một quốc gia khan hiếm về quỹ đất ở và không có tài nguyên thiên nhiên, sau 50 năm Singapore đã vươn lên trở thành một đô thị hiện đại và sạch đẹp với nền kinh tế đa dạng và hệ thống hạ tầng vững mạnh. Chương trình nhà ở xã hội đã biến Singapore từ một quốc gia của những người phải sống tạm thành một quốc gia toàn dân sở hữu nhà. Hơn 90% dân số Singapore sở hữu nhà riêng, một tỷ lệ sở hữu nhà hàng đầu trên thế giới.
Sự khởi đầu nhằm kiến tạo hệ sinh thái tự nhiên trong thành phố Singapore bắt nguồn từ một chương trình thúc đẩy nhằm bù đắp các khoảng cây xanh bị mất trên mặt đất bằng các không gian xanh trên cao, các công trình được sử dụng mái xanh và các khu vườn trên mái. Những khu vực này cũng góp phần bổ sung thêm không gian công cộng để mọi người có thể tập trung cho các hoạt động cộng đồng, nghỉ ngơi giải trí. Ở Marina Bay, tất cả các dự án phát triển phải tuân theo chính sách thay thế 100% mảng xanh. Dự án Pinnacle@Duxton, tổ hợp nhà ở xã hội cao nhất thế giới gồm 50 tầng kết nối bởi các khu vườn trên cao tại tầng 26 và tầng 50. Cư dân có thể đi bộ trên những lối dạo trên cao và không gian cũng được trang bị đầy đủ các tiện ích tập thể dục như một công viên thể thao dưới mặt đất, tạo nên một quẩn thể nhà ở đáp ứng đầy đủ mọi hoạt động thể chất cho con người.
Trong bối cảnh hạn chế về quỹ đất, Singapore không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với sự phát triển mật độ cao. Nói một cách khác, thành phố cần tối ưu từng mét vuông quỹ đất khan hiếm để nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị. Các giải pháp thiết kế cảnh quan cục bộ được đưa ra mang tính chất tháo gỡ cảm giác về mật độ nén của đô thị. Các không gian công viên, cây xanh, kênh rạch, ao hồ được phân bổ rải rác ở khắp mọi nơi từ các khu ở thấp tầng đến các tổ hợp ở cao tầng. Hệ thống không gian mặt nước này cũng góp phần điều tiết ngập lụt cho thành phố. Hệ thống cây xanh được trồng rất rậm rạp và đa dạng, có khoảng 3 triệu cây xanh bao phủ khắp Singapore và một khu rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh nằm giữa trung tâm hòn đảo.
Tại khu vực mở rộng Marina Bay, Singapore xây dựng một trong những hệ thống trữ nước sạch lớn nhất thế giới và cạnh đó là quỹ đất lên đến 100ha cho một khu vườn bên cạnh vịnh, được gọi tên “lá phổi xanh” của thành phố. Tất cả các công viên trong thành phố được kết nối tạo thành một mạng lưới xanh phủ khắp mọi nơi. Những khu vực có địa hình cao như đồi được kết nối bằng những cây cầu tạo điểm nhấn để ngắm cảnh quan thiên nhiên. Toàn bộ hệ thống công viên nhờ đó được liên kết để tạo nên một mạng lưới giao thông thân thiện giúp người dân có thể chạy bộ hoặc đạp xe với chiều dài quãng đường lên đến hàng trăm kilomet.
Trong các khu nhà ở xã hội, người dân Singapore xây dựng một mối liên hệ khăng khít trong cộng đồng dân cư. Họ có ý thức nghiêm túc xây dựng và giữ gìn các không gian cộng đồng được thiết kế len lỏi giữa các khu ở dành cho tất cả các độ tuổi khác nhau được gọi là “sân chơi kết nối 3 thế hệ”. Tất cả các công trình được khuyến khích bằng nhiều hình thức để đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh, được các tổ chức công trình xanh có uy tín đánh giá và cấp chứng chỉ nhằm mục tiêu cắt giảm năng lượng tiêu thụ và hạn chế phát thải carbon. Nhiều giải pháp mới cũng được áp dụng để tạo nên những mô hình sống thích nghi với sự phát triển của đô thị, đặc biệt là mô hình “Trung tâm việc làm thông minh” (Smart Work Centers), nơi mọi người từ những công ty khác nhau có thể chia sẻ không gian làm việc, rút ngắn thời gian di chuyển và nâng cao hiệu suất lao động. Con người sẽ được trang bị nhiều công nghệ hơn trong cuộc sống, những người già sẽ được chăm sóc tốt hơn tại nhà thông qua hệ thống “tele-medicine”. Và trong tương lai, các công nghệ tiên tiến sẽ cho phép quy hoạch 3D không gian ngầm và xây dựng thêm các hệ thống hạ tầng và tiện ích ngầm để giảm áp lực hạ tầng cho quỹ đất khan hiếm của đô thị.
Trên thực tế hầu hết các thành phố đang phát triển tại Châu Á phải đương đầu với mật độ dân số gia tăng. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy vẫn có những giải pháp hiệu quả để biến các thành phố mật độ cao trở nên xanh hơn và đáng sống hơn nhờ tìm được những lối đi giúp con người chung sống hòa hợp với thiên nhiên.
Tài liệu tham khảo:
Can we integrate natural ecosystems in urban Asian spaces? | Siddharth Poddar | GreenBiz
This City Aims to Be the World's Greenest | Amy Kolczak | National Geography